Renaissance của Beyoncé xác lập kỷ lục khi đạt được 43,25 triệu lượt stream trên Spotify trong vòng 24 giờ đầu tiên - Ảnh: Vogue
Beyoncé đang nói lên tiếng lòng của hàng triệu người trong trào lưu ồ ạt bỏ việc trên toàn cầu thời hậu đại dịch.
Nhưng điều thú vị nhất của bản banger đầy hoan lạc này không phải là sự tái sinh đời sống tiệc tùng, vì mọi cảm hứng về hậu đại dịch giờ cũng đã nhàm. Điều thú vị nhất ở nó là sự tái sinh nhạc dance thuở xưa.
Ca khúc mô phỏng lại tiếng synth bass méo mó đã trở thành kinh điển trong Show me love của Robin S, một "thánh ca" của các hộp đêm cho người da màu vào thập niên 1990, cùng với đó là phần sample một ca khúc của Big Freedia - người đóng góp lớn cho dòng nhạc bounce gắn liền với cộng đồng LGBT.
Phần lớn chúng ta có thể sẽ chẳng biết Big Freedia là ai, thậm chí có thể cũng chưa từng nghe đến Robin S. Nhưng chính vì thế mà ta được Beyoncé mời đến yến tiệc âm nhạc này, nơi những vị khách đến từ lịch sử lần lượt bước ra mời ta cùng "quẩy" một điệu làm quen. Tựa đề album Renaissance nghĩa là Phục hưng. Nhưng phục hưng cái gì?
Danh tiếng của Beyoncé thì chắc không phải, cô vẫn luôn là Queen B, là nữ hoàng, là nàng prima donna của văn hóa đại chúng. Có lẽ đúng hơn là phục hưng thời kỳ hoàng kim của dòng nhạc dance, nhạc house, phục hưng văn hóa rực rỡ của người da đen và sức mạnh biểu đạt của người đồng tính.
Beyoncé là biểu tượng hoàn hảo cho câu: Thứ làm nên một ngôi sao vĩ đại không phải là quyền lực của người đó, mà là những gì người đó làm với quyền lực của mình. Khi đã bước lên "ngai vàng", Beyoncé liền thêu vào tấm "hoàng bào" âm nhạc những họa tiết đã bị lãng quên, những gấm vóc ít người biết đến để đông đảo "thần dân" trong vương quốc của cô cùng tôn vinh những người cô tôn vinh.
Nếu như trong siêu phẩm album Lemonade năm 2014, Beyoncé sử dụng sample âm nhạc của các nghệ sĩ nữ da đen, thì trong Renaissance, cô tận dụng sample âm nhạc để kể lại lịch sử nhạc sàn, cả chính thống và phi chính thống, cả thẳng và "cong".
Từ những bản funk thập niên 1970 đến những bản deep house thập niên 1990, từ những âm thanh modern techno đời đầu đến những bản drag music chỉ mới ra đời vài năm trước, Beyoncé đã tường thuật một biên niên sử sống động về âm nhạc kéo dài 50 năm trong một album chỉ dài vỏn vẹn hơn 1 tiếng đồng hồ.
Nghe Renaissance giống như được du hành qua một bảo tàng, nơi mỗi ca khúc là một phòng trưng bày các hiện vật tinh xảo từ quá khứ.
Chuyến du hành kết thúc với một phần grand finale (khép màn) trác tuyệt - ca khúc Summer Renaissance, nơi Beyoncé bắt chước lại đoạn phiêu lả lướt như gió của danh ca disco thập niên 1970, Donna Summer, trong bản nhạc vượt thời gian I feel love của bà.
Trùng hợp thay, I feel love vốn dĩ là ca khúc cuối trong album I remember yesterday năm 1977 của Donna Summer - một album cũng có chủ đề sử ký âm nhạc, tụng ca nhạc dance của các thập niên trước đó.
Mà cũng có thể chẳng phải trùng hợp. Beyoncé đã cố tình làm thế, vì hơn ai hết, cô biết rằng nếu như cô nhìn được xa hơn những người khác, đó chẳng qua là vì cô có thể đứng trên vai những người khổng lồ.
Còn nhớ 9 năm trước, Beyoncé đã mở đầu album mang tên mình bằng một cuộc hội thoại trong đó cô được hỏi rằng cô khao khát điều gì trong đời và cô đáp:
"Ôi chao, khao khát trong đời tôi là được hạnh phúc". Đến Renaissance, album vừa ra mắt những ngày cuối tháng 7 của Beyoncé và ngay lập tức lập kỷ lục về lượt stream một ngày trên Spotify, cô dường như đã quyết tâm để được hạnh phúc.
TTO - Không chỉ là nơi quy tụ những cái tên đình đám nhất giới điện ảnh, lễ trao giải Oscar còn là nơi khán giả được thưởng thức những màn biểu diễn âm nhạc công phu, hoành tráng từ những nghệ sĩ tài năng.
Xem thêm: mth.87380500170802202-ol-gnohk-iougn-gnuhn-iav-nert-gnud-ecnoyeb/nv.ertiout