Không nhà cung cấp nào chủ động giảm giá
Anh Bảo - chủ một tiệm tạp hóa ở chợ Rạch Ông, Q.8, TPHCM - cho biết, giá dầu ăn, bột ngọt, đường, bột mì, bột bắp tăng mạnh khi giá xăng tăng, riêng giá dầu ăn tăng hơn 10.000 đồng/lít. Nhưng hiện nay, dù giá xăng giảm mấy lần, tổng cộng 7.000 đồng/lít, giá các mặt hàng trên vẫn không giảm.
“Khi giá hàng hóa đồng loạt tăng cao, chúng tôi thắc mắc thì nhà cung cấp (NCC) nói do giá xăng dầu tăng khiến cước phí vận chuyển tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng. Nhưng hiện nay, giá xăng dầu đã giảm bốn lần, NCC vẫn không giảm giá sản phẩm với lý do giá nguyên liệu còn cao, lương nhân công tăng” - anh Bảo cho hay.
Nhiều mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị đã tăng giá do giá xăng dầu tăng trước đây hiện vẫn chưa giảm giá - ẢNH: N.C |
Đại diện một số hệ thống siêu thị cho biết rất sốt ruột trước việc các NCC hiện vẫn chưa chịu điều chỉnh giảm giá. Khi giá xăng dầu tăng, siêu thị được NCC đề nghị tăng giá sản phẩm, mức tăng từ 5 - 30% tùy nhóm sản phẩm nhưng khi giá xăng dầu giảm mạnh, siêu thị yêu cầu NCC giảm giá sản phẩm thì NCC chưa đồng ý. Theo ông Lê Hữu Tình - đại diện hệ thống siêu thị Emart - không có NCC nào chủ động giảm giá sản phẩm. Siêu thị chủ động yêu cầu NCC giảm giá nhưng NCC viện cớ giá nhiên liệu giảm chưa đủ nhiều, phí vận chuyển, kho bãi cũng không giảm, giá nguyên liệu sản xuất tăng, giá thức ăn gia súc, phân bón tăng nên chưa thể giảm giá sản phẩm. Giải pháp trước mắt là siêu thị và NCC đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - cho biết, tập đoàn này đang thảo luận với các NCC để điều chỉnh giá đối với những mặt hàng thời gian qua chịu tác động lớn từ giá xăng dầu. Song song đó, siêu thị cũng giảm giá thịt tươi, cá tươi, rau củ quả.
Vì sao không giảm?
Bà Huỳnh Phương Trinh - Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh Bột Quốc Tế (Intermix) - cho rằng, có những loại nguyên liệu nhập khẩu tăng giá đến 50% nhưng trước đó, công ty chỉ tăng giá sản phẩm 15% và không thể giảm giá bởi giá nguyên liệu bột mì, bột bắp, đường, bột ngọt đều đã đồng loạt tăng cao và đang tăng tiếp. NCC nước ngoài vừa thông báo tăng giá tiếp đối với bột bắp từ 25.000 đồng/kg lên 38.000 đồng/kg, áp dụng trong quý III/2022.
“NCC cho biết, do tác động của chiến tranh Nga - Ukraine, châu Âu không xuất khẩu nhiều hàng khiến nguyên liệu khan hiếm, giá cao. Giá tiền công cũng tăng, bình quân từ 210.000 đồng/ngày lên 250.000 đồng/ngày. Chi phí đầu vào vẫn tăng cao nên công ty chưa thể giảm giá sản phẩm” - bà Trinh nói.
Theo ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - thời gian qua, doanh nghiệp chịu nhiều áp lực do chi phí đầu vào tăng cao, giá xăng liên tục tăng. Một số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường còn chấp nhận lỗ để đảm bảo giá hàng hóa cung ứng ra thị trường bình ổn. Giá hàng hóa phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó xăng dầu chỉ là một yếu tố đầu vào nên giá xăng giảm chưa thể khiến giá hàng hóa giảm ngay.
“Các doanh nghiệp thành viên FFA chịu nhiều sức ép từ việc tăng giá nguyên liệu và chi phí đầu vào. Lương nhân công, chi phí điện, nước, vận chuyển vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đặc biệt, việc cung ứng một số nguyên liệu, hàng nhập khẩu còn bị gián đoạn, giá tăng, chi phí vận chuyển quốc tế cũng tăng từ 5 - 15 lần tùy vùng. Sau dịch, việc nuôi trồng trong nước chưa ổn định dẫn tới tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất lương thực, thực phẩm ở một số thời điểm. Do đó, doanh nghiệp rất khó giảm giá sản phẩm” - ông Trương Tiến Dũng lý giải.
Theo chuyên gia thị trường Hoàng Trọng - Cố vấn cao cấp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - giá xăng dầu chỉ chiếm một phần trong cơ cấu giá thành sản phẩm và chủ yếu tác động đến loại hàng hóa có trọng lượng nặng, cự ly vận chuyển xa. Hiện nay, giá xăng dầu giảm nhưng giá các yếu tố đầu vào khác chưa giảm. Thêm nữa, trước đó, sức mua yếu, nhiều nhà sản xuất không dám tăng giá sản phẩm, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ thị phần. Nếu bây giờ giảm giá, doanh nghiệp sẽ giảm lời, không có động lực để sản xuất. Chỉ có cách các nhà phân phối, bán lẻ giảm bớt chiết khấu, cùng chung tay với nhà sản xuất giảm giá sản phẩm.
Trong buổi tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm - Thực trạng và giải pháp” trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cách đây ít ngày, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, khi giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp cũng không giảm ngay giá các mặt hàng có liên quan bởi họ lo rằng, sau này tăng giá lên sẽ cực kỳ khó: “Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng được. Lẽ ra, chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”. Ông cho rằng, các cơ quan chức năng phải có biện pháp can thiệp, điều chỉnh kịp thời, không để người dân cảm thấy nản lòng.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.1500741a-maig-aoh-gnah-aig-ohc-tour-tos/nv.moc.enilnounuhp.www