Hôm nay (6/8), trao đổi về chủ đề "Triển vọng thị trường tài chính: Cơ hội và Thách thức", ông Trần Ngọc Báu, nhà sáng lập & CEO của WiGroup - công ty chuyên cung cấp dữ liệu chuyên sâu cho các tổ chức và cá nhân đã đưa ra quan điểm về sự liên quan giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và tác động lên chính sách của Việt Nam.
Theo phân tích của ông Báu, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau dịch, cần đến nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên việc đưa ra biện pháp như thế nào cũng có ảnh hưởng từ các chính sách ngoại lai, chính vì vậy có nhiều khi muốn hỗ trợ nền kinh tế mà không phát huy được tác động. Nếu về vĩ mô, duy trì lãi suất thấp là hợp lý nhưng về tỷ giá lại không phù hợp.
Ông Báu phân tích ở hiện tại, cần quan tâm đến hai yếu tố: khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất, và bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ thay đổi sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào.
Fed chuẩn bị cạn room nâng lãi suất cơ bản đồng USD
Ông Báu nhận định Fed đã cạn room nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Thông thường, một chính phủ chịu sức ép với hai mục tiêu: duy trì tăng trưởng kinh tế, toàn dụng lao động và kiểm soát lạm phát; khi phân tích chính sách cần phải tính đến những yếu tố như vậy.
Từ quý 4/2021, kinh tế Mỹ tăng trưởng khá mạnh. Chi phí đẩy tăng cao, vì vậy Fed buộc phải điều chỉnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Giỏ chi tiêu của người Mỹ khác người Việt Nam rất nhiều, khi phân tích lạm phát thì cần phải bóc tách chi phí thực tế. Ở Việt Nam, tỷ lệ chi tiêu của người Việt Nam cho thực phẩm rất cao nhưng lại chỉ khoảng hơn 15% cho bất động sản; còn tại Mỹ, hơn 42% chi tiêu của người dân vào nhà ở, chính vì vậy giá nhà biến động mạnh người Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài ra, người Mỹ lái xe rất nhiều nên tỷ lệ chi tiêu của người Mỹ vào việc đi lại lên đến 18% trong tổng chi tiêu. Tại Mỹ, thực phẩm không phải yếu tố kéo lạm phát leo thang mà đặc biệt những tháng gần đây giá năng lượng ảnh hưởng mạnh nhất. Cần hiểu về lạm phát ở Mỹ, cần hiểu về giá nhà, giá năng lượng và giá xe.
Những tháng gần đây, tốc độ tăng của giá nhà tại Mỹ chững lại, vì vậy lạm phát cũng có phần hạ nhiệt. Dự báo lạm phát Mỹ sẽ lập đỉnh vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8/2022 và sau đó hạ dần tuy nhiên không quá sâu.
Theo nhận định của ông Báu, với bối cảnh hiện tại khi mà lạm phát gần lập đỉnh, nhiều chỉ báo suy thoái xuất hiện, nhìn vào lịch sử Fed chưa từng tăng lãi suất khi kinh tế Mỹ tiệm cận suy thoái; ngoài ra kinh tế Trung Quốc đang chững lại, vậy nhìn vào viễn cảnh chung, kinh tế Mỹ khó tăng trưởng tốt, vì vậy lãi suất khó tăng mạnh.
Các tổ chức và thành viên của FOMC đều cho rằng lãi suất của Fed sẽ tăng tối đa đến 3-3,5% và sau đó từ năm 2023 giảm dần.
Bối cảnh thế giới và mối liên hệ với chính sách tại Việt Nam
Theo số liệu được ông Báu đưa ra, lãi suất liên ngân hàng qua đêm ở mức khoảng 0,3 đến 0,5% thì giờ đây lãi suất qua đêm đến 5%. Như vậy Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã không duy trì nới lỏng ở thị trường liên ngân hàng, đây là dấu hiệu của sự thắt chặt.
Ngoài ra, SBV cũng đang hút tín phiếu về, đồng thời hạn chế mở room tín dụng.
Theo chuyên gia chia sẻ quan điểm tại cuộc thảo luận trên, lạm phát không phải yếu tố cần quan tâm nhiều mà yếu tố cần quan tâm nhất là tỷ giá. Từ tháng 9/2022 trở đi, áp lực lạm phát sẽ rất cao. Tỷ giá là yếu tố chính ảnh hưởng đến chính sách của SBV. Khi Fed tăng lãi suất, thị trường vốn ảnh hưởng, SBV đã lựa chọn ổn định tỷ giá, tiền đang hút về bằng mọi hình thức.
Chuyên gia cũng cho rằng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện không đủ để duy trì sự độc lập của chính sách tiền tệ. Từ cuối năm 2022, lãi suất của Fed lập đỉnh, có thể Fed sẽ dần phải quay trở lại với chu kỳ nới lỏng mặc dù sẽ chậm chạp hơn trước, áp lực dòng vốn lên Việt Nam không còn. Áp lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 là một bài toán khó khi các nền kinh tế lớn đều đứng trước ngưỡng cửa suy giảm tăng trưởng đáng kể. Bối cảnh này có thể cũng sẽ khiến cho SBV sớm quay trở lại với chu kỳ nới lỏng.
Ngọc Diệp
Nhịp sống kinh doanh