Sau khi giá xăng, dầu giảm 4 đợt liên tiếp, nhiều mặt hàng đã “leo thang” theo giá xăng vẫn chưa “hạ nhiệt” khiến người tiêu dùng miền núi Sơn La không khỏi băn khoăn. Các ngành chức năng địa phương đang triển khai công tác bình ổn giá cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
So với cuối tháng 6, hiện giá xăng, dầu đã giảm từ 6.000 đến trên 7.000 đồng/ lít. Giá xăng, dầu giảm mạnh được xem là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và là cơ sở để giá nhiều loại hàng hóa được giảm theo.
Tuy nhiên, sau thời gian xăng, dầu giảm giá, người tiêu dùng từ khu vực thành phố đến các huyện miền núi ở Sơn La vẫn phải cân đong đo đếm từng đồng vì giá cả nhiều loại hàng hóa vẫn ở mức rất cao. Giá nhiều mặt hàng rau, củ, thịt, lương thực, thực phẩm... đến cước vận tải vẫn “bình chân như vại” hoặc giảm nhỏ giọt.
“Từ khi giá xăng tăng, thực phẩm hàng ngày, hàng khô cũng tăng. Nhưng khi xăng giảm các mặt hàng lại không giảm gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng phải thắt chặt các khoản chi tiêu. Do công việc nên tôi thường xuyên phải đi Hà Nội bằng xe khách hàng tuần. Giá vé đã tăng từ 250.000 đồng lên 300.000 đồng/lượt khiến chi phí đi lại tăng lên nhiều. Chúng tôi mong nhà nước có biện pháp bình ổn giá, đảm bảo cho cuộc sống của người dân”, chị Cầm Thị Mai, huyện Bắc Yên và anh Phạm Thành Nam ở thành phố Sơn La chia sẻ.
Theo các chuyên gia, thời gian qua giá cả tiêu dùng "leo thang" do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá xăng, dầu. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm còn phụ thuộc vào giá các nguyên liệu sản xuất, chi phí nhân công cùng nhiều chi phí khác. Giá xăng, dầu giảm có thể tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, logistics nhưng bản thân những doanh nghiệp lĩnh vực này cũng băn khoăn vì cho rằng, giá xăng, dầu giảm ở các kỳ điều chỉnh gần đây có bền vững hay không?
Bà Đỗ Bích Thuận, nhà xe Ngọc Thuận, Công ty CP Xe khách 2/9 Sơn La chia sẻ, doanh nghiệp vận tải cũng rất khó khăn để ổn định trở lại sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch và sau nhiều lần xăng tăng giá. Tuy giá xăng đã giảm, nhưng các chi phí khác để vận hành vẫn tăng. Giá vé niêm yết như hiện nay mới chỉ giúp doanh nghiệp có kinh phí để duy trì hoạt động.
“Lúc giá xăng lên đỉnh điểm trên 30.000 đồng/ lít, chi phí mỗi chuyến xe lên tới 14 triệu đồng. Giờ xăng dầu giảm, chi phí giảm được khoảng 1 triệu đồng/ chuyến nhưng vẫn còn cao so với trước đây. Thêm nữa giờ lượng khách giảm, ngày nhiều nhất chiều xe xuống được 20 người, nhưng chiều lên không có nên hầu như nhà xe phải bù lỗ. Nếu lượng khách đảm bảo mới đủ tiền chi phí chưa tính có lãi. Bởi vậy, bây giờ nhà xe cố gắng duy trì chủ yếu để khách hàng quen trở lại”, bà Thuận giãi bày.
Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Sơn La, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2022 tăng 2,26% so với bình quân cùng kỳ, trong đó 2 nhóm mặt hàng tăng cao nhất là nhóm giao thông và nhóm đồ uống, thuốc lá.
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng; nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg, ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, ngành đã và đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động chỉ đạo, có phương án bình ổn giá cả trong trường hợp cần thiết.
“Sở đã xây dựng kế hoạch quản lý và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành, huyện, thành phố, cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Phối hợp với các đơn vị làm việc với các nhà phân phối chính trên địa bàn để nắm giá của các nhà cung cấp, có phương án, điều tiết phù hợp với tình hình hiện nay”, bà Châu cho biết.
Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng tỉnh Sơn La nhằm kiểm soát chặt chẽ thị trường, hy vọng thời gian tới, giá cả hàng hóa sẽ được điều chỉnh linh hoạt, vừa đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp cũng như có lợi hơn cho người tiêu dùng./.
Xem thêm: vov.646169tsop-uey-teiht-uv-hcid-gnah-tam-cac-aig-no-hnib-mos-al-nos/gnourt-iht/et-hnik/nv.vov