Ngày 8-8, thông tin từ UBKT Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc CDC tỉnh Yên Bái bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Y tế nhiệm kỳ 2020-2025 và Ủy viên Ban Chấp hành Chi bộ CDC tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020-2022.
Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái Nguyễn Văn Hà (giữa) khi còn phụ trách CDC Yên Bái. Ảnh: BYB |
Ông Hà bị xác định vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ông là người chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu đối với khuyết điểm, vi phạm của Chi bộ và CDC tỉnh Yên Bái và chịu trách nhiệm trực tiếp với khuyết điểm, vi phạm đã được UBKT Tỉnh ủy chỉ ra.
+ Tại Trà Vinh, Tỉnh ủy tỉnh này cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh.
Ngoài ông Kha, UBKT Tỉnh ủy Trà Vinh cũng quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh bằng hình thức cảnh cáo.
Hai ông Kha và Phước bị xác định có những vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, thiếu kiểm tra để cấp dưới vi phạm trong đấu thầu mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng đó, thiếu sâu sát trong quản lý để một số đảng viên, công chức, viên chức tự ý nhận tiền của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á trái với quy định của Đảng và Nhà nước dẫn đến bị khởi tố, bắt tạm giam; để tổ chức đảng trực thuộc vi phạm bị xử lý kỷ luật gây dư luận xấu.
Sau khi được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) thông đồng với lãnh đạo các đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá bán lên mức 470.000 đồng/kit xét nghiệm.
Công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Trong đó, giá kit xét nghiệm được nâng khống khoảng 45%, giúp công ty Việt Á thu về số tiền hơn 500 tỉ đồng.
Đặc biệt, công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho các “đối tác” với số tiền lên tới gần 800 tỉ đồng. Đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố khoảng 80 bị can. Trong số này, nhiều người là cán bộ cấp cao của Bộ Y tế, Bộ KH&CN hoặc CDC các địa phương.