Nhận định được ông Thành đưa ra tại Diễn đàn Kinh doanh 2022 do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 4/8. Vị chuyên gia cho rằng, kể cả chiến sự Ukraine có căng thẳng hơn, giá dầu vẫn dưới ngưỡng 120 USD một thùng thì khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam vẫn khả quan.
Ngược lại, nếu rơi vào kịch bản xấu nhất là giá dầu vượt 120 USD thì việc kiểm soát lạm phát "rất khó khăn". Khi ấy, hy vọng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng không còn; lạm phát có thể trên 4% khiến cơ quan quản lý phải dùng đến những biện pháp hạ nhiệt như giảm thuế, phí đã từng áp dụng thời dịch.
Tuy nhiên, tình hình chung đến thời điểm này khá triển vọng. Chốt phiên giao dịch hôm 3/8, mỗi thùng dầu Brent giảm 3,7 USD về 96,78 USD. Dầu thô Mỹ WTI cũng giảm tương tự, về 90,66 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2, trước khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.
Giá dầu giảm bất chấp Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) vừa thống nhất không tăng đáng kể nguồn cung, chỉ với 100.000 thùng dầu một ngày trong tháng 9.
Ông Thành cho rằng, khả năng giá dầu tăng mạnh trở lại cũng không cao. "OPEC+ không tăng cung nhưng nhìn vào lượng dầu dự trữ, kinh tế toàn cầu suy giảm thì áp lực tăng giá dầu từ nay đến cuối năm cũng mờ nhạt", vị chuyên gia nhận định.
Một số dự báo quốc tế cũng đồng tình. Đầu tuần này, Fitch Solutions Country Risk & Industry Research dự báo giá dầu Brent trung bình là 105 USD một thùng vào năm 2022 và 100 USD một thùng vào năm 2023.
Theo các nhà nghiên cứu của Fitch Solutions, giá dầu tháng 7 chịu áp lực giảm liên tục, với hợp đồng trung bình ở mức khoảng 105 USD mỗi thùng, giảm so với khoảng 118 USD mỗi thùng trong tháng 6. "Rủi ro suy thoái tiếp tục gia tăng, những lo ngại về phía cầu đang tăng cao hơn", báo cáo công ty nêu.
Tuy nhiên, việc ứng phó với lạm phát nửa cuối năm cũng cần thận trọng. Điểm qua xu hướng áp lực lạm phát toàn cầu, chuyên gia Fulbright chia thành 4 vùng: đỏ, cam, vàng, xanh; tương ứng với lạm phát trên 8%, 7%, 6% và dưới 5%.
Trong đó, Việt Nam được xếp vào "vùng xanh" cùng với một số nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và láng giềng như Malaysia, Indonesia. Lạm phát tháng 7 của Việt Nam là 3,1%, thấp hơn cả trung bình của "vùng xanh" vào khoảng 3,5%. Còn tính 7 tháng đầu năm, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,44% so với cùng kỳ 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung.
"Bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách là vì Việt Nam đang ở 'vùng xanh' thì nên điều hành nền kinh tế thế nào", ông Thành nói. Nguyên nhân là các nền kinh tế vùng đỏ cam có thể đang đạt đỉnh lạm phát, vùng xanh chưa tới. Do đó, lạm phát trong ngắn hạn vẫn sẽ tăng.
Tại Việt Nam, lạm phát những tháng qua là do chi phí đẩy, chủ yếu là tác động trực tiếp từ giá năng lượng. Nhưng 5 tháng cuối năm, lạm phát có thể tăng 0,4-0,7% tháng do các tác động gián tiếp, với điều kiện giá dầu không tăng mạnh lại.
Ông Thành dự đoán, từ tháng 7-12, ảnh hưởng của giá dầu không còn nhiều nhưng ảnh hưởng giá lương thực thực phẩm tăng vì độ trễ của nó. Do đó, lạm phát có thể đạt đỉnh vào tháng 11, 12, với mức có thể trên 7%. "Nhưng do Việt Nam tính lạm phát bình quân nên kết quả này vẫn sẽ dẫn đến lạm phát cả năm là 3,8%, đạt được mục tiêu 4%", ông nói thêm.
Nhận định vào tháng trước, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC cũng cho rằng lạm phát nhiều khả năng sẽ mạnh hơn từ quý IV, thậm chí có lúc vượt trần 4% của Ngân hàng Nhà nước. "Chúng tôi tin rằng thời điểm áp dụng biện pháp bình thường hóa tiền tệ sẽ đến sớm hơn trong bối cảnh áp lực giá gia tăng", ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành đánh giá các cơ quan quản lý đang trong thời điểm điều hành chính sách thận trọng, nhất là trong bối cảnh tín dụng tăng mạnh. Tính đến hết tháng 6, nhiều nhà băng đã tăng trưởng tín dụng gần chạm hạn mức được cấp.
Đến 30/6, dư nợ tín dụng thông qua kênh cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp - tăng 9,35% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong 10 năm qua. "Bài học lịch sử rút ra là độ trễ của lạm phát, khi tín dụng tăng quá mức thì 6-8 tháng sau là bùng nổ lạm phát", ông Thành nói.
Cuối tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nới "room" với nhà băng xếp hạng cao, sẵn sàng giảm lãi suất, hỗ trợ ngân hàng yếu kém. "Nhà điều hành đang dò đường để thời gian tới có mục tiêu tín dụng linh hoạt hơn. Tôi nghĩ sẽ linh hoạt trong khoảng 14-15% và nới room cho một số ngân hàng", ông Thành nói.
Viễn Thông