Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelsosi phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4-8 ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Bối rối không chỉ bởi những đồn đoán trước chuyến đi, rồi lo âu của cộng đồng thế giới trong suốt chuyến thăm Đài Loan, mà còn bởi những bất ổn sau chuyến đi.
Tại Đài Loan vào tối 2-8, chuyến thăm còn "gây tiếng vang" khi bà được đông đảo người dân Đài Bắc chào đón và nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tặng huân chương để tỏ lòng biết ơn cho "một trong những người bạn tận tụy nhất của Đài Loan".
Chọn lợi ích quốc gia?
Nhưng mọi chuyện đã "lệch nhịp" ở Hàn Quốc, khi cuộc tiếp đón của Seoul không thể dùng từ gì khác hơn là lạnh nhạt. Tại TP Osan, nơi bà Pelosi hạ cánh xuống căn cứ không quân Hoa Kỳ vào tối 3-8, đã không có quan chức Hàn Quốc nào ra đón.
Hàn Quốc là nước duy nhất trong chuyến công du châu Á lần này mà chủ tịch Hạ viện Mỹ không gặp nguyên thủ quốc gia lẫn lãnh đạo nào của chính phủ. Bà cũng đã bỏ qua cuộc họp báo khi đến khách sạn ở Seoul. Một quan chức Đại sứ quán Mỹ nói với truyền thông địa phương rằng bà "rất không hài lòng" vì sự thiếu đón tiếp.
Tờ Foreign Policy nói chuyến thăm của bà Pelosi gây khó xử cho Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Nhưng chuyến thăm của bà đến Seoul đâu bất ngờ, nó cũng không được giữ bí mật đến phút cuối như chuyến thăm Đài Loan.
Không những thế, ông Yoon tuy đang đi nghỉ nhưng vẫn ở Seoul, chỉ cách bà Pelosi vài kilômet, và vào đêm bà Pelosi đến, ông Yoon và vợ đang xem kịch... Chỉ mãi tới chiều hôm sau, ông Yoon mới gọi điện cho bà Pelosi, sau khi bà đã thăm Quốc hội Hàn Quốc.
Văn phòng của ông Yoon nói quyết định không gặp bà Pelosi xuất phát từ việc ông "cân nhắc đến lợi ích quốc gia nói chung". Tạp chí Foreign Policy tỏ vẻ thấu hiểu lý do ông Yoon không muốn làm mích lòng Trung Quốc: "Đặc biệt trong điều kiện kinh tế toàn cầu gặp khó khăn - thương mại quốc tế của Hàn Quốc trong tháng 7, bao gồm cả thương mại với Trung Quốc, đã ghi nhận mức thâm hụt lớn nhất trong 66 năm - thì tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc còn lớn hơn".
Một số phương tiện truyền thông khác thiên về việc "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" khi cho rằng lẽ ra bà Pelosi không nên đặt các đồng minh vào thế khó.
Theo Asia Times, Seoul tiếp đón bà Pelosi lạnh nhạt vì Hàn Quốc là điểm dừng chân ngay sau chuyến thăm Đài Loan vốn bị Trung Quốc kịch liệt phản đối. Hiện tại Bắc Kinh vẫn đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn quanh Đài Loan, tên lửa đạn đạo Trung Quốc đã bay ngang qua Đài Loan lần đầu tiên trong lịch sử.
"Lúc này là thời điểm rất tệ cho một cuộc gặp cá nhân (của tổng thống Hàn Quốc) với Pelosi, vì điều này có thể một lần nữa chọc tức Bắc Kinh, và cũng không biết các đối tác khác sẽ cảm nhận như thế nào" - ông Yegor Spirin, chuyên gia Viện Nghiên cứu quốc tế tại MGIMO (Nga), nói với Hãng RBC.
Chuyến thăm gây tranh cãi
Theo Bloomberg, bất chấp tuyên bố từ Nhà Trắng rằng một chính trị gia có quyền quyết định có bay đến Đài Loan hay không, các quan chức chính quyền Mỹ đã rất tức giận khi bà Pelosi, "bất chấp thời điểm cực kỳ tế nhị trong quan hệ với Bắc Kinh", muốn biến chuyến thăm trở thành một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của mình, nhất là khi có tin bà sẽ không ra tranh cử Quốc hội và sẽ rời khỏi chính trường ở tuổi 82.
Bloomberg nói Nhà Trắng đã cử các quan chức cấp cao từ Cơ quan An ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao đến gặp bà Pelosi thuyết phục hoãn chuyến thăm. Khi nhận ra bà Pelosi chưa sẵn sàng làm điều này, ông Biden đã công khai rằng theo quan điểm của giới quân sự Mỹ, chuyến đi của bà "có vẻ không phải là một ý hay".
Trước chuyến thăm Đài Loan gây sóng gió, tờ báo vốn ủng hộ phe Dân chủ The Washington Post lưu ý rằng một chính sách đối ngoại thành công phải kết hợp "các nguyên tắc cao cả với việc thực thi thông minh, kịp thời". Về chuyến thăm Đài Loan, tờ báo cho rằng bà Pelosi đã thất bại với việc "thực thi thông minh" đó.
Giờ đây, chính quyền ông Biden sẽ phải nỗ lực để ngăn chặn việc lặp lại cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995 - 1996 và giảm thiểu thiệt hại do chuyến thăm gây ra. Và quan trọng nhất, Washington không nên bị phân tâm bởi bất cứ điều gì khác vào ngay giữa cuộc khủng hoảng Ukraine, báo Washington Post viết.
Những hệ lụy đầu tiên
Riêng tại Đông Á, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã dẫn đến những hệ lụy đầu tiên. Theo Nikkei Asia, ngày 4-8 Bắc Kinh vào phút cuối đã rút khỏi cuộc gặp được lên kế hoạch giữa Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ở Campuchia, sau khi biết tin về cuộc gặp của ông Kishida với bà Pelosi.
Cuộc gặp được lên kế hoạch ở Campuchia nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp trực tuyến giữa Thủ tướng Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào mùa thu năm nay.
Việc 5 tên lửa đạn đạo do Trung Quốc bắn tập gần Đài Loan đã hạ cánh lần đầu tiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ngày 4-8 cũng là một tín hiệu bất an.
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói trên Nikkei Asia: "Môi trường an ninh Nhật - Trung đã bước sang một giai đoạn mới".
TTO - Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ quyết định trừng phạt Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và gia đình để đáp lại chuyến thăm Đài Loan mà Bắc Kinh cho là “khiêu khích”.
Xem thêm: mth.8950442260802202-isolep-ab-auc-ior-iob-tuhp-uas-aihp/nv.ertiout