Bị thu hồi ki-ốt, tăng giá thuê sạp
Những ngày qua, tiểu thương của Trung tâm Thương mại Dịch vụ Đại Quang Minh (còn gọi là chợ phụ liệu may mặc Đại Quang Minh, Q.5, TPHCM) liên tục treo băng rôn phản đối việc Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Sài Gòn (Satraseco, quản lý trung tâm Đại Quang Minh) tăng giá thuê sạp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 3/2022, các tiểu thương nhận được thông báo rằng, hợp đồng thuê sạp cũ chỉ được gia hạn 1 năm thay vì 3 năm như trước; giá thuê sạp tăng lên từ 50 - 130% so với giá cũ; tiểu thương phải đóng tiền ký quỹ (tiền cọc) tương đương giá thuê sạp trong 3 tháng. Nếu tiểu thương không thực hiện theo thông báo, công ty sẽ thu lại mặt bằng. Tháng 7/2022, Satraseco cắt điện đối với hơn 55 hộ kinh doanh không đóng tiền thuê mặt bằng.
Ông Nguyễn Duy Lam - tiểu thương quầy A18 - nói: “Hiện tại, giá thuê sạp (6,38m2) là 6,7 triệu đồng/tháng. Với quy định mới của Satraseco, giá thuê sẽ tăng lên 9,9 triệu đồng/tháng trong nửa năm đầu và tăng lên 13,3 triệu đồng/tháng trong nửa năm tiếp theo. Đồng thời, tiểu thương phải đóng tiền cọc. Bên công ty cũng đưa ra thời hạn thu hồi mặt bằng nếu chúng tôi không ký hợp đồng mới. Sau dịch COVID-19, sức mua yếu, việc tăng giá thuê sạp quá cao và quá gấp như thế này là làm khó tiểu thương. Chúng tôi không phản đối tăng giá mà chỉ yêu cầu tăng giá sao cho hợp lý”.
Tiểu thương Trung tâm Thương mại Dịch vụ Đại Quang Minh phản đối việc công ty quản lý tăng tiền thuê quầy sạp theo mức quá cao - Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Ông Lê Văn Cường - tiểu thương chợ Đại Quang Minh - cho biết vào năm 1990, chợ này do Công ty Vải sợi may thời trang Sài Gòn quản lý. Để có sạp buôn bán như hiện nay, các tiểu thương phải đóng góp từ 10-12 cây vàng, tương đương một căn nhà thời đó. Đến năm 2003, UBND TPHCM có quyết định chuyển doanh nghiệp nhà nước này thành Satraseco và cho phép Satraseco tiếp tục sử dụng khu đất này. “Tiểu thương chúng tôi cũng là cổ đông nhưng từ khi cổ phần hóa đến nay, chúng tôi bị gạt ra ngoài” - ông bức xúc.
Bà Phan Thị Nhị - tiểu thương chợ đêm Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) - cũng đại diện 47 tiểu thương phản ánh đến Báo Phụ Nữ TPHCM việc ban quản lý (BQL) chợ lấy lại mặt bằng phía trước chợ làm bãi giữ xe khiến tiểu thương thất nghiệp, hàng hư hỏng do tồn đọng hơn 1 năm nay. Theo bà, để có điểm bán ở chợ đêm Hạnh Thông Tây, các tiểu thương phải mua với giá từ 150-200 triệu đồng/chỗ.
Ông Đào Ngọc Tùng - tiểu thương chợ Thạnh Xuân (Q.12) - cũng phản ánh tình trạng tương tự. Cách đây 14 năm, ông đấu giá quyền kinh doanh một số ki-ốt bên ngoài chợ với số tiền tương đương 5 cây vàng. Cách thức đấu giá cũng giống như đấu giá các điểm kinh doanh bên trong chợ, nhưng hiện nay, các điểm kinh doanh trong chợ được tái ký hợp đồng, còn 17 ki-ốt ngoài chợ được BQL chợ thông báo thu hồi để làm bãi giữ xe.
Các đơn vị liên quan nói gì?
