Từ đây các hợp tác xã đã giới thiệu, quảng bá, giúp nâng tầm vị thế các mặt hàng nông sản, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân.
Năm 2018, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về vốn vay, các thủ tục hành chính, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã mạnh dạn liên kết các hộ sản xuất sản phẩm miến dong. Hàng chục hộ dân làm nghề sản xuất miến quy tụ lại để sản xuất theo dây truyền tiêu chuẩn VietGap và phấn đấu xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Sau 4 năm triển khai, đến nay mỗi năm Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư đã sản xuất được từ 250 - 300 tấn miến dong và sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao. Nhờ có tư cách pháp nhân là hợp tác xã, sản phẩm miến dong Bình Lư được tham gia triển lãm, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong nước và quốc tế, từng bước chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư cho biết, từ vùng dong riềng vài chục ha ban đầu, đến nay vùng nguyên liệu đã có hàng trăm ha. Việc liên kết sản xuất với các hộ dân đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất cũng như sản phẩm của đơn vị ngày càng lớn và đa dạng hơn. Mục tiêu của đơn vị thời gian tới phấn đấu nâng cấp thành sản phẩm OCOP 5 sao; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và có mặt tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu.
"Hợp tác xã liên tục được các cơ quan, chính quyền từ xã đến huyện, các ban ngành, đoàn thể giúp đỡ rất nhiều. Khi mới bắt đầu hoạt động, hợp tác xã còn nhiều bỡ ngỡ và trong quá trình hoạt động còn nhiều lúng túng, vì là mô hình các hộ dân liên kết với nhau. Thế nhưng trong quá trình sản xuất thu được rất nhiều thành tựu, các sản phẩm được khách hàng trong nước quan tâm rất nhiều; và năm 2020 được đánh giá là sản phẩm OCOP 3 sao, năm 2021 đạt giải Vàng nông nghiệp Toàn quốc, đầu năm 2022 thì đạt giải Nhất trong 5 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Lai Châu" - ông Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ.
Để các hợp tác xã trên địa bàn quy tụ được các hộ sản xuất riêng lẻ, những năm qua huyện Tam Đường đã phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đề xuất với cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Ông Nguyễn Cao Nguyên, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tam Đường cho biết, khi cán bộ công chức và nhân dân, thành viên hợp tác xã hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò, bản chất của kinh tế tập thể, từ đó họ sẽ quyết liệt cải cách hành chính, cạnh tranh công bằng để cùng phát triển. Cơ quan chuyên môn cũng tham mưu cho huyện vận dụng cơ chế, chính sách để hỗ trợ các hợp tác xã về các mặt tài chính, mặt bằng sản xuất, tiếp cận đất đai, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu…
"Trong 2 năm vừa qua dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Phòng đã tham mưu cho UBND huyện mỗi năm tổ chức được 2 buổi tiếp xúc giữ lãnh đạo huyện và các phòng, ban chuyên môn với các hợp tác xã trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Và các buổi tiếp xúc cũng mang lại các kết quả nhất định, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, nhất là việc tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vào đầu tư liên quan đến chính sách về đất đai" - ông Nguyễn nhấn mạnh.
Đến nay tỉnh Lai Châu có hơn 100 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó huyện Tam Đường có gần 50 hợp tác xã. Các hợp tác xã đã hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển thông qua các hoạt động đầu vào, đầu ra, hướng dẫn các hộ thành viên ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, các hợp tác xã trên địa bàn đã quy tụ được gần 500 thành viên, hàng năm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động. Cùng với đó, các hợp tác xã cũng đã xây dựng được gần 10 sản phẩm OCOP và đưa nhiều sản phẩm có giá trị ra thị trường như: miến dong, sơn tra, chè, cá nước lạnh và các loại gạo cao sản... Nhờ phát triển kinh tế hợp tác xã, nhiều hộ nông dân trên địa bàn không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ các ngành, nghề sản xuất của gia đình.
Theo ông Páo: "Huyện Tam Đường đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như là chè, vùng lúa chất lượng cao, một số vùng cây ăn quả ôn đới và tập trung triển khai thực hiện một số loại cây dược liệu dưới tán rừng. Và cho đến nay sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện thực hiện tương đối hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân; bình quân thu nhập đầu người năm 2022 này là 38 triệu đồng/người/năm. Đời sống của nhân dân thay đổi rất rõ rệt, số người có mức sống cao hơn đã mua các phương tiện tốt hơn như xe ô tô, để phục vụ cho công tác vận chuyển, cũng như phục vụ cho công tác thu hoạch mùa vụ".
Mô hình phát triển kinh tế tập thể - hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu là hướng đi đúng, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm và thu nhập cho bà con nông dân; góp phần nâng cao vị thế và giá trị nông sản trên thị trường, giúp địa phương thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Xem thêm: vov.688069tsop-gnouh-euq-nert-xth-hnih-om-ohn-uaig-mal-uahc-ial-nad-gnon/et-hnik/nv.vov