Về quê khởi nghiệp
Năm 2016, Trần Minh Vương (ở khu phố Giao Hội 2, P.Hoài Tân, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) vào TP.HCM làm cho một công ty tư nhân. Đến cuối năm, anh nhận ra rằng công việc của mình tuy đúng chuyên ngành đã học, có mức lương ổn định nhưng không thể tích lũy được nhiều để xây dựng cuộc sống. Sau nhiều ngày suy nghĩ để tìm hướng làm ăn mới, anh Vương quyết định về quê theo nghề nuôi cá cảnh.
“Tôi đam mê nuôi cá cảnh từ nhỏ. Khi đi làm ở TP.HCM, tôi tranh thủ lúc rảnh rỗi đi tìm hiểu các loại cá cảnh, trại nuôi cá cảnh… Khi từ TP.HCM về Bình Định, tôi cũng mua cá giống đem về nuôi trong thùng xốp. Gia đình và bạn bè hay tin tôi nghỉ việc về quê làm kinh tế bằng nghề nuôi cá cảnh đều bất ngờ, có người cho rằng đó là ý tưởng không tốt”, Vương kể.
Trại nuôi cá của anh Vương được xây dựng khá đơn giản HOÀNG TRỌNG |
Khởi đầu, Vương tạm nuôi trong thùng xốp rồi dùng số tiền dành dụm được khoảng 20 triệu đồng để đầu tư vào việc xây dựng trại nuôi cá. Sẵn đất vườn của gia đình, Vương đào các ao rồi lót bạt để thả nuôi cá cảnh. Tuy nhiên, lứa cá cảnh đầu tiên do lạ nước, lạ khí hậu và Vương chưa có kinh nghiệm nên cá chết dần. Vương tiếp tục đặt mua cá giống từ TP.HCM để nuôi nhưng lần này cá bị dịch bệnh cũng chết hết. Do hết vốn để tiếp tục đầu tư, lại bị cha mẹ la rầy nên Vương nản chí, định bỏ nghề nuôi cá để xin làm công nhân.
“Nhiều đêm trăn trở, nghĩ mình có bằng đại học, đi làm kế toán ở TP.HCM mà bây giờ về quê làm công nhân thì phụ lòng cha mẹ. Nhưng không có việc thì biết làm gì để sống? Tính đi tính lại rồi tôi quyết định tiếp tục theo đuổi nghề nuôi cá cảnh. Không dám mượn tiền của gia đình, tôi mượn của một người bạn thân đang lao động ở Nhật Bản. Cũng may, bạn động viên, cho mượn vốn 2 lần, nhờ đó mà tôi có vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn”, Vương nói.
Lứa cá thứ 3, Vương dùng gạch táp lô dựng thành hồ trên đất vườn rồi lót bạt để thả nuôi. Vương cũng che mát bên trên hồ để bạt không tiếp xúc với nắng liên tục dẫn đến dễ bị hỏng và cá cảnh cũng có bóng mát để sống. Theo Vương, dùng gạch táp lô để lắp hồ nuôi cá cảnh vừa tiết kiệm được chi phí lại tiện lợi khi di dời hay chia tách, gộp hồ… Ban đầu, Vương làm hồ lớn, nhưng trong quá trình nuôi mới nhận ra nếu làm hồ to, khi xảy ra dịch bệnh rất khó xử lý, dễ bị mất hết vốn nên chuyển sang làm các ô nhỏ, diện tích mỗi hồ khoảng 2 m2.
Vừa làm vừa khắc phục các hạn chế, tích lũy kinh nghiệm dần và đến năm 2019, các hồ cá của Vương bắt đầu cho thu nhập. Từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi tháng Vương lãi khoảng hơn 10 triệu đồng nhờ nghề nuôi cá cảnh. Không chỉ bán cá cảnh cho khách đến nhà để mua, Vương còn có các đơn hàng ổn định cho khách ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên.
Vương (bìa trái) trò chuyện với anh Phan Công Hoàng, Bí thư Đoàn phường Hoài Tân |
Thanh niên làm kinh tế giỏi
Hiện Vương đang nuôi ổn định khoảng 10.000 con cá cảnh các loại như: lia thia, cá xiêm, cá đuôi kiếm, cá hạt lựu, cá màu… trong 200 hồ lót bạt (mỗi hồ rộng 2 m2). Ngoài nuôi cá cảnh, Vương còn đang đầu tư trồng mai cảnh và nuôi trùn quế để lấy thức ăn cho cá. Vương cho biết để nuôi cá cảnh thành công cần chú ý vệ sinh hồ để tránh dịch bệnh, cụ thể là xử lý thức ăn thừa và phân cá. Đối với các hồ nuôi cá giống, cần phải mua thêm cá giống bên ngoài về để thay đổi nguồn gien, tránh sinh con cận huyết và nâng cao được chất lượng cá.
Theo anh Phan Công Hoàng, Bí thư Đoàn phường Hoài Tân, nhu cầu chơi cá cảnh ngày càng cao nên mô hình nuôi cá của Vương có đầu ra ổn định, đem lại nguồn thu đều đặn cho gia đình. Thời gian gần đây, nhiều đoàn viên, thanh niên ở các địa phương khác đến tham quan, giao lưu để tìm hiểu về mô hình, kỹ thuật nuôi cá cảnh của Vương.
“Vương là một trong những thanh niên được Hội Liên hiệp thanh niên TX.Hoài Nhơn tuyên dương là thanh niên làm kinh tế giỏi của thị xã vào tháng 3 vừa qua. Ngoài làm kinh tế, Vương còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội tại địa phương và được bầu làm Phó bí thư Đoàn thanh niên khu phố Giao Hội 2”, anh Hoàng cho biết.