Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 93,87 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,058 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.
Làn sóng nhiễm các biến thể mới COVID-19 tại Mỹ đã bắt đầu thuyên giảm sau nhiều tháng tăng cao trước đó. Cụ thể, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trung bình theo tuần hiện nay ở Mỹ thấp hơn hẳn so với thời điểm cuối tháng 7. Số bệnh nhân nhập viện trung bình của một tuần hiện là 6.344 ca, giảm so với 6.600 ca hồi cuối tháng 7. Giới chuyên gia cho rằng tình hình tại Mỹ đã bắt đầu quay trở lại bình thường và đây là tin tốt trong bối cảnh học sinh sẽ tới trường đón năm học mới trong vài tuần tới. Hiện nhiều trường đại học ở Mỹ cũng bắt đầu giảm bớt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu tích cực cũng vẫn còn một số dấu hiệu cần theo dõi thêm. Cụ thể là mức nhiễm virus trong nước thải không còn giữ xu hướng giảm dần như trong các tuần trước, hay có sự xuất hiện của một số tiểu chủng, trong đó có chủng BA2.75.
Ngoài ra, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính tới ngày 4/8, đã có 1.344 quận (chiếm 42% tổng số quận trên cả nước) có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cộng đồng ở mức cao. Các quận này lại là nơi sinh sống của khoảng 55% dân số Mỹ. Do đó, CDC khuyến cáo, người dân nên đeo khẩu trang khi đến các nơi công cộng và ở không gian kín. Bên cạnh đó, người dân Mỹ cũng được khuyến khích tiêm phòng vaccine đầy đủ để ngăn nguy cơ bệnh trở nặng, tử vong hay các rủi ro khác trong khi chờ các hãng dược Moderna và Pfizer cho ra loại vaccine ngừa được các chủng mới trong 1-2 tháng tới.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 6/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,12 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 526.600 trường hợp thiệt mạng, cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Brazil về số ca tử vong.
Bộ Y tế Ấn Độ đã công bố báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này, cho biết số ca mắc mới tại nước này trong ngày 5/8 đã vượt 20.000 ca sau 5 ngày duy trì dưới con số này. heo đó, ngày 5/8, Ấn Độ có 20.551 ca nhiễm mới và 70 ca tử vong do COVID-19. Con số người nhiễm mới vào ngày 6/8 là 14.228.
Với số ca nhiễm mới nêu trên, tỷ lệ ca có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 ở Ấn Độ hiện vào khoảng 5,14% theo ngày và 4,64% theo tuần. Chính quyền nhiều bang của Ấn Độ khuyến nghị người dân duy trì việc đeo khẩu trang và tuân theo quy định phòng chống dịch COVID-19 khi tham gia các sự kiện đông người.
Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 152.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,05 triệu người nhiễm bệnh. Ngày 6/8, Pháp ghi nhận thêm 28.518 người nhiễm COVID-19.
Với số ca mắc mới COVID-19 tăng cao, Pháp đã vượt Brazil trở thành quốc gia có số người nhiễm cao thứ 3 thế giới. (Ảnh: AP)
Đợt bùng phát dịch COVID-19 vào mùa đông tại Australia do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron lây lan nhanh có lẽ đã đạt đỉnh sớm hơn dự kiến. Đây là nhận định do Bộ trưởng Y tế Australia đưa ra trong bối cảnh các bệnh viện của nước này ghi nhận số ca bệnh ổn định trong tuần qua.
Phát biểu tại một cuộc họp với giới chức y tế các bang và vùng lãnh thổ, Bộ trưởng Butler bày tỏ lạc quan rằng số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày bắt đầu giảm xuống. Ông nêu rõ: "Chắc chắn, dữ liệu chúng ta thấy hiện nay chỉ ra rằng chúng ta có lẽ đã đạt đỉnh dịch sớm hơn dự kiến". Trước đó, giới chức y tế dự báo làn sóng COVID-19 mới nhất chỉ có thể đạt đỉnh dịch vào cuối tháng 8 này.
Theo Bộ trưởng Butler, số ca COVID-19 nhập viện giảm so với giai đoạn đỉnh dịch cách đây vài tuần. Số liệu chính thức cho thấy, số ca nhập viện dao động quanh khoảng 5.000 ca ngày 4/8, nhưng giảm so với số ca cao kỷ lục 5.571 ca được báo cáo cách đây 1 tuần. Bên cạnh đó, bệnh cúm tại nước này cũng đã qua đỉnh dịch, giảm tải cho hệ thống y tế.
Trong những tuần gần đây, tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Australia vẫn cao. Theo số liệu của Bộ Y tế nước này, ngày 6/8, Australia có thêm 28.479 ca mắc và 89 bệnh nhân không qua khỏi. Tổng số ca mắc tại quốc gia này là hơn 9,61 triệu ca, trong đó có 12,289 trường hợp tử vong. Chính quyền liên bang kêu gọi người dân tích cực đi tiêm vaccine liều tăng cường để phòng COVID-19. Đến nay, 5 triệu người Australia đủ tiêu chuẩn nhưng chưa đi tiêm vaccine mũi thứ 3.
Quốc gia láng giềng của Australia là New Zealand cũng ghi nhận những dấu hiệu cho thấy làn sóng COVID-19 mới nhất đã đạt đỉnh. Số liệu do Bộ Y tế công bố cùng ngày 4/8 cho thấy, số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại New Zealand là 6.142 ca/ngày, giảm so với con số 7.776 một tuần trước. Số người mắc COVID-19 nhập viện cũng giảm. Ngày 6/8, New Zealand có 4.885 ca mắc mới COVID-19.
