Câu chuyện đó được hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án chép lại trong cuốn ký sự "Tang thương ngẫu lục", hoàn thành vào đầu thời vua Gia Long triều Nguyễn.
Nguyễn Trật là nhân vật có thật, theo tài liệu sau này, thì ông sinh năm 1573, người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa), thi đỗ tiến sĩ khoa thi Quý Hợi (năm 1623) thời vua Lê Thần Tông.
Theo lời kể mang nhiều màu sắc huyền thoại trong "Tang thương ngẫu lục" thì lúc trẻ, Nguyễn Trật đã thi đỗ khoa Hương rồi bỏ học đã lâu, không nhìn đến sách vở nữa.
Sau nhờ có ơn tiếp đãi một thầy phong thủy, thầy muốn tặng cho một ngôi đất phát tiến sĩ, nhưng ông cảm tạ, nói rằng: "Giàu sang ai là người chẳng muốn, nhưng tôi bỏ học đã lâu, đâu còn dám mong điều ấy nữa". Tuy nhiên sau khi được tặng ngôi đất, Nguyễn Trật cũng miễn cưỡng theo lời thầy địa lý, lên kinh dự kì thi Hội.
Trong những ngày chuẩn bị vào trường thi, ông cùng mấy người quen cùng trọ một nhà; vào các trường thứ nhất, trường thứ hai, nhờ sức giúp đỡ được trúng. Ở trường thứ ba, ông nhặt được mảnh giấy, theo đúng mà chép cũng trúng.
Đến trường thứ tư trước khi vào mấy ngày, các bạn cùng trọ đều đi ra ngoài xoay lấy tiền mua đồ vào trường, ông lại ở nhà trọ ngủ ngày, chiêm bao thấy có vị thần nói mấy chữ: "Khương! Khương!". Tỉnh dậy ông nghĩ: "Khương chắc là gừng rồi!".
Hôm vào trường, ông bèn đem theo gừng vào. Bấy giờ tiết xuân giá rét, ông ở trong trường thì đốt lửa đun nước để sưởi ấm. Chiều tối, bên cạnh có một thí sinh vật vã kêu rên vì đau bụng lắm, nghe ra thì chính là viên nho sinh đồng hương ở làng Bột Thái.
Ông đun nước gừng đổ cho uống. Theo như chuyện này thì trong trường thi, các thí sinh đều phải tự lo cho bản thân, từ cơm nước đến việc thuốc thang. Các giám thị và quan tuần xước chỉ làm nhiệm vụ giữ trật tự, không cho thí sinh chạy từ lều này sang lều kia, hỏi bài lẫn nhau mà thôi.
Nhờ được Nguyễn Trật chăm sóc, viên sĩ tử đồng hương ấy hồi tỉnh, lấy ra một quyển văn mà bảo: "Đó là bài văn rất đắc ý của tôi, may chưa đề tên, xin để đền báo. Mong ông anh cõng ra khỏi trường, dù chết cũng không băn khoăn gì nữa". Ông y theo lời. Ra khỏi trường, viên nho sinh Mỗ lại phát bệnh mà chết.
Sau đó, ông trúng cách Hội thí, khiến dư luận ở kinh đô huyên náo cả lên. Việc tiết lộ ra. Triều đình bãi kỳ thi đình. Theo sử sách thì sau khi vụ giả mạo này phát giác ra, triều đình bãi kì thi đình, sau đó mới cho những người trúng cách theo bảng Hội được về vinh quy, không được yết tên lên bảng vàng.
Một truyền thuyết khác nói trong kì thi Đình, mỗi thí sinh phải làm 7 quyển văn. Đến quyển thứ 7, Nguyễn Trật không sao làm bài được bèn bỏ giấy trắng nộp bài. Cho rằng Nguyễn Trật ngông nghênh nên nộp giấy trắng, triều đình rất tức giận, dự tính không treo bảng vàng cho ông đậu.
Tuy nhiên đúng lúc đó thì trong triều có biến, chúa Trịnh Tùng ốm nặng không qua khỏi liền trao quyền bính lại cho con cả là Trịnh Tráng. Một người con khác của chúa là Trịnh Xuân đem quân tranh giành quyền với anh mình, giao tranh khiến kinh thành hỗn loạn, Trịnh Tráng vội rước vua Lê Thần Tông vào Thanh Hóa.
