vĐồng tin tức tài chính 365

IMF là “cứu cánh” hay “trái đắng” của các nước dễ bị tổn thương?

2022-08-07 09:14

IMF mới đây công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật, với cảnh báo về một tương lai ảm đạm và không chắc chắn hơn. Theo báo cáo, lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán sẽ lên tới 9,5% và dự kiến sẽ còn cao hơn trong một thời gian dài.

Gánh nặng nợ nần của các nền kinh tế đang phát triển, vốn đã phình to vì đại dịch COVID-19, đang trở nên tồi tệ hơn bởi chính sách tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát ở các quốc gia tiên tiến. Đó là chưa kể đến cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực và khủng hoảng khí hậu đang diễn ra cùng lúc.

Nhà kinh tế học Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nhận định: "Nền kinh tế toàn cầu có thể sớm nghiêng về bờ vực suy thoái. Hợp tác đa phương sẽ là chìa khóa quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ chuyển đổi khí hậu và chuẩn bị cho đại dịch đến an ninh lương thực và áp lực nợ công".

Từ Sri Lanka, El Salvador đến Ghana, các nền kinh tế đang phát triển chỉ mới bắt đầu bước vào tiến trình phục hồi sau đại dịch cho đến khi xung đột Nga-Ukraine đẩy giá thực phẩm và năng lượng toàn cầu tăng vọt, và làm trầm trọng hơn vấn đề nợ công của các quốc gia Nam Bán cầu. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời điều này gây ra áp lực lớn với các quốc gia có nợ phải trả nợ bằng USD.

Theo ông Stephen Nelson, Phó Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Northwestern, các quốc gia phụ thuộc vào đồng tiền của quốc gia khác để trả nợ rất dễ bị tổn thương. Đó cũng là sự bất bình đẳng mang tính cấu trúc trong hệ thống tài chính quốc tế.

Về lý thuyết, IMF có thể hoạt động như một bên cung cấp cứu trợ cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế, "chuyến xe cấp cứu này không phải là miễn phí".

Cơ chế cho vay của IMF hoạt động như thế nào?

IMF được thành lập cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai để đưa ra các quyết sách để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính quốc tế những năm 1930 - một chất xúc tác khiến chiến tranh nổ ra.

WB được thiết kế để cung cấp viện trợ phát triển trung và dài hạn để cải thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng và khả năng tiếp cận nước sạch và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong khi đó, IMF đóng vai trò là cơ quan giám sát hệ thống tài chính quốc tế. Thể chế này cung cấp cho các quốc gia khoản vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn thị trường để các nước này có thể trang trải các nghĩa vụ tài chính hiện tại và trả tiền cho các chủ nợ của họ, cơ chế này hay được gọi là cứu trợ tài chính.

Để duy trì khả năng thanh toán và đảm bảo rằng các quốc gia có thể trả nợ đầy đủ, IMF khuyến nghị các quốc gia nhận cứu trợ thực hiện một số chính sách nhất định để cải thiện bảng cân đối tài chính và khôi phục khả năng tiếp cận thị trường vốn của họ. Những chính sách này thường được gọi là các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

Những chính phủ nhận được hỗ trợ của IMF đôi khi buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn như cắt giảm phúc lợi xã hội hoặc trợ cấp nhiên liệu và lương thực để tăng ngân sách nhà nước - những biện pháp dễ đối mặt với sự phản đối của người dân.

Những biện pháp theo kiểu "thắt lưng buộc bụng" đặc biệt khắc nghiệt khi hiện nay các quốc gia đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng. Vào cuối tháng 5/2022, IMF đã yêu cầu Pakistan thực hiện "các hành động chính sách cụ thể" bao gồm loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu và năng lượng để đạt được các mục tiêu trong chương trình cứu trợ thì IMF có thể giải ngân khoản vay.

Vào cuối tháng Sáu, quốc gia thiếu tiền mặt này đã tiếp tục loại bỏ trợ cấp nhiên liệu để giảm thâm hụt tài chính - dẫn đến giá tiêu dùng tăng 17% và khiến nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc nổ ra. Cả hai biện pháp trên đều được thực hiện trong bối cảnh tình trạng thiếu nhiên liệu và cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước này ngày càng tồi tệ hơn.

Tại Cameroon - quốc gia cũng đang tìm kiếm khoản vay cứu trợ của IMF, bất chấp tình trạng các tài xế lái taxi phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu và giá cả liên tục biến động, IMF vẫn giữ nguyên khuyến nghị chính sách dành cho chính phủ nước này là giảm trợ cấp nhiên liệu.

Theo WB, Tunisia - nước đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn ngũ cốc - đang có kế hoạch giảm dần trợ cấp lương thực để có thể đạt được thỏa thuận với IMF. Cũng cần lưu ý rằng, nhiều khoản trợ cấp nhiên liệu và lương thực ở các nước kém phát triển mang lại lợi ích không cân đối cho người giàu nhiều hơn là người nghèo. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu cơ chế của IMF có phù hợp với nhu cầu kinh tế của các quốc gia Nam Bán cầu hay chưa?

Theo ông Jerome Phelps thuộc tổ chức từ thiện Debt Justice có trụ sở tại Anh tập trung vào vấn đề giải quyết nợ và các vấn đề bất bình đẳng toàn cầu, IMF tuyên bố họ không còn yêu cầu các nước "thắt lưng buộc bụng" nữa, nhưng cơ chế cho vay thực tế tiếp tục đòi hỏi nhiều điều kiện nghiêm ngặt đã ảnh hưởng đến những người nghèo trong lúc mà giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.

