Trào lưu thích và chia sẻ các video bị các đối tượng lợi dụng để trục lợi - Ảnh: KIỀU HẠNH
Sau ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhu cầu việc làm trở thành vấn đề nóng hơn bao giờ hết. Lợi dụng việc này, các đối tượng xấu đã "giăng bẫy" lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức kiếm tiền online với các phương thức và thủ đoạn rất tinh vi.
Thả con tép, bắt con tôm
Thời gian gần đây, các hội nhóm tìm việc làm trên mạng xã hội Facebook thường xuyên xuất hiện thông tin tuyển cộng tác viên làm việc online thu hút nhiều người tham gia.
Những kẻ lừa đảo chỉ định nạn nhân bỏ tiền túi mua sản phẩm, đến khi sản phẩm có giá cao ngất ngưởng thì những đối tượng này sẽ "quỵt" cả gốc lẫn lời.
Tháng 6-2022, chị Đ.T.Q.T. (35 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) thấy nhiều thông tin tuyển cộng tác viên làm việc online đăng trên Facebook, nội dung tuyển là "chỉ cần xem video TikTok và chia sẻ, các bạn sẽ có tiền ngay vào tài khoản".
Sau đó, chị T. liên hệ với tài khoản có tên P.A. và được thêm vào một nhóm trò chuyện chung với hàng chục thành viên.
Chị T. và mọi người được người hướng dẫn giao làm "nhiệm vụ bậc 1" là "like và share" các video được chỉ định, cứ mỗi video chị T. nhận được 15.000 đồng. Mỗi ngày chị thực hiện từ 15 - 20 video. Sau 5 ngày, chị T. nhận được 1 triệu đồng.
Người hướng dẫn gợi ý chị làm "nhiệm vụ bậc 2" để có được nhiều tiền hơn. Chị T. đồng ý tham gia, sau đó chị được tách ra một nhóm nhỏ hơn chỉ 4 thành viên.
Chị T. được yêu cầu phải bỏ tiền ra mua một sản phẩm trong đường link gần giống với các trang sàn thương mại điện tử nổi tiếng. Sau khi hoàn thành, ngay lập tức sẽ nhận lại tiền gốc và thưởng.
Trong lúc chị T. đang do dự, 3 thành viên trong nhóm liên tục gửi ảnh chụp màn hình thành quả vào nhóm với nội dung "vừa nhận 1 triệu đồng từ thử thách", "chốt hoa hồng hơn 5 triệu".
"Nhiệm vụ bậc 1 thấy người ta cũng chuyển tiền lại cho mình nhanh chóng nên tôi tin tưởng, làm thử nhiệm vụ bậc 2 xem như thế nào", chị T. bộc bạch.
Người hướng dẫn gửi sản phẩm vào nhóm trị giá 500.000 đồng, chị T. làm theo và hoàn thành, vậy là chị dễ dàng nhận về tài khoản 600.000 đồng. Chị T. bắt đầu tin tưởng vào nhóm này, hoàn thành hàng chục đơn hàng có giá trị khác và được trả tiền sòng phẳng. Thế nhưng khi đến sản phẩm có giá trị 30 triệu đồng, chị T. không được nhận tiền gốc và thưởng.
Khi chị T. hỏi người hướng dẫn thì nhận được câu trả lời phải thực hiện thêm một lượt mua hàng nữa sẽ nhận tiền gốc và lời của hai "nhiệm vụ". Lỡ "phóng lao phải theo lao", chị T. buộc phải thực hiện thêm đơn hàng 20 triệu đồng nhưng cũng không nhận được tiền hoàn lại, lúc này chị T. mới biết mình bị lừa.
Bộ Công an cảnh báo
Tâm sự với chúng tôi, chị P.T.M.P. (25 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) vẫn chưa hết lo lắng khi bị kẻ gian lừa mất 100 triệu đồng vì tham gia trò chơi trên app (ứng dụng) có tên Coinbase.
Tháng 4-2022, từ quảng cáo tìm việc trên mạng, chị P. liên hệ với tài khoản Facebook có tên nước ngoài là Pinatas Bricia Gudino. Từ tin nhắn tự động từ tài khoản này, chị kết bạn Zalo với tài khoản Phạm Quỳnh, sau đó người này thêm chị vào nhóm chat có nhiều thành viên và gửi cho chị đường link để tải app Coinbase.
Theo hướng dẫn chỉ cần mua các sản phẩm đã niêm yết giá và chơi trò giải các con số trong khoảng thời gian nhất định. Chỉ cần tập trung theo dõi hướng dẫn trong ứng dụng, nắm bắt quy luật người chơi có thể dễ dàng vượt qua và nhận phần thưởng.
Ban đầu mọi giao dịch các gói từ 100.000 - 500.000 đồng trong ứng dụng này luôn thuận lợi, làm xong nhận tiền ngay vào tài khoản. Chị P. được các thành viên trong nhóm giới thiệu đến một người mà mọi người xem là "thầy" với lời hứa sẽ giúp chị kiếm nhiều tiền hơn.
Thấy chị P. do dự, người này nói có thể cho chị chuyển trước 20% số tiền tổng nhận được (số tiền tổng hơn 120 triệu đồng). Tin tưởng, chị P. lấy tiền dành dụm nạp vào ứng dụng này hơn 20 triệu đồng và tiếp tục giải các con số như trước.
Chị P. nhận được thông báo hoàn thành và rút tiền. Lúc này, chị P. thực hiện lệnh mã rút tiền nhưng hệ thống báo không thực hiện được. Sau đó, chị liên hệ "thầy" để hỏi lý do thì người này yêu cầu chị liên hệ bộ phận tư vấn khách hàng.
Các đối tượng nói do cách thức nạp và thực hiện thử thách sai nên phải nạp tiền và thực hiện lại. Sau đó, hết lần này đến lần khác chị P. đổ tiền vào ứng dụng Coinbase lên đến 100 triệu đồng nhưng không nhận được tiền. Chị P. van xin để rút tiền nhưng các đối tượng nói chị vay tín dụng đen chơi tiếp mới rút được, lúc này chị mới nhận ra mình bị lừa.
Sau vụ việc, vì không có bằng chứng nên chị T. và chị P. không thể trình báo cơ quan chức năng, mặt khác do bản thân chưa nắm đủ kiến thức về pháp luật. Chị P. cho biết đa số các tài khoản của bọn chúng đều là tài khoản "ma".
Bộ Công an cho biết thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan công an nhưng vẫn có người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử.
Mồi nhử mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn như việc nhẹ lương cao, được trả ngay theo ngày, với mỗi đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 - 20%. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền.
Khó trình báo cơ quan chức năng
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi trên là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tùy vào giá trị tài sản chiếm đoạt, mức độ, tính chất chủ thể có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Luật sư cho biết thêm tình trạng người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra ngày càng phức tạp và phổ biến, đánh vào tâm lý chung của nhiều người về công việc nhẹ nhàng với mức thu nhập cao, dễ dàng lợi dụng lòng tin, dụ dỗ họ chuyển tiền dưới nhiều hình thức rồi từ đó chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, do hình thức lừa đảo được thực hiện qua mạng nên có thể thấy thông tin liên hệ cũng như nhân thân về những người lừa đảo rất mơ hồ, không xác thực, vì vậy thực hiện việc tố cáo những hành vi trên để được xử lý theo quy định của pháp luật cũng rất khó khăn.
Luật sư khuyến cáo khi phát hiện những trường hợp đối tượng có biểu hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thì phải nhanh chóng cung cấp thông tin, tố giác ngay tới cơ quan công an tại địa phương để kịp thời vào cuộc xử lý.
TTO - Tiếp tục có nhiều người lên tiếng tố cáo bị các kẻ xấu giả danh sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, Lazada… tuyển họ làm "cộng tác viên online", rồi chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Xem thêm: mth.1501008050802202-gnoh-aoh-neit-nahn-uv-meihn-mal-yab-pas/nv.ertiout