Quang cảnh hội thảo chuyên ngành về phát thanh - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Trong khuôn khổ Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 2022, sáng 5-8, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức hội thảo "Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến" nhằm chia sẻ kinh nghiệm nghiệp vụ.
Bài toán nan giải về bản quyền âm nhạc
Giám đốc Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM Lê Công Đồng cho biết bước sang giai đoạn bùng nổ thông tin, các chương trình văn nghệ giải trí sản xuất theo phương thức truyền thống gặp nhiều thách thức. Đó chính là sự cạnh tranh khốc liệt về nội dung của các loại hình giải trí mới.
Phó giám đốc Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM Nguyễn Quốc Bình cho rằng ngành phát thanh cần liên kết với các nền tảng khác để vừa tiếp cận thêm lượng thính giả mới vừa phát huy việc khai thác kho dữ liệu khổng lồ trên các nền tảng số. Tuy nhiên, không ít Đài Phát thanh - Truyền hình gặp phải vấn đề bản quyền âm nhạc.
Trưởng phòng Phát thanh và thông tin điện tử, Đài Phát thanh - Truyền hình Long An Phạm Ngọc Trãi - cho biết: "Áp dụng công nghệ số vào chương trình phát thanh giải trí không đơn giản, nhất là bản quyền âm thanh. Đài địa phương không đủ kinh phí làm mới những tác phẩm để nắm quyền tác giả".
Phó giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương Nguyễn Thanh Quang đưa ra giải pháp là liên hệ trực tiếp với ca sĩ, nhạc sĩ, đơn vị để xin bản quyền phát ca khúc, hướng tới đàm phán với Hội bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm mua bản quyền số.
Từ trái qua: bà Chế Thị Anh Tuyền, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và Đỗ Hoàng Anh - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Người làm podcast tự do có thể cạnh tranh với đài lớn
Ông Đỗ Hoàng Anh - giám đốc tài chính Soundio - cho biết khán, thính giả hiện nay có xu hướng dịch chuyển sang nền tảng âm thanh trực tuyến nhiều hơn.
"Người dân tiếp cận thông tin qua 3 hình thức chính gồm: đọc, xem và nghe. Trong đó, xem là hình thức phổ biến. Nội dung sẽ không quá hấp dẫn nếu chỉ có hình, phần tiếng là yếu tố quan trọng giúp người xem có cảm xúc tốt hơn.
Nghe có 2 định dạng gồm podcast (phát thanh trực tiếp) và audiobook (sách nói). Tại Việt Nam, có 38% người dùng intenet (27 triệu người) nghe podcast và sách nói" - Hoàng Anh chia sẻ.
Theo khảo sát, hiện nay, thế hệ trẻ nghe podcast nhiều hơn radio. Nhiều bạn có thể làm chương trình phát thanh một mình, không cần tần số, không cần cột phát sóng, trở thành nhà sản xuất độc lập, có thể cạnh tranh với các đài phát thanh lớn.
Phó giám đốc Kênh VOV Giao thông quốc gia Phạm Trung Tuyến bày tỏ ngạc nhiên vì chưa thấy podcast hấp dẫn của các đài phát thanh trong khi họ thực hiện các chương trình phát thanh hấp dẫn.
Ông cho biết lợi thế của người làm phát thanh có cảm giác tốt về âm thanh và người nghe; đồng thời có cảm nhận về thính giả tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của họ. Trong phát thanh nội dung là vua, còn ở podcast thính giả mới là vua.
"Đã đến lúc các đài nên đầu tư sản xuất podcast một cách bài bản hơn. Podcast không phải là chuyển thể từ chương trình phát thanh thành mà nhiều đài đang thực hiện hiện nay. Điều này thiếu hẳn tính năng hấp dẫn nhất của podcast" - ông Tuyến nhấn mạnh.
"Làm nội dung âm thanh hấp dẫn cần xác định rõ đối tượng khán giả của kênh, hiểu vấn đề họ quan tâm; cần kỹ năng kể chuyện tốt; người kể cá tính" - Hoàng Anh cho biết thêm.
Từng gây ấn tượng với bộ phim không hình ảnh (nghe phim) Trời tính không bằng trời tính năm 2020, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Hải Phong khẳng định sức mạnh phần nghe rất quan trọng.
TTO - Với chủ đề 'Linh hoạt chuyển đổi, thích ứng vượt lên', Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15 năm 2022 khai mạc tối 4-8 tại Nhà hát TP.HCM.