Mấy ngày trước, khi tin tức về sự hy sinh của 3 chiến sĩ được đăng trên báo chí, những dòng tiếc thương đã tràn ngập trên mạng.
Và ở dưới chân tượng đài Công an nhân dân trên phố Trần Nhân Tông, tôi thấy có rất nhiều bó hoa mọi người mang đến để bày tỏ sự tiếc thương và tri ân với những người lính cứu hỏa hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Các đồng đội tiễn biệt 3 liệt sĩ tại lễ viếng - Ảnh: NAM TRẦN
2 trong số 3 chiến sĩ ấy còn quá trẻ, một người mới 24 tuổi, người kia 19, chưa có gia đình riêng và còn cả một tương lai xán lạn ở phía trước, với biết bao hoài bão và dự định không bao giờ còn có thể thực hiện được nữa.
Một người bạn nước ngoài ở Hà Nội nói với tôi rằng ở bất cứ đâu, những người lính cứu hỏa cũng được trân trọng và yêu mến.
Tính chất công việc của họ, mức độ hiểm nguy và rủi ro liên quan đến tính mạng mà họ phải đối mặt, những hành động quả cảm lao vào lửa cứu người của họ bản thân nó đã mang yếu tố anh hùng.
Cũng không chỉ những sự kiện lớn lao như 11-9 ở Mỹ, khi hàng trăm lính cứu hỏa New York hy sinh, mới biến họ thành những người hùng.
Điều quan trọng hơn cả, như người bạn của tôi nói, không chỉ là thể hiện sự biết ơn đối với những người đã chiến đấu với giặc lửa để cứu người bằng lời nói, mà còn cả hành động.
Anh nói đúng, hành động ấy không chỉ đến từ mỗi người, bằng ý thức cá nhân, mà cả các cơ quan hữu quan nữa.
Trên thế giới, rất nhiều sự hy sinh của lính cứu hỏa đã đem đến những thay đổi tích cực nhằm ngăn chặn những vụ cháy và do đó cũng giảm thiểu nguy cơ đối với các chiến sĩ.
Chẳng hạn vụ cháy năm 2010 ở tòa nhà Shirley tại Southampton (Anh) khiến 2 lính cứu hỏa thiệt mạng, đã dẫn đến việc đưa ra những quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn về hệ thống dây cáp điện cho các tòa nhà cao tầng.
Chúng ta không hề thiếu luật lệ cũng như quy định, nhưng những vụ cháy chết người liên quan sự cẩu thả trong thi công nói chung và ở các quán karaoke nói riêng vẫn luôn diễn ra. Chắc chắn đã có những lỗ hổng nào đó trong việc thực thi luật và các quy định.
Chắc chắn đã có những quy định bị làm ngơ. Vấn đề là các cơ quan hữu quan phải tìm ra và công khai những điều đó, đồng thời có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để giảm thiểu những vụ hỏa hoạn như thế.
Nhưng sự tôn vinh đối với những người lính cứu hỏa ngã xuống chỉ thực sự có ý nghĩa lớn lao và lâu dài nếu mỗi người trong chúng ta ý thức được một sơ ý nhỏ có thể gây ra một vụ cháy, đồng thời có những nhận thức đầy đủ và tốt hơn về công việc của họ, coi đó là một nghề đáng trân trọng và cần phải được hợp tác chứ không phải là thông cảm của tất cả mọi người.
Những người lính cứu hỏa chắc chắn sẽ không bao giờ bị lãng quên. Chúng ta không được phép quên họ, như lời của bà Susane Diane Murphree, tuyên úy cứu hỏa Mỹ: "Những người lính cứu hỏa không chết. Họ chỉ cháy mãi trong trái tim của những người mà họ đã cứu".
Đó là những người được cứu trực tiếp trong các vụ cháy và cả những người được cứu gián tiếp như chúng ta. Nhưng những cái chết ấy sẽ có ý nghĩa hơn nhiều nếu những người ở lại biết hành động để không có những sự hy sinh đó.
TTO - 16h chiều 5-8, lễ truy điệu 3 liệt sĩ công an hy sinh khi chữa cháy quán karaoke được tiến hành trang nghiêm và thực hiện lễ di quan. Linh cữu của 3 liệt sĩ sau đó sẽ được đưa về đài hóa thân Hoàn vũ (nghĩa trang Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội).
Xem thêm: mth.28380608060802202-tehc-gnohk-aoh-uuc-hnil-iougn-gnuhn/nv.ertiout