Theo Cơ quan Y tế công cộng New Zealand, tỷ lệ mắc bệnh tiếp tục xu hướng đi xuống tại tất cả các địa phương trong tuần thứ hai liên tiếp. Số liệu mới nhất cho thấy, số ca mắc mới thấp hơn so với con số dự kiến trước đó, chứng tỏ New Zealand đã bước qua đỉnh dịch.
Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ kích hoạt hệ thống dự phòng trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng mạnh trở lại. Các chuyên gia y tế dự phòng cảnh báo, với đà lây nhiễm hiện nay, Hàn Quốc có thể lên đỉnh dịch mới vào cuối tháng 8 với số ca nhiễm khoảng 150.000 ca/ngày.
Hệ thống đặt chỗ xét nghiệm PCR sẽ được kích hoạt tại 7 trung tâm y tế công và tiếp tục mở rộng đến toàn bộ hệ thống y tế công trên toàn quốc vào cuối tháng 8 này. Việc đặt chỗ xét nghiệm PCR được kích hoạt nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại các trung tâm y tế công do biến thể phụ mới của Omicron có đặc tính lây nhiễm cao.
Bộ Y tế Hàn Quốc chỉ đạo, hệ thống các bệnh viện khẩn trương bổ sung giường bệnh, đảm bảo xử lý số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày lên tới khoảng 300.000 người.
Các biện pháp chống dịch mới của Hàn Quốc được triển khai trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 đã vượt quá 100.000 người/ngày trong 4 ngày liên tiếp. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số ca mắc COVID-19 mới trong ngày 5/8 là 112.901 ca, trong đó có 435 người từ nước ngoài. Con số này trong ngày 6/8 là 110.610.
Số lượng ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc đã tăng hơn 1,22 lần so với 88.374 ca được ghi nhận một tuần trước và gấp 1,52 lần so với mức 71.142 trường hợp cách đây 2 tuần do sự lây lan của biến thể phụ BA.5.
Ngày 6/8, Trung Quốc ghi nhận 361 trường hợp COVID-19 có triệu chứng mới. (Ảnh: AP)
Ngày 6/8, thành phố nghỉ dưỡng ven biển Tam Á, miền Nam Trung Quốc, đã áp đặt lệnh phong tỏa và đóng cửa hệ thống giao thông công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 dù hiện đang là mùa du lịch cao điểm. Nhà chức trách thành phố Tam Á cho biết, các biện pháp hạn chế có hiệu lực từ 6h (giờ địa phương), đồng thời nhận định, tình hình dịch bệnh là "rất nghiêm trọng" và người dân cần hạn chế đi lại. Giới chức thành phố không cho biết khi nào các biện pháp hạn chế này được dỡ bỏ.
Theo nhà chức trách Tam Á, thành phố này đã ghi nhận 263 ca mắc mới trong ngày 5/8 và đã phát hiện các ca nhiễm dòng phụ BA.5.1.3 của biến thể Omicron.
Lệnh phong tỏa được áp đặt vào thời điểm đang là mùa du lịch cao điểm ở thành phố Tam Á, nơi cũng được biết đến là trung tâm mua sắm miễn thuế và có một số khách sạn cao cấp do các công ty quốc tế điều hành như IHG và Marriott International.
Giới chức thành phố Tam Á cho biết có khoảng 80.000 du khách ở thành phố này nhưng các ca bệnh chủ yếu là cư dân địa phương. Do đó, du khách vẫn được phép rời khỏi thành phố nhưng phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm 2 lần âm tính trong vòng 48 giờ. Trước đó, thành phố Tam Á đã bắt đầu áp đặt các biện pháp hạn chế tại một số địa điểm từ ngày 4/8.
Hiện dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan tại Trung Quốc. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 6/8 cho biết, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 585 ca nhiễm mới trong ngày 5/8, trong đó 310 ca có triệu chứng. Số trường hợp có triệu chứng vào ngày 6/8 là 361. Trong ngày qua, Trung Quốc đại lục không có ca tử vong vì COVID-19.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Sinovac cho trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi.
Lãnh đạo Cơ quan dịch vụ dân sinh đặc khu hành chính Hong Kong Ingrid Yeung kêu gọi, các bậc cha mẹ đưa con đi tiêm phòng càng sớm càng tốt. Bà cho biết, chính quyền Hong Kong sẽ tiếp tục mở thêm các địa điểm tiêm chủng để người dân được tiêm sớm. Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em thuộc Cơ quan y tế Hong Kong cũng đang chuẩn bị cung cấp vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinovac cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.
Kể từ khi triển khai chương trình tiêm phòng trên diện rộng từ tháng 2/2021, hơn 6,77 triệu người (tương đương 93% số người đủ điều kiện tiêm phòng tại Hong Kong), đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng bệnh COVID-19. Trong khi đó, hơn 6,52 triệu người (khoảng 89,6%) đã được tiêm 2 mũi cơ bản. Tính đến ngày 4/8, 67,7% dân số đủ điều kiện tiêm phòng ở Hong Kong đã được tiêm mũi 3 và 215.523 người đã được tiêm mũi 4.
Đến nay, Hong Kong ghi nhận trên 1,37 triệu ca mắc và 9.531 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Quỳnh Chi
VTV