vĐồng tin tức tài chính 365

Cuộc sống ở nơi lạm phát hơn 60%

2022-08-09 13:51

Eduardo Rabuffetti sinh ra và lớn lên tại Argentina. Ông mới đến Mỹ một lần năm 1999 để nghỉ tuần trăng mật. Tuy nhiên, ông còn biết rõ tờ 100 USD hơn hầu hết người Mỹ.

Rabuffetti - giám đốc một hãng bất động sản - chỉ cần chạm vào là biết tiền giả hay thật. Ông cũng có thể mô tả chính xác tờ 100 USD trông như thế nào. Thỉnh thoảng, ông còn đi dọc các con phố ở Buenos Aires với hàng chục nghìn USD giắt túi. Số tiền đó để mua đất xây tháp văn phòng.

"Ở đây phải có tiền mặt. Nếu không, anh sẽ không ký được gì hết. Sau khi trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, có thể nói anh đã quen với điều này rồi", ông nói.

Không chỉ Rabuffetti, gần như mọi khoản mua sắm lớn ở Argentina - nhà, đất, xe, tác phẩm nghệ thuật đắt đỏ - đều được giao dịch bằng tiền giấy USD. Người Argentina để USD trong quần áo cũ, cất dưới sàn nhà hay két sắt.

USD được ưa chuộng tại đây khi đồng peso nước này ngày càng mất giá, đặc biệt trong tháng qua. Một năm trước, 180 peso có thể đổi được 1 USD trên thị trường chợ đen. Còn giờ nó lên tới 298 peso. Khi peso lao dốc, giá cả cũng tăng theo. Lạm phát tại đây đã lên 64% và được dự báo chạm 90% vào tháng 12.

Eduardo Rabuffetti là giám đốc một hãng bất động sản ở Argentina. Ảnh: NYT

Eduardo Rabuffetti là giám đốc một hãng bất động sản ở Argentina. Ảnh: NYT

Đây là một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất nhiều thập kỷ tại Argentina. Dù cả thế giới đều đang đối mặt với lạm phát, có lẽ không nền kinh tế lớn nào biết cách sống chung với lạm phát hơn Argentina.

50 năm qua, Argentina thường xuyên vật lộn với giá cả tăng. Cuối thập niên 80, lạm phát tại đây lên tới mức không tưởng là 3.000%. Còn hiện tại, từ năm 2008, quốc gia này ghi nhận lạm phát trên 30% mỗi năm.

Người Argentina tiêu peso ngay khi nhận được. Họ không tin ngân hàng, hiếm khi dùng thẻ tín dụng. Và sau nhiều năm lạm phát, họ cũng quên luôn việc giá cả mọi thứ lẽ ra nên ở mức nào.

Khi mức lương của nhiều công việc tăng gần 50% một năm, các chủ nhà cũng tăng giá thuê ở mức tương tự. Hàng triệu người Argentina tìm đến thị trường chợ đen để lách luật mua USD của chính phủ.

Ở các khu vực giàu có, việc xây dựng vẫn bùng nổ. Các nhà hàng, quán bar vẫn chật kín khách. Anchoita - một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Buenos Aires - có danh sách đặt chỗ kéo dài đến đầu năm sau.

Tuy nhiên, ở những vùng nghèo hơn, người dân phải thu gom phế liệu để bán lấy tiền mua thực phẩm. Họ thậm chí trao đổi đồ dùng cũ với nhau, để tránh phải dùng đồng peso. Những người này không được tăng lương, cũng chẳng có tiền dư để mua USD. Cuộc sống của họ vì thế càng chật vật khi giá sinh hoạt đắt đỏ. Khoảng 37% người Argentina hiện sống trong mức nghèo khổ, tăng so với 30% năm 2016.

