Vườn sâm Ngọc Linh đang được chăm sóc, bảo vệ trên huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum - Ảnh: L.TR.
Nhiều doanh nghiệp không dừng lại ở việc bán sâm củ mà tích cực đầu tư chế biến đa dạng sản phẩm, mở cơ hội cho người dân tham gia vào các công đoạn...
Theo số liệu của tỉnh Kon Tum, tính tới nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.200 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và nhiều doanh nghiệp tham gia ngành sản xuất chế biến sâm Ngọc Linh.
Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh trên toàn tỉnh là hơn 1.200 hecta với tổng số hơn 24,8 triệu cây, tổng sản lượng ước khoảng 213,6 tấn sâm.
Doanh nghiệp đi trước
Ở tỉnh Kon Tum, một trong những người trồng sâm sớm và được biết nhiều tại tỉnh Kon Tum là ông Trần Hoàn với thương hiệu Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Ông Hoàn cho biết khi đi khảo sát khu vực bao quanh núi Ngọc Linh, ông đã nhận ra sự quý hiếm và những lợi ích to lớn từ cây sâm Ngọc Linh. Năm 1998-1999, ông tìm đến các hộ dân chuyên đi rừng "xăm" sâm và đặt vấn đề mua lại nguồn cây giống mà bà con tìm được từ rừng.
Sau khi khoanh vùng được khu vực ươm sâm, ông Hoàn đã mời gọi những người dân bản địa sống quanh các triền núi vào làm công nhân bởi không ai hiểu cây sâm và chăm sóc tốt hơn là người bản địa.
Năm 2006, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 ra đời, trong chiến lược làm sâm ngay từ đầu và cho tới nay, việc lưu giữ nguồn gen gốc thuần chủng núi Ngọc Linh của sâm là yêu cầu sống còn.
"Chúng tôi không mua giống bên ngoài và cũng không kinh doanh cây giống. Hơn 20 năm với nhiều biến cố nhưng chúng tôi vẫn luôn nhất quán và xuyên suốt theo một con đường, đó là bảo tồn, duy trì, phát triển nguồn gene gốc của cây sâm Ngọc Linh; đảm bảo cho cây sâm được phát triển dưới điều kiện thuận tự nhiên nhất" - đại diện Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 nói.
Để bảo vệ nguồn sâm thuần chủng, từ năm 2005 tỉnh Kon Tum cũng đã phê duyệt dự án Bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh với sự phối hợp của ba bên: nhà khoa học, chính quyền với doanh nghiệp và có sự tham gia của cộng đồng. Dự án triển khai trên địa bàn 7 xã của huyện Tu Mơ Rông và huyện Đắk Glei.
Dự án tập trung vào việc giữ nguồn gene sâm Ngọc Linh, cung cấp giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho cộng đồng trong vùng dự án để người dân trồng tạo thành hàng hóa, xem đây là cây xóa đói giảm nghèo, từ đó sẽ nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cây thuốc quý trong nhân dân sống quanh chân núi Ngọc Linh.
Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 là một trong hai đơn vị tại Kon Tum tới nay được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là vườn sâm Ngọc Linh chính gốc thuần chủng. Doanh nghiệp này hiện sở hữu hơn 7.000 hecta vườn sâm giống gốc và tiếp tục mở rộng 4.600 hecta vùng trồng sâm.
Nhiều người am hiểu về sâm cho biết khi tham gia các hội chợ sâm gần đây có thể thấy nguồn sâm ở Kon Tum tương đối khác biệt, củ "rám", khắc khổ hơn, người rành sâm có thể nhận ra nguồn giống ở vùng Kon Tum tương đối thuần.
Giữ rừng để trồng sâm
Trước nguồn lợi đầy tiềm năng của sâm Ngọc Linh, trong bản quy hoạch được công bố năm 2013 đến giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2025, tỉnh Kon Tum đã đưa vào quy hoạch gần 32.000 hecta vùng trồng sâm Ngọc Linh.
Công ty CP Sâm Ngọc Linh cho rằng muốn trồng được sâm thì yếu tố sống còn đó là phải giữ được rừng, tạo ra vùng đệm an toàn làm môi trường sinh trưởng cho sâm phát triển.
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông - ông Võ Trung Mạnh - cũng khẳng định rừng còn thì cây sâm sẽ còn. Mấy năm gần đây, nhờ nhận ra giá trị to lớn và nguồn lợi mang lại trực tiếp từ cây sâm Ngọc Linh mà bà con trên các triền núi cao đã không còn khai thác rừng bừa bãi.
Nhiều doanh nghiệp làm sâm tại Kon Tum cho biết mấy năm trở lại đây, diện tích sâm không ngừng được mở rộng và tăng lên. Thị trường sâm cũng đối diện với không ít áp lực từ nạn sâm giả, tình trạng trà trộn các giống sâm ngoại lai từ nơi khác vào gắn mác thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Dù vậy cơn sốt sâm vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá liên tục tăng vọt. Cơ hội tuyệt vời dành cho cây sâm diễn ra khi vào năm 2017, Chính phủ công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Rất nhiều doanh nghiệp tại Kon Tum đã đầu tư mạnh vào ngành sâm, tạo ra một bức tranh sôi động về lĩnh vực dược liệu.
Vào tháng 4-2022, một phiên chợ sâm Ngọc Linh lần đầu được tổ chức tại trung tâm huyện Tu Mơ Rông - trung tâm trồng sâm của Kon Tum. Sau nhiều năm "âm thầm" ươm trồng, bày bán theo kênh riêng, nhiều vườn ươm, doanh nghiệp đã lần đầu tiên trưng ra các mặt hàng sâm của mình gây ngạc nhiên cho giới săn sâm.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều bước đi táo bạo không chỉ mời gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu mà còn thúc đẩy quảng bá thương mại để đẩy thương hiệu củ sâm đi lên.
Tặng sâm giống để tạo sinh kế cho người dân
Theo Sở NN-PTNT Kon Tum, toàn tỉnh này đang có 881 hecta rừng có trồng sâm Ngọc Linh đang cho thu hoạch quả, mỗi năm thu 8,5 triệu hạt và cung cấp nguồn cây giống 6,2 triệu cây con.
Ngoài các doanh nghiệp, tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh việc giao đất giao rừng gắn liền với việc phát triển vườn sâm để tạo sinh kế cho bà con, đặc biệt nhiều doanh nghiệp chuyên sâm đã có chính sách tặng cây giống, trả công bằng hạt sâm cho người dân.
"Thời điểm hiện tại mỗi năm chúng tôi nhân giống hơn 2 triệu cây sâm giống, đã ký kết với hơn 500 hộ dân người đồng bào tại các xã Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lei (huyện Tu Mơ Rông). Mỗi năm trao tặng hơn 500.000 cây giống" - đại diện Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 cho biết.
Hội thảo "Nâng tầm thương hiệu sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia"
Sâm Ngọc Linh có nhiều dưỡng chất quý giá vào loại hàng đầu thế giới, đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, đã được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Tuy nhiên, để sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm mạnh, mang lại "quốc kế dân sinh" như vai trò nhân sâm đối với Hàn Quốc là một chặng đường còn rất nhiều thử thách phía trước.
Để xây dựng sâm Ngọc Linh thành một thương hiệu mạnh như mong ước, cần rất nhiều sáng kiến từ mọi ngành, mọi giới. Và đó là lý do để báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo "Nâng tầm thương hiệu sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia". Hội thảo diễn ra vào ngày thứ bảy 6-8 tại KS Mường Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Tham dự hội thảo có các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sâm, các chuyên gia về phát triển thương hiệu, đại diện nhiều bộ ngành như nông nghiệp, công thương, du lịch... và cả các doanh nghiệp đồng hành như Công ty TNHH Triết Minh, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, Công ty cổ phần Capella Group...
Ông NGUYỄN HỮU THÁP (phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum):
Đầu tư để tăng giá trị từ cây sâm
Ông NGUYỄN HỮU THÁP
"Kon Tum phấn đấu tới 2025 sẽ phủ diện tích có sâm Ngọc Linh lên khoảng 4.500 hecta, tương ứng khoảng 45 triệu cây.
Đến năm 2030 diện tích này đạt 10.000 hecta và tới 2045 trồng sâm Ngọc Linh trên toàn bộ diện tích có khả năng trồng loài dược liệu quý này. Tỉnh cũng đang đầu tư nâng cấp 5 vườn giống sâm Ngọc Linh, đã hình thành được một Trung tâm kiểm nghiệm kiểm định quốc gia về sâm Ngọc Linh tại Kon Tum.
Trong định hướng ngành sâm, Kon Tum xác định đầu tư phát triển mạnh các cơ sở bảo tồn và sản xuất giống sâm Ngọc Linh nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và cung cấp giống đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.
Tập trung xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối, đẩy mạnh mô hình liên kết, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh Kon Tum công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại... Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh", nhãn hiệu sâm Ngọc Linh ra nước ngoài cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh xuất khẩu.
Tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum trong và ngoài nước; tăng cường xúc tiến đầu tư, tiếp thị, phát triển thị trường, xây dựng và kết nối chuỗi phân phối cho sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Xây dựng "tour" du lịch đến nghiên cứu, tham quan, mua sắm tại nơi sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh Kon Tum. Gắn kết việc quảng bá thương hiệu và phát huy giá trị của sâm Ngọc Linh Kon Tum trong các lễ hội văn hóa của địa phương...
Ứng dụng công nghệ thông tin công nghệ 4.0 trong phát triển sâm Ngọc Linh, tạo bước đột phá và nâng cao khả năng cạnh tranh của sâm Ngọc Linh với các sản phẩm sâm khác trên thế giới".
"Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam" - Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi ông đang là Thủ tướng Chính phủ vào năm 2018, và ông cũng nhấn mạnh thêm "là quốc bảo thì phải đi liền với quốc kế dân sinh".
Xem thêm: mth.48534658050802202-hnil-cogn-mas-ohc-gnuhc-nauht-neg-nougn-uig-mut-nok/nv.ertiout