Theo ông Phạm Thế Hanh - Tổng Giám đốc Satraseco - từ năm 2020, công ty đã xây dựng lộ trình tăng/giảm giá cho thuê sạp. Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty đã gia hạn hợp đồng thuê sạp với mức giá cũ nhằm hỗ trợ tiểu thương (thấp hơn giá thị trường). Đến nay, khi tình hình kinh tế ổn định, công ty mới giao kết hợp đồng mới và đề xuất giá thuê mới. Việc yêu cầu đóng tiền cọc là nhằm ngăn ngừa việc tiểu thương tự ý sang nhượng, đóng tiền trễ.
Cuối năm 2021, 47 tiểu thương chợ đêm Hạnh Thông Tây cho biết, họ đã phải đóng cửa, dừng kinh doanh, muốn mở cửa nhưng không được phép. |
Sau khi nghe phản ánh của tiểu thương, Satraseco đã ra thông báo mới, điều chỉnh 3 nội dung chính của hợp đồng cho thuê. Theo đó, thời hạn hợp đồng là 2 năm; giãn thời hạn tăng giá giữa hai lần là 1 năm (thông báo trước đó là 6 tháng), mỗi năm tăng bình quân 50%; tiền đặt cọc bằng 2 tháng tiền thuê (thông báo cũ là 3 tháng). Trao đổi với chúng tôi, nhiều tiểu thương không chấp thuận phương án mới này, đề nghị giữ nguyên tiền thuê quầy sạp đến ngày 31/12/2022, chu kỳ tăng tiền thuê là 2 năm một lần và mỗi lần tăng không quá 10%, không buộc đóng tiền ký quỹ.
Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, đã báo cáo vụ việc cho UBND TPHCM và yêu cầu Satraseco có phương án đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thương nhân vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi hoạt động kinh doanh sau đại dịch.
Về 17 ki-ốt ở chợ Thạnh Xuân, trả lời bằng văn bản với Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện UBND Q.12 cho biết, ngày 18/1/2007, UBND P.Thạnh Xuân tổ chức đấu giá thuê ki-ốt để kinh doanh.
Ngày 31/1/2007, UBND P.Thạnh Xuân lập biên bản bàn giao ki-ốt cho 17 hộ và doanh nghiệp tư nhân Quốc Thành Vinh (đơn vị quản lý chợ) đã ký hợp đồng cho thuê 17 ki-ốt với các hộ kinh doanh, thời hạn thuê 10 năm (kể từ ngày 1/11/2008 đến ngày 1/11/2018). Khi hết hạn hợp đồng, doanh nghiệp tư nhân Quốc Thành Vinh đề nghị thanh lý hợp đồng, thu hồi mặt bằng các ki-ốt để làm bãi giữ xe cho chợ. Đến nay, trong 17 hộ từng tham gia đấu giá thuê ki-ốt, đã có 12 hộ chuyển nhượng cho người khác, 5 hộ đã cho người khác thuê lại ki-ốt. Để giải quyết thỏa đáng nhu cầu kinh doanh của các hộ, UBND Q.12 sẽ rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý và thông tin đến các hộ về phương án giải quyết.
Về quầy sạp ở chợ đêm Hạnh Thông Tây, đại diện Phòng Kinh tế Q.Gò Vấp cho biết, việc tiểu thương mua bán chỗ kinh doanh với giá 150-200 triệu đồng là thông qua một đối tượng khác, BQL chợ không nhận tiền “bán chỗ kinh doanh”, không nhận tiền làm thủ tục điện, nước, thuế. UBND Q.Gò Vấp đã chuyển hồ sơ vụ này cho công an quận.
Tính pháp lý mong manh
Theo quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một số chợ truyền thống sẽ được sửa chữa, xây mới, một số chợ sẽ chuyển thành trung tâm thương mại. Điều này sẽ gây xáo trộn cho tiểu thương. Trong khi đó, tính pháp lý trong quan hệ giữa tiểu thương với sạp, với đơn vị quản lý chợ khá mù mờ, rất dễ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp.
Chị Trương Thị Tuyết Trinh - tiểu thương chợ Bến Thành - cho biết sạp mà chị đang kinh doanh được truyền lại từ đời ông bà. Hồi ông bà chị vào chợ, giá mua quyền sử dụng sạp khoảng 2 chỉ vàng, hiện nay sạp này có giá gần 7 tỷ đồng. Vậy chị có quyền chuyển nhượng hay cho thuê sạp không; khi nâng cấp, sửa chữa hay quy hoạch lại chợ thì quyền lợi của chị được giải quyết ra sao?
Theo luật sư Đỗ Hải Bình (Văn phòng Luật sư Quốc Anh, TP.Thủ Đức), tại các chợ, hầu hết tiểu thương được quyền sử dụng sạp theo hợp đồng ký giữa đơn vị quản lý và tiểu thương chứ tiểu thương không có quyền sở hữu sạp. Việc tiểu thương có quyền chuyển nhượng, cho thuê sạp hay không là do hợp đồng ký kết giữa hai bên.
“Luật không có quy định cho tiểu thương sở hữu sạp đối với chợ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Đối với những trường hợp thu hồi sạp, đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì đơn vị cho thuê phải đền bù cho tiểu thương. Để đảm bảo quyền lợi của mình, tiểu thương cần xem kỹ lại hợp đồng đã ký kết với đơn vị quản lý chợ” - luật sư Đỗ Hải Bình tư vấn.
Luật sư Đỗ Hải Bình cho biết, qua những lần hỗ trợ pháp lý cho tiểu thương chợ truyền thống, ông thấy hợp đồng ký kết giữa tiểu thương và đơn vị quản lý chợ khá lỏng lẻo, chỉ ghi số tiền thuê mà tiểu thương phải trả hằng tháng chứ không ghi số tiền mà tiểu thương trả để sở hữu quyền sử dụng sạp (có sạp 200 triệu đồng). Hợp đồng cũng không ghi thời hạn sử dụng, tức là tiểu thương được quyền sử dụng vĩnh viễn. Do trong hợp đồng không ghi số tiền đặt cọc nên khi xảy ra tranh chấp, tiểu thương rất khó đòi lại số tiền này. Nếu Nhà nước quy hoạch chợ, thu hồi sạp thì phải định giá quyền sử dụng sạp theo giá thị trường để bồi thường cho tiểu thương thỏa đáng.
Chợ không chỉ là nơi mua bán Việc cải tạo, quy hoạch lại chợ theo hướng hiện đại là cần thiết nhưng phải hài hòa lợi ích giữa tiểu thương và cơ quan quản lý. Ở TP.Hà Nội, từng có nhiều khu chợ nổi tiếng, sầm uất như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ 19/12 nhưng sau khi được chuyển đổi thành các trung tâm thương mại hiện đại thì trở nên vắng khách. Sai lầm trong mô hình kết hợp này là thay đổi chủ thể, vị trí “vàng” thì để dành xây dựng văn phòng, cửa hàng cho thuê, tiểu thương không còn đóng vai trò chủ chốt mà bị đẩy xuống các tầng hầm, chịu tiền thuê sạp cao. Người quản lý không tôn trọng cái chung mang tính cộng đồng mà chỉ nhìn vào những lợi ích riêng, không giữ những sinh hoạt văn hóa đặc trưng của chợ truyền thống. Đừng xem chợ chỉ là một nơi kinh doanh, mua bán hàng hóa, là nơi có thể tận thu lợi nhuận. Chợ còn là nơi để gặp gỡ, là một không gian văn hóa, thể hiện bản sắc riêng của mỗi Những nước lân cận chúng ta dù có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhưng hệ thống chợ truyền thống vẫn phát triển, tồn tại song song với các kênh mua bán hiện đại, hiệu quả kinh doanh vẫn tốt. Ông Ngô Đình Dũng (Viện Đào tạo quản trị I.S.M) |
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.7389641a-iod-yaht-us-oc-ohc-ihk-ioht-teiht-noul-gnouht-ueit-oas-iv/nv.moc.enilnounuhp.www