Về sự việc này, văn bia đề danh tiến sĩ khoa thi Quý Hợi (năm 1623) tại Văn Miếu, Hà Nội (theo bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm) có ghi bóng gió rằng: "Đến ngày tháng 6 mùa hạ, gặp thời tiết sấm chớp mưa gió các quan văn võ tạm rước thánh giá hồi loan để củng cố căn bản, hòa hợp lòng dân để nước nhà được thêm lớn lao rạng tỏ".
Trong lúc hỗn loạn, Nguyễn Trật lại có công lớn khi hộ giá nhà vua về Thanh Hóa, vì thế sau đó việc trừng phạt được bỏ qua. Cuối cùng, ông vẫn được cho đậu tiến sĩ.
Do những biến động lịch sử, nên bia tiến sĩ của khoa thi năm 1623 mãi đến năm 1653 mới được dựng. Do bia dựng sau kì thi tới 30 năm, nên các sự kiện đã được ghi chép có khi đã được chỉnh lại, hoặc do Nguyễn Trật đã làm quan to trong triều, nên vấn đề cũng được viết giảm nhẹ.
Mặc dù vậy, văn bia cũng tả lại diễn biến chi tiết của kì thi năm đó: "Sĩ nhân trong nước dự thi đông đến hơn 3.000 người, chọn được hạng xuất sắc 7 người. Ngày lành tháng Tư mùa hạ, Hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, ra bài văn sách ở sân rồng. Trong khi các sĩ tử làm bài, bỗng có Nguyễn Trật làm văn hơi sai thể thức, nên chỉ có 6 quyển được khảo duyệt mà thôi.
Các quan hữu ty dâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng ngự lãm, lấy Phùng Thế Trung đỗ đầu, 6 người còn lại đều cho đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Vả xét theo lệ cũ, những người được vào thi Đình thì không bị truất nên vẫn cho Nguyễn Trật đỗ cuối bảng, tất cả là 7 người. Vì việc ấy mà kéo dài việc xướng danh yết bảng, đến việc ban cấp áo mũ, yến tiệc vinh quy cũng đều chưa làm đúng lệ cũ. Lúc bấy giờ kẻ sĩ trong nước đều buồn bực trong lòng".
Như vậy, việc Nguyễn Trật không được duyệt quyển thi thứ 7 là có thật, còn những giai thoại nói rằng ông "bỏ trắng bài không nộp" có lẽ chỉ là thêu dệt.
Bởi lẽ, lời văn bia tiến sĩ khoa thi này nhận xét về tài năng của những người thi đỗ khóa đó: "Hãy lấy một khoa này mà xét. Những người xuất thân khoa này đều là kẻ sĩ tài năng lỗi lạc, uyên thâm rộng rãi. Có người giữ việc nói bàn mà chấn chỉnh được triều cương, có người ở chức vị thấp mà bàn luận ngay thẳng đúng đắn, có người chỉ giữ việc quân mà hoạch định sách lược, có người cầm cương ngựa mà bám sát theo hầu.
Những bậc học rộng tài năng uyên bác, những danh sĩ trác lạc tuấn dị, văn chương của họ lẫy lừng thiên hạ, mà sự nghiệp hiển rạng ở đời, há lại không có gì ghi nhớ cảm niệm hay sao?". Nhiều người luận ý tả "có người cầm cương ngựa mà bám sát theo hầu" để tả về sự đỗ đạt của Nguyễn Trật, có thể cũng có phần lý chăng?
Vì khoa thi này hồi đó chưa treo bảng vàng, nên nhà vua lại sai chép tên tiến sĩ vào sách "Đăng khoa lục" y theo lệ thi Hội, treo bảng vàng ở đình Quảng Văn để ghi họ tên.
Sau này, Nguyễn Trật làm quan đến chức Công khoa Đô Cấp sự trung. Dù ông không nổi tiếng về văn học, nhưng có lòng thương yêu dân chúng, làm quan rất thanh liêm, người dân yêu mến gọi ông là quan Nghè Nguyệt Viên.
Theo Lê Tiên Long
Giáo dục thời đại
Xem thêm: nhc.103838060802202-aux-iht-yk-gnort-iht-iab-gnart-ob-neyuhc/nv.zibefac