Hôm 2/7, Bộ trưởng Kinh tế Argentina từ chức. Trong vòng 26 ngày sau đó, đồng peso mất giá thêm 26%. Tổng thống Alberto Fernández tiếp tục sa thải bộ trưởng mới. Đây là lần thứ 21 một bộ trưởng kinh tế của Argentina bị sa thải khi nhậm chức chưa đầy 2 tháng.

Lạm phát hiện tại ở Argentina cũng có cùng nguyên nhân với thế giới. Đó là chiến sự tại Ukraine, căng thẳng chuỗi cung ứng và chi tiêu công tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cho rằng vấn đề còn nằm ở chính nước này. Quốc gia này đang chi nhiều hơn thu. Y tế, giáo dục, năng lượng, dịch vụ công ở đây được trợ giá mạnh tay hoặc miễn phí. Vì thế, để bù đắp thiếu hụt, họ lại tăng in peso.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cho Argentina vay 44 tỷ USD. Cơ quan này đã đề nghị chính phủ Argentina giảm thâm hụt và áp dụng các chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa đã có bước đi mạnh tay khi cam kết sẽ không in thêm tiền để chi tiêu công.

Nhiều người Argentina thì chỉ hy vọng sự việc không tệ như năm 2001. Khi đó, nhà đầu tư ngoại cho rằng peso có giá thấp hơn nhiều so với tỷ giá chính thức. Người dân thì đổ đến các ngân hàng để rút tiền. Chính phủ đã chặn việc rút ra, rồi sau đó bất ngờ hạ giá nội tệ, khiến tiền tiết kiệm của người dân bốc hơi đáng kể.

Tháng trước, hàng nghìn người Argentina đã đổ ra đường biểu tình vì lạm phát. Tuần trước, Ana Mabel bán kẹo lạc với giá 150 peso mỗi gói. Nhưng giờ cô phải tăng lên 200 mà vẫn không đủ theo kịp tốc độ lạm phát. Mọi nguyên liệu cô cần đều đắt đỏ hơn trong vài tuần qua, từ lạc, đường, dầu ăn, túi nilon... Cô nuôi 5 đứa con và lần đầu tiên trong đời phải vay nợ.

"Chẳng có ai điều hành giá cả", cô cho biết, "Chính phủ không muốn, doanh nhân không muốn. Và tất cả rơi vào đầu chúng tôi".

Với người Argentina, câu chuyện này chẳng xa lạ. Năm 2017, giá cả từng tăng đến mức tiền mệnh giá lớn nhất của nước này phải tăng gấp đôi, lên 1.000 peso. Giờ tờ tiền này chỉ còn tương đương 3,45 USD, tương đương một chiếc hamburger. Giá một iPhone ở đây có thể lên hơn 1 triệu peso.

Nhiều người đã mất khái niệm về giá trị. Thực đơn thường xuyên được chỉnh sửa. Đồng hồ trên taxi cũng phải thay đổi. Mác giá thì luôn hết ‘đát’.

Oscar Benitez (trái) trong cửa hàng của mình. Ảnh: NYT

Oscar Benitez (trái) trong cửa hàng của mình. Ảnh: NYT

Oscar Benitez có một cửa hàng tạp hóa, bán hơn 80.000 loại hàng hóa khác nhau. Dù vậy, ông gần như không biết giá của chúng, vì nhà cung cấp cứ vài ngày lại thay đổi. Benitez vì thế cũng không dán giá lên sản phẩm nữa.

Chỉ vào một chiếc kéo, ông cho biết nhà cung cấp báo giá chúng là 600 peso. "Một tháng trước, nó chỉ là 400 peso. Còn năm ngoái là 120 peso".

Giá biến động nhiều đến mức vài tuần gần đây, nhiều công ty đã dừng bán hàng để theo dõi tình hình. Việc này khiến nhiều sản phẩm khan hiếm, từ dầu ăn đến phụ tùng xe hơi. Nông dân cũng dừng bán lúa mỳ và đậu tương để chờ giá tăng. