Nguyễn Đỗ Thúy Hằng - Ảnh: HOÀNG DUY
Xôn xao bởi xóm nghèo lần đầu mới có một sinh viên được theo học tại trường đại học danh giá bậc nhất thế giới. Nhưng ngạc nhiên hơn là dòng tộc của Nguyễn Đỗ Thúy Hằng bao nhiêu đời chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn, cha mẹ Hằng từ nhỏ chí lớn cũng chỉ biết mưu sinh bằng nghề trồng quất cảnh.
Tranh thủ mọi thời gian để nghiên cứu
“Tui trồng hơn 500 chậu quất. Suốt ngày bám mặt ngoài vườn ngoài ruộng, chỉ biết tỉa lá, uốn cành sao cho có mấy chậu quất đẹp bán Tết chứ có biết gì mà giúp con bé đâu”, ông Nguyễn Thái - ba của Thúy Hằng - thật thà tâm sự khi kể về thành tích của cô con gái nhỏ.
Nguyễn Đỗ Thúy Hằng sinh năm 2002, là sinh viên lớp 21 IK1 Trường đại học Phan Châu Trinh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thích tìm tòi giải phẫu học, khám phá cơ thể người nên khi trúng tuyển Trường đại học Phan Châu Trinh vào tháng 9-2021, Thúy Hằng đã chọn ngành y, khoa ngoại.
Quan niệm để làm bác sĩ giỏi thì không có chỗ cho sự lười biếng nên ngoài giờ phụ việc với gia đình, cô sinh viên tranh thủ mọi thời gian để nghiên cứu, học thầy hỏi bạn…
Nhờ chủ trương của trường là “gắn kết đào tạo với thực tiễn”, Thúy Hằng không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để được đi thực tập, học hỏi từ môi trường thực tế tại các bệnh viện ở Đà Nẵng như Bệnh viện Tâm Trí, Bệnh viện Gia đình, Bệnh viện C17…
Chính nhờ tiếp cận sớm với môi trường chuyên nghiệp tại bệnh viện cũng như nhận được chia sẻ kinh nghiệm từ các bác sĩ, điều dưỡng cùng làm việc nên Thúy Hằng trưởng thành nhanh trông thấy.
Ấp ủ những giấc mơ
Cô sinh viên nhỏ mạnh dạn ấp ủ những giấc mơ xa hơn, điều mà có lẽ trước kia khi nhìn hoàn cảnh gia đình cô còn ngần ngại nghĩ đến, chính là được đặt chân tới những giảng đường quốc tế để mở mang tầm mắt, đem kiến thức về phục vụ quê hương mình.
Sau những giờ học ở lớp, Thúy Hằng dành thời gian mỗi ngày săn tìm các học bổng trên mạng của Mỹ, Anh, Úc… ở đâu có “ánh sáng” cô đều không ngần ngại thử thách.
Rồi cơ duyên và may mắn cũng đến, Thúy Hằng đã nhận được học bổng toàn phần trị giá 1 triệu đôla Mỹ cho chương trình đào tạo 6 năm từ Đại học Harvard.
Kể về quá trình nỗ lực để hồ sơ được chọn, Thúy Hằng nói: “Tôi biết Đại học Harvard tuyển sinh không dựa trên điểm số. Trường chú trọng các hoạt động ngoại khóa, hoàn cảnh đến tài chính gia đình, nhất là ở mọi tầng lớp lao động để đánh giá, xét chọn nên tôi cũng bớt lo lắng hơn khi gửi hồ sơ.
Và khi được hồi đáp, đề bài khó nhất đối với tôi là phải thực hiện một clip phẫu thuật bóc tách da người. Tại phòng thực hành của trường, tôi đã cố gắng thực hiện các bước giải phẫu một cách hoàn chỉnh nhất, được các thầy đánh giá cao.
Rất mừng là hội đồng thẩm định của Đại học Harvard chấp nhận. Không có gì diễn tả được cảm xúc của tôi lúc này”.
Thúy Hằng cũng cho biết, hiện Trường đại học Phan Châu Trinh đã hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính giúp Hằng kịp thời có mặt tại Hoa Kỳ vào tháng 8 này để nhập học.
“Hành trình sắp tới chắc chắn không dễ dàng. Háo hức vì nhiều trải nghiệm mới mẻ phía trước nhưng tôi đã vạch ra và sẽ theo đuổi kế hoạch học tập của mình thật nghiêm túc, đặt mục tiêu đạt kết quả cao nhất có thể để xứng đáng với tình yêu của gia đình, thầy cô và cả Hội An dành cho tôi” - Hằng tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị Trường đại học Phan Châu Trinh:
Ước vọng đáng quý
Sinh viên Nguyễn Đỗ Thúy Hằng có ước vọng đáng quý là theo ngành y và nỗ lực học tập, thu thập kiến thức y học với mong mỏi trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai.
Được nhà trường tạo điều kiện, ngay trong năm học đầu tiên em đã dành nhiều thời gian tiếp cận với thực tiễn ở Bệnh viện C17, Bệnh viện Tâm Trí, Bệnh viện Đa khoa…
Qua đó, em tự nâng cao khả năng thực hành và rèn luyện thái độ ứng xử với bệnh nhân. Em còn cùng các sinh viên nhà trường tiếp cận kiến thức y học do các giáo sư Trường đại học Y khoa Stanford, Trường đại học UCSF Francisco (Mỹ) mà trường liên kết, trực tiếp giảng dạy…”.
TTO - Quản lý điều hành phông lưu trữ Việt Nam tại thư viện Harvard Yenching (ĐH Harvard, Mỹ) là một người phụ nữ Việt Nam, cô Phan Thị Ngọc Chấn.