"Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như vậy khi ông đang là Thủ tướng Chính phủ vào năm 2018. Ông cũng nhấn mạnh thêm: "Là quốc bảo thì phải đi liền với quốc kế dân sinh".
Hiện nay tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, hai địa phương sở hữu khối núi Ngọc Linh, đã có những giải pháp trồng, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh. Nhưng như vậy là chưa đủ, một tham vọng lớn lao hơn đang được từng bước cụ thể hóa đó là "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045" đang được xây dựng để trình Chính phủ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm vườn sâm của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum năm 2018 (khi còn làm Thủ tướng Chính phủ)
Đó là Việt Nam sẽ có một ngành công nghiệp sâm, xây dựng sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, vươn tầm quốc tế được đặt ra với nhiều giải pháp cụ thể, cần sự vào cuộc căn cơ từ chính sách, cơ chế của nhà nước, chính quyền, sự chung tay của người dân, doanh nghiệp.
Xã Trà Linh được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My, nằm trên đỉnh Ngọc Linh có độ cao hơn 2.000m. Nơi đây có những vườn sâm bạt ngàn của người Xê Đăng và các vườn sâm gốc của nhà nước. Sâm có giá trị cao ngất ngưởng, bởi vậy được người dân nâng niu, bảo vệ. Trồng sâm dưới tán rừng cũng là một cách năng lui tới rừng để giữ rừng, phát triển kinh tế và ở đây đã có những tỉ phú sâm.
Mùa hè, dưới phố nắng đổ lửa nhưng đến Trà Linh thì lạnh như cắt da, sương mù bao phủ. Con đường bê tông dẫn lên nóc Măng Lùng, thôn 2, xã Trà Linh được xây dựng khang trang, hai bên đường là những căn biệt thự tiền tỉ của những người Xê Đăng, trước sân là những chiếc xe hơi "xịn xò". Đó là nhà của các đại gia vùng sâm.
Hơn chục năm về trước, nơi đây chỉ có những căn nhà sàn xập xệ, giờ đây điện kéo lên tận nơi, đường sá khang trang, không còn cảnh đi bộ nhiều giờ mới lên được vùng sâm. Ở đây những đại gia sâm được nhiều người biết đến là ông Hồ Văn Du, Nguyễn Văn Lượng.
Cách đây hơn 20 năm, khi đang là chàng thanh niên trẻ tuổi, ông Nguyễn Văn Lượng bắt đầu trồng sâm tập trung dưới tán rừng, lập chốt sâm, kêu gọi người dân cùng trồng, túc trực bảo vệ. Ông không nhớ nổi bao lần băng rừng để đi tìm hạt sâm tự nhiên mang về ươm giống trồng ở khối núi Ngọc Linh.
Đến nay ở vườn của ông có hàng nghìn gốc sâm giá trị rất cao, tạo việc làm ổn định cho hàng chục hộ dân, sẻ chia hạt, cây giống, kỹ thuật để họ trồng, cùng nhau phát triển kinh tế...
Cây sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam
Ông Hồ Văn Dang - phó chủ tịch UBND xã Trà Linh - cho biết nhờ sâm Ngọc Linh mà cuộc sống người dân ở đây đổi thay rất nhiều. Trước đây tỉ lệ hộ nghèo của xã hơn 60%, hiện nay chỉ còn hơn 30%...
Ông Trần Xuân Huấn (40 tuổi, thôn 2) kể 15 năm trước, ông vay vốn trồng sâm, đến nay vườn của ông có gần 10.000 cây. Hằng năm thu nhập từ việc bán sâm mang lại cho gia đình hàng trăm triệu đến khoảng 1 tỉ đồng, nhờ đó ông làm nhà to, nuôi con cái ăn học.
Không chỉ người Xê Đăng, những người có chí lớn ở miền xuôi cũng đổ tiền lên núi trồng sâm. Anh Tiến, một hộ trồng sâm, kể rằng đến giờ nghĩ lại vẫn chưa biết vì sao mình liều vậy, vay hàng tỉ đổ lên núi, tìm giấc mơ sâm. "Giờ đây thu nhập mang lại từ bán sâm, mình đã trả hết nợ ngân hàng rồi, lãi được vườn sâm" - anh nói gọn.
Ngoài những vườn sâm của hộ dân, ở Trà Linh còn có hai vườn sâm gốc của nhà nước rộng chừng hàng trăm hecta. Trong đó, Trạm dược liệu Trà Linh có vườn sâm gốc quý giá lớn nhất tỉnh này, là nơi cung cấp nguồn giống cho người dân và doanh nghiệp trồng.
Mùa này, sâm đang vào kỳ cho hạt, nhân viên của trạm tỏa đi khắp vườn len lỏi vào những cánh rừng nguyên sinh thu hoạch những chùm quả đỏ, lấy hạt giống ươm thành cây con.
Ông Trần Ngọc Bằng - giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam - cho hay vườn có diện tích hơn 50 hecta, nhiệm vụ quan trọng nhất của trạm là bảo tồn, phát triển giống sâm Ngọc Linh. Số lượng cây sâm hiện có trong vườn hơn 250.000 cây nhiều năm tuổi. Hằng năm trạm chăm sóc và gieo ươm khoảng 60.000 cây để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp sản xuất.
Ông Trần Duy Dũng - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết những năm qua, tỉnh, huyện đẩy mạnh việc phát triển sâm Ngọc Linh, hiện nay đã xây dựng khu trung tâm giới thiệu, tổ chức hội chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh với tổng vốn 24 tỉ đồng nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh cây sâm Ngọc Linh, tạo điều kiện cho người dân địa phương có nơi buôn bán sâm.
"Ngoài ra huyện mở phiên chợ sâm để bảo vệ thương hiệu, bảo đảm tại đây 100% là sâm Ngọc Linh được kiểm tra, kiểm định rất nghiêm ngặt để du khách khi mua phải hưởng sản phẩm thực sự là sâm Ngọc Linh chính hiệu" - ông Dũng nói.
Một vườn sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My
Tại Quảng Nam, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là 15.567 hecta. Nguồn cây giống ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, tại Trạm dược liệu Trà Linh là 252.000 cây từ hai năm tuổi trở lên và của huyện Nam Trà My khoảng 18.000 cây từ 2 đến 7 năm tuổi. Lượng cây giống trong dân, doanh nghiệp hằng năm từ 500.000 - 1 triệu cây.
Theo ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích bảo tồn phát triển cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay có một doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm, Tập đoàn thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, Dược Nam Hà, Tập đoàn OPC đã vào tham gia trồng, chế biến.
Bên cạnh đó, huyện Nam Trà My hợp tác với quận HamYang (Hàn Quốc) trao đổi, học tập kinh nghiệm trồng, phát triển sâm, quyết tâm cùng nhau đưa thương hiệu hai loại sâm Ngọc Linh và Hàn Quốc nổi tiếng trên thế giới. Đồng thời đang xúc tiến với Canada, Mỹ và Nga chia sẻ những kinh nghiệm và hợp tác trong việc bảo tồn, phát triển, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, hy vọng trong tương lai gần sản phẩm sâm này sẽ có mặt ở nhiều nước trên thế giới.
Tỉnh đã phê duyệt dự án bảo tồn, kiểm định sâm Ngọc Linh với tổng vốn 19 tỉ đồng, dự án đường giao thông vào vùng phát triển sâm đã thi công 3 tuyến đường. Trong thời gian tới tỉnh sẽ sớm trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ khuyến khích bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu giai đoạn 2022 - 2025.
Tỉnh đã trình Thủ tướng xem xét cho chủ trương đầu tư Vườn quốc gia về bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu cũng như ban hành chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045. Đây là những cơ sở quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Ở tỉnh Kon Tum, một trong những người trồng sâm sớm và được biết nhiều tại tỉnh Kon Tum là ông Trần Hoàn với thương hiệu Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Nhiều năm trước, khi đi khảo sát khu vực bao quanh núi Ngọc Linh, ông đã nhận ra sự quý hiếm và những lợi ích to lớn từ cây sâm Ngọc Linh.
Sau khi khoanh vùng được khu vực ươm sâm, ông đã mời gọi những người dân bản địa sống quanh các triền núi vào làm công nhân bởi không ai hiểu cây sâm và chăm sóc tốt hơn là người bản địa. Năm 2006, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 ra đời. Trong chiến lược làm sâm ngay từ đầu và cho tới nay, việc lưu giữ nguồn gene gốc thuần chủng núi Ngọc Linh của sâm là yêu cầu sống còn.
Vườn sâm Ngọc Linh đang được chăm sóc, bảo vệ trên huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum
"Chúng tôi không mua giống bên ngoài và cũng không kinh doanh cây giống. Hơn 20 năm với nhiều biến cố nhưng chúng tôi vẫn luôn nhất quán và xuyên suốt đó là bảo tồn, duy trì, phát triển nguồn gene gốc của cây sâm Ngọc Linh; đảm bảo cho cây sâm được phát triển dưới điều kiện thuận tự nhiên nhất", ông nói.
Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 là một trong hai đơn vị tại Kon Tum tới nay được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là vườn sâm Ngọc Linh chính gốc thuần chủng. Doanh nghiệp này hiện sở hữu hơn 7.000 hecta vườn sâm giống gốc và tiếp tục mở rộng 4.600 hecta vùng trồng sâm. Nhiều người am hiểu về sâm cho biết khi tham gia các hội chợ sâm gần đây có thể thấy nguồn sâm ở Kon Tum tương đối khác biệt, củ "rám", khắc khổ hơn, người rành sâm có thể nhận ra nguồn giống ở vùng Kon Tum tương đối thuần.
Niềm vui của những lao động người đồng bào Xê Đăng trong trại sâm của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum
Để bảo vệ nguồn sâm thuần chủng, từ năm 2005 tỉnh Kon Tum đã phê duyệt dự án Bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh với sự phối hợp của ba bên: nhà khoa học, chính quyền với doanh nghiệp và có sự tham gia của cộng đồng. Dự án triển khai trên địa bàn 7 xã của huyện Tu Mơ Rông và huyện Đắk Glei.
Dự án tập trung vào việc giữ nguồn gene sâm Ngọc Linh, cung cấp giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho cộng đồng trong vùng dự án để người dân trồng tạo thành hàng hóa, xem đây là cây xóa đói giảm nghèo, từ đó sẽ nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cây thuốc quý trong nhân dân sống quanh chân núi Ngọc Linh.
Theo số liệu của tỉnh Kon Tum, tính tới nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.200 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và nhiều doanh nghiệp tham gia ngành sản xuất chế biến sâm Ngọc Linh. Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh trên toàn tỉnh là hơn 1.200 hecta với tổng số hơn 24,8 triệu cây, tổng sản lượng ước khoảng 213,6 tấn sâm.
Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho rằng muốn trồng được sâm thì yếu tố sống còn đó là phải giữ được rừng, tạo ra vùng đệm an toàn làm môi trường sinh trưởng cho sâm phát triển. Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, ông Võ Trung Mạnh, cũng khẳng định rừng còn thì cây sâm sẽ còn. Mấy năm gần đây, nhờ nhận ra giá trị to lớn và nguồn lợi mang lại trực tiếp từ cây "thuốc dấu" (tức sâm Ngọc Linh) mà bà con trên các triền núi cao đã không còn khai thác rừng bừa bãi.
Được biết, trong bản quy hoạch được công bố năm 2013 đến giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2025, tỉnh Kon Tum đã đưa vào quy hoạch gần 32.000 hecta vùng trồng sâm Ngọc Linh. Ngoài các doanh nghiệp, tỉnh đang đẩy mạnh việc giao đất giao rừng gắn liền với việc phát triển vườn sâm để tạo sinh kế cho bà con, đặc biệt nhiều doanh nghiệp chuyên sâm đã có chính sách tặng cây giống, trả công bằng hạt sâm cho người dân.
"Kon Tum phấn đấu tới năm 2025 sẽ phủ diện tích có sâm Ngọc Linh lên khoảng 4.500 hecta, tương ứng khoảng 45 triệu cây. Đến năm 2030 diện tích này đạt 10.000 hecta và tới năm 2045 trồng sâm Ngọc Linh trên toàn bộ diện tích có khả năng trồng loài dược liệu quý này. Tỉnh cũng đang đầu tư nâng cấp 5 vườn giống sâm Ngọc Linh, đã hình thành được một Trung tâm kiểm nghiệm kiểm định quốc gia về sâm Ngọc Linh tại Kon Tum", ông Nguyễn Hữu Tháp - phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho biết.
Trong định hướng ngành sâm, Kon Tum xác định đầu tư phát triển mạnh các cơ sở bảo tồn và sản xuất giống sâm Ngọc Linh; tập trung xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối; đẩy mạnh mô hình liên kết, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum; xây dựng "tour" nghiên cứu, tham quan, mua sắm tại nơi sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh Kon Tum...
Công nhân gieo hạt dưới một trại sâm tại Kon Tum
Tháng 6 vừa qua, tại Quảng Nam, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến nhằm xây dựng "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045" để các bộ ngành hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cụ thể đến năm 2030, cung cấp được tối thiểu 80% giống cây sâm Việt có chất lượng đạt chuẩn, được kiểm soát nguồn gốc giống, hợp pháp phục vụ sản xuất đại trà; hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và Lai Châu với diện tích 27.00, hecta; sản lượng khai thác sâm đạt khoảng 500 - 700 tấn, đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn GMP - WHO...