Khi mở rộng hoạt động cứu trợ thời COVID-19, IMF đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho 90 quốc gia bằng chương trình ngăn chặn thảm họa và ủy thác cứu trợ cùng các công cụ cho vay khác nhau, bao gồm Cơ chế Tín dụng Nhanh và Cơ chế Tín dụng Mở rộng.

Các chương trình này được thiết kế để cung cấp các khoản tài trợ để giảm hoặc xóa nợ cũng như hỗ trợ tài chính ưu đãi cho các quốc gia có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Ở một số quốc gia châu Phi, chẳng hạn như Sierra Leone, Senegal, Madagascar, Mauritania và Seychelles, IMF đưa ra yêu cầu về mức "trần" chi tiêu công để đảm bảo các quốc gia có đủ ngân sách để cung cấp hỗ trợ về y tế và giáo dục cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Một người phát ngôn của IMF nói với Foreign Policy rằng, kể từ khi đại dịch bắt đầu, IMF đã cung cấp tài chính khẩn cấp với trọng tâm là hỗ trợ tài chính ngay lập tức và không đi kèm điều kiện nào ban đầu. Bên cạnh tài trợ khẩn cấp, gần như tất cả các chương trình do IMF hỗ trợ đã được phê duyệt hoặc tăng cường kể từ tháng 3/2020.

Tuy nhiên, phân tích do tổ chức phi chính phủ Oxfam thực hiện cho thấy 84% các khoản vay thời COVID-19 của IMF đều khuyến khích, và trong một số trường hợp là bắt buộc, các nước nghèo (vốn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng COVID-19) áp dụng nhiều các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" hơn.

Là một phần của chiến dịch toàn cầu #EndAusterity (chấm dứt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng"), hơn 500 tổ chức và học giả từ 87 quốc gia đã kêu gọi IMF và các chính phủ ngừng các biện pháp hà khắc này mà thay vào đó ủng hộ các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, an ninh môi trường và giảm bất bình đẳng thu nhập.

Các chuyên gia cũng đang kêu gọi IMF nới lỏng "hầu bao" và sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) nhiều hơn để giúp đỡ các quốc gia đang "khát" nguồn tài chính. SDR là tài sản dự trữ quốc tế do IMF tạo ra để bổ sung vào nguồn dự trữ chính thức của các nước thành viên. IMF đã giải ngân số tiền lớn thuộc SDR vào năm 2021 để hỗ trợ cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương đang có nguồn dự trữ ngoại hối cạn kiệt. Mặc dù IMF nói rằng việc phân bổ SDR "không phải là thuốc chữa bách bệnh" đối với những khó khăn mà các nước đang phát triển đang gặp phải, nhưng ít nhất đây là "cứu cánh" quan trọng đối với các nước đang rơi vào khủng hoảng.

IMF có phải là lựa chọn duy nhất?

Tin tốt là, đối với các quốc gia đang gặp khó khăn, IMF có thể không phải là chỗ dựa duy nhất. Ngày càng có nhiều chính phủ bắt đầu tham gia vào các thỏa thuận song phương với các quốc gia khác và các tổ chức cho vay tư nhân để trang trải các nghĩa vụ tài chính. Sri Lanka đang tìm kiếm khoản vay 1,5 tỷ USD từ các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Trung Quốc, một trong những "chủ nợ" lớn nhất thế giới, có thể là lựa chọn của nhiều quốc gia Nam bán cầu. Ông Peter Rosendorff, Giáo sư chính trị tại Đại học New York, cho biết: "Theo những gì chúng tôi biết, Trung Quốc sẵn sàng tái cơ cấu và điều chỉnh lại các khoản nợ với những điều khoản tương đối mềm mỏng và dễ dàng hơn so với IMF hoặc các tổ chức cung cấp tín dụng song phương khác. Nhưng sự thiếu minh bạch sẽ càng tăng thêm trước thực tế là các quốc gia đang đi vay từ nhiều ‘chủ nợ’ khác nhau như vậy".

Việc Fed liên tục tăng lãi suất còn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ ở các quốc gia Nam Bán cầu. Điều này thúc đẩy xu hướng rút vốn khỏi các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, khiến "đồng bạc xanh" tăng giá cao hơn và các quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình trả các khoản nợ bằng USD.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết trong một tuyên bố: "Với các điều kiện tài chính thắt chặt và đồng nội tệ mất giá, nợ công sẽ là một gánh nặng lớn đối với một số quốc gia". Theo IMF, 60% các quốc gia có thu nhập thấp có nguy cơ mắc nợ cao hoặc đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Ông Phelps thuộc tổ chức Debt Justice cho rằng, trong suốt nhiều thập kỷ, hầu hết các khoản vay của IMF là quá ít, quá muộn, với quá ít điều kiện giúp tái cơ cấu các khoản nợ. Ông nhấn mạnh: "Các quốc gia tiếp tục rơi vào cuộc khủng hoảng nợ tương tự trong vài năm sau đó. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tái cơ cấu nợ đầy đủ ngay bây giờ thay vì chờ đợi nhiều quốc gia rơi vào tình trạng tồi tệ như Sri Lanka".

Mai Ly

Nhịp sống kinh doanh

Xem thêm: nhc.17345348070802202-gnouht-not-ib-ed-coun-cac-auc-gnad-iart-yah-hnac-uuc-al-fmi/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“IMF là “cứu cánh” hay “trái đắng” của các nước dễ bị tổn thương?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools