Ngày 4-8, báo cáo tại hội nghị về Tự chủ đại học năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết, Việt Nam có năm trường đại học có tổng thu trên 1nghìn tỉ/năm.
Giảng viên có thu nhập trên 300 triệu/ năm
Trong top 5 trường đại học có tổng thu trên 1 nghìn tỉ/năm có 2 trường đại học tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP và ba trường tư thục tự chủ gồm: Trường ĐH FPT; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Văn Lang; Trường ĐH Kinh tế TP. HCM; Trường ĐH Công nghệ TP. HCM.
Trong top 10 trường tham gia khảo sát có tổng thu cao nhất, có 5 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM.
1 trường đại học công lập tự chủ (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) và 4 trường đại học tư thục gồm: Trường ĐH FPT, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ TP. HCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Ngoài ra, có 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP trong danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021.
Cũng theo báo cáo này, về nâng cao năng lực tài chính của cơ sở, từ 2018 đến 2021 tổng thu của các cơ sở GDĐH tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài NSNN cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh, cụ thể:
Tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.
Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% trong khi năm 2021 chỉ còn 12,7%; tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm 2018 là 57,5% và chỉ còn 46,3% năm 2021.
Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018- 2021).
Số lượng bài báo quốc tế tăng
Số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng thêm hơn 3,5 lần, số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở giáo dục đại học tăng thêm hơn 4 lần sau 4 năm (2017 - 2021).
Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình KHCN cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm.
Đối với 23 cơ sở giáo dục ĐH được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP về tự chủ, có 22 cơ sở có số bài báo công bố quốc tế trên tạp chí WoS/SCOPUS tăng mạnh.
Biểu đồ số lượng công bố quốc tế qua 5 năm. Nguồn Bộ GD&ĐT |
Nâng cao nghiên cứu khoa học, chất lượng đào tạo và chuyển giao công nghệ chính là để nâng cao uy tín của nhà trường. Hoạt động này là tiêu chí quan trọng xếp hạng đại học và thực hiện kiểm định chất lượng cấp cơ sở.
Trong giai đoạn 2016-2021, có 18 chương trình KHCN cấp Bộ và do các đơn vị có tiềm lực nghiên cứu mạnh chủ trì tổ chức. Các chương trình tập trung vào 2 lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật - công nghệ (7 chương trình) và khoa học nông lâm ngư y (5 chương trình).