Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Ngày 8-8, phát biểu tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ tịch ủy ban, cơ bản thống nhất với những đánh giá về kết quả đạt được song cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế.
Theo đó nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số.
Trong 27 nhiệm vụ cụ thể giao các bộ, ngành, địa phương tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có 15 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, 12 nhiệm vụ cần tiếp tục hoàn thành.
Công tác xây dựng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm.
Hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ; tốc độ mạng băng rộng cố định, di động tuy có tăng nhưng vẫn ở mức trung bình khá của thế giới, chưa tạo bước đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt.
Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số.
Tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất (người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%; năm 2021 đạt 9,51%; 7 tháng năm 2022 mới đạt gần 18%).
An toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp...
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng lớn, theo đó, chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả...
Tránh mọi tư duy "cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu", các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công cùng nhau hướng đến mục tiêu phục vụ tốt nhất cho nhân dân.
Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, "không đánh trống bỏ dùi".
Thủ tướng cũng yêu cầu không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều nhưng người dân sử dụng ít (mới gần 18%), hiệu quả không cao; các nền tảng nhiều, cơ sở dữ liệu lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, vướng mắc phát sinh, không chậm trễ.
Cạnh đó Bộ Thông tin và truyền thông khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tới.
Bộ Giáo dục và đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và lựa chọn thí điểm mô hình tại 5 trường đại học trước ngày 30-8.
Nghiên cứu thúc đẩy thành lập khoa mới, chuyên ngành đào tạo mới hoặc cập nhật, bổ sung vào chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng theo hàm lượng phù hợp tại các trường đại học, cơ sở giáo dục.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ Tài nguyên và môi trường khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp...
TTO - Ngày 15-8, gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo quyết định 08 (6.600 tỉ đồng) sẽ ngừng nhận hồ sơ đề nghị. Thủ tướng cũng yêu cầu giải ngân xong trong tháng 8. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng nơi nhanh, nơi chậm, thậm chí chưa chi tiền.