Hệ thống đánh chặn Vòm sắt của Israel khai hỏa để bắn hạ các rocket bắn về phía Jerusalem vào ngày 7-8 - Ảnh: Reuters
Động thái trên cũng đẩy cuộc xung đột leo thang lên mức mới.
Bất chấp quân đội Israel tuyên bố toàn bộ "ban lãnh đạo cấp cao lực lượng vũ trang PIJ ở Gaza đã bị vô hiệu hóa", Thủ tướng Israel Yair Lapid tuyên bố các chiến dịch không kích sẽ tiếp tục cho đến khi cần thiết.
Không có lằn ranh đỏ nào trong cuộc chiến này, và Tel Aviv cũng như tất cả các thành phố của Israel sẽ rơi vào tầm ngắm của tên lửa và rocket từ PIJ.
Thủ lĩnh tối cao của PIJ Ziyad al-Nakhalah tuyên bố hôm 6-8
PIJ là ai?
Xung đột hiện tại bắt đầu khi Israel bắt giữ một thành viên của PIJ dẫn tới sự tức giận của tổ chức này. Cáo buộc PIJ đang lên kế hoạch tấn công hàng loạt mục tiêu ở Israel để trả đũa vụ bắt giữ, Israel đã chủ động tấn công phủ đầu.
Sau khi những trái bom đầu tiên rơi xuống Gaza vào ngày 5-8, Thủ tướng Israel Yair Lapid đã lên sóng truyền hình mô tả PIJ là "một nhóm ủy nhiệm của Iran đang tiêu diệt Nhà nước Israel".
Mặc dù không có tên lửa tầm xa như Hamas - một tổ chức cũng của người Palestine và đang kiểm soát phần lớn Dải Gaza, PIJ có một kho vũ khí đáng kể gồm vũ khí cỡ nhỏ, súng cối, rocket và tên lửa chống tăng. Cánh tay sắt của PIJ là Lữ đoàn al-Quds hay Lữ đoàn Jerusalem được cho là đã tấn công nhiều người Israel suốt mấy năm qua.
"PIJ nổi tiếng vì là nhóm phản đối tiến trình hòa bình và cách tiếp cận đàm phán với Israel. Tổ chức này cũng tiến hành đấu tranh vũ trang chống lại sự chiếm đóng của Israel như Hamas.
PIJ là một đồng minh rất thân thiết với Iran và mối liên hệ đó có thể là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc tấn công của Israel" - học giả Ibrahim Fraihat từ Viện Doha giải thích với Đài Al Jazeera.
PIJ và Hamas có chung thái độ thù địch với Israel, chia sẻ khát vọng đã trở thành ý thức hệ của họ là thành lập một Nhà nước Hồi giáo Palestine. Nhưng hai nhóm này có những bản sắc khác biệt.
Trong khi các nhà lãnh đạo Hamas có những tuyên bố ngày càng dịu đi khi nói về mục tiêu việc hủy diệt Israel, PIJ nhỏ hơn đã không có động thái nào như vậy và bác bỏ bất kỳ thỏa hiệp nào với Israel.
Rất khó để đưa ra số liệu cập nhật về sức mạnh của PIJ, với ước tính từ năm ngoái là từ khoảng 1.000 đến vài nghìn, theo World Factbook của CIA. Mặc dù có quy mô nhỏ nhưng không trận đánh nào chống Israel mà không có mặt PIJ, theo Hãng tin Reuters.
Cũng giống như Hamas, PIJ bị phương Tây liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Lãnh đạo PIJ Ziyad al-Nakhalah được cho là đã gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào ngày Israel phát động không kích (hôm 5-8).
Tuy nhiên, không giống như Hamas, PIJ không có tham vọng chính trị khi từ chối tham gia bầu cử để trở thành một thế lực kiểm soát chính quyền Dải Gaza.
Nguy cơ leo thang
Người đứng đầu lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vừa tuyên bố Palestine "không đơn độc" trong cuộc chiến chống lại Israel hôm 6-8 thì ngay ngày hôm sau rocket đã rơi xuống đất Israel đang kiểm soát. PIJ tuyên bố việc bắn vào Jerusalem là nhằm trả đũa chuyện Israel đã giết Khaled Mansour, chỉ huy của họ ở miền nam Gaza vào đêm trước đó.
Cho đến thời điểm hiện tại, Hamas vẫn đang đứng ngoài cuộc do Israel chỉ mới tấn công các mục tiêu của PIJ.
"Nếu Hamas nhảy vào, nó sẽ thay đổi hoàn toàn tình hình mà chúng ta đang có vào thời điểm hiện tại" - ông Zvika Haimovich, cựu chỉ huy lực lượng phòng không Israel và đã từng tham chiến ở Dải Gaza, nêu nhận định với Reuters.
Một lo ngại khác chính là sự can thiệp hỗ trợ từ Tehran như đã hứa. Mặc dù Iran xem Israel là kẻ thù không đội trời chung, việc có cung cấp vũ khí cho PIJ lần này vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Israel Gideon Saar - một thành viên có quyền quyết định trong nhóm an ninh của nội các Israel, hàng trăm quả rocket mà PIJ đã bắn ngày 7-8 là lý do khiến chiến dịch không kích Gaza sẽ tiếp tục. "Nếu PIJ muốn kéo dài chiến dịch của Israel, họ chắc chắn sẽ phải hối tiếc", ông Gideon Saar cảnh báo.
Phản ứng của quốc tế trước các đợt không kích của Israel là rất khác nhau. Trong khi Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng, Washington cũng đồng thời tuyên bố Tel Aviv có quyền tự vệ chính đáng - một tuyên bố thể hiện sự ủng hộ chiến dịch không kích Dải Gaza. Hầu hết các nước phương Tây khác cũng đưa ra tuyên bố tương tự có lợi cho Israel.
Các nước trong khối Ả Rập thì đứng về phía Palestine, trong đó Saudi Arabia lên án "các cuộc tấn công mà lực lượng chiếm đóng Israel đã thực hiện trên Dải Gaza".
Riyadh cũng tuyên bố sẽ sát cánh với "người dân Palestine anh em" và kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp ngăn chặn leo thang. Ai Cập, nước trong khối Ả Rập có truyền thống trung gian hòa giải cho Israel và các lực lượng Palestine, cho biết đang "làm việc suốt ngày đêm" để xoa dịu tình hình.
31
Tính đến chiều 7-8, số liệu cập nhật từ các cơ quan y tế tại khu vực PIJ kiểm soát ở Gaza cho biết có 6 trẻ em nằm trong số 31 người thiệt mạng kể từ khi Israel bắt đầu tấn công vào ngày 5-8, ngoài ra còn có 253 người bị thương.
TTO - Theo Hãng tin Reuters, ngày 6-8, cuộc giao tranh tại Dải Gaza bước vào ngày thứ hai khi quân đội Israel tiếp tục không kích vào dải đất này, còn các chiến binh Palestine trả đũa bằng cách bắn rocket vào các thành phố của Israel.
Xem thêm: mth.36374408080802202-azag-iad-o-gnaht-oel-tod-gnux/nv.ertiout