Hiện nay nói đến Hàn Quốc là người ta nghĩ về sâm, họ làm rất bài bản, căn cơ, xuất khẩu với doanh thu rất lớn. Việt Nam có lợi thế nhưng vẫn ở quy mô các địa phương nhỏ lẻ, chưa thể thành một chuỗi giá trị, thương hiệu. Đáng chú ý là các địa phương đều thiếu quy hoạch bài bản cho việc phát triển vùng nguyên liệu sâm, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở chế biến sâu, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sâm còn rất nhiều hạn chế.
Chính vì vậy Chính phủ giao Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum xây dựng một chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam), trước 30-9 phải trình. Chúng tôi đã tổ chức các đoàn khảo sát, giao Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì xây dựng khung, đề cương chi tiết. Hy vọng chương trình này có tính thực tiễn, khả thi cao, khi Chính phủ ban hành phải đi vào cuộc sống, thực sự thúc đẩy sâm Ngọc Linh phát triển, đúng như mong muốn là "quốc bảo".
Việc nâng tầm sâm Ngọc Linh là điều rất cần thiết. Trước hết nên chú trọng vào nguồn giống, đảm bảo chất lượng, việc này cần có sự chung tay của người dân, doanh nghiệp để quản lý, sản xuất, có diện tích và nguồn nguyên liệu lớn trong tương lai, đảm bảo cho việc chế biến sau này.
Cần có nhiều cơ chế về thu hút đầu tư gắn với sản xuất, chế biến sau, tạo nhiều sản phẩm từ sâm thì giá trị mới lớn. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền, quảng bá đủ mạnh. Cần có những nhà đầu tư tâm huyết, đủ lực trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, về lâu dài phải có sự liên kết với người dân để tạo ra câu chuyện người dân và doanh nghiệp cùng nhau sản xuất, tạo nên nguồn nguyên liệu lớn, bền vững, hình thành nên các hợp tác xã.
Sâm Ngọc Linh rất quý, chính bản thân cây sâm đã quý sẵn, ở tầm rất cao rồi. Để nâng tầm, phát triển hơn nữa cây sâm Ngọc Linh giống như nước bạn là Hàn Quốc thì Việt Nam có rất nhiều việc cần phải làm.
Đầu tiên phải có quy hoạch thật bài bản, giữ được gene gốc, cần đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào di thực cây sâm đến những vùng thấp hơn, dễ canh tác theo một cách thức công nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn chế biến nhiều sản phẩm. Bên cạnh đó cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tập đoàn, có những chương trình dài hơi, các sản phẩm như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.
Một vai trò rất quan trọng là truyền thông cho nhiều người biết tác dụng sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam). Cần có những chương trình nâng tầm cây sâm không chỉ là sản phẩm mà còn là văn hóa về sâm, chẳng hạn như tạo ra một ngày trong năm dùng sâm của Việt Nam, Ngày của sâm.
Ngoài ra Chính phủ cũng nên có những cơ chế rất cụ thể cho phát triển ngành sâm, những đầu tư về hạ tầng cho vùng sâm. Nếu có những giải pháp căn cơ vậy, tôi tin đến năm 2045 chúng ta sẽ có một ngành công nghiệp sâm thực thụ. Nói tóm lại, có đi thì chắc hẳn sẽ tới.
Chúng tôi là doanh nghiệp rất tâm huyết với các sản phẩm từ dược liệu của Quảng Nam, nhất là sâm Ngọc Linh. Chuyện trăn trở lớn nhất là nguồn sâm đầu vào, nên rất mong chính quyền quan tâm đầu tư tại tỉnh một trung tâm kiểm định sâm Ngọc Linh. Hiện nay chúng tôi thu mua có nguồn gốc, chứng từ rõ ràng nhưng thực sự vẫn chưa yên tâm 100%. Bởi trên thị trường người bán sâm Ngọc Linh rất nhiều, nhưng việc kiểm định chủ yếu là bằng mắt thường, chúng tôi muốn kiểm định để đưa sản phẩm ra thị trường thì phải vào TP.HCM hoặc Hà Nội.
Quảng Nam là cái nôi của sâm Ngọc Linh, vì vậy cần có trung tâm kiểm định về sâm để những doanh nghiệp tâm huyết với cây sâm gửi gắm vào đó kiểm định, cho ra thị trường sản phẩm chất lượng, không những trong nước mà còn vươn ra thế giới. Cạnh đó cần phải làm thế nào để hạn chế sâm giả trên thị trường, tạo uy tín thương hiệu cho sâm Ngọc Linh quốc gia.
Thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum đang được đẩy mạnh nhờ tích cực quảng bá, mời người nổi tiếng về ghi hình tại các vườn sâm
Xem thêm: mth.41395611150802202-aig-couq-ueih-gnouht-hnaht-hnil-cogn-mas-neirt-tahp/nv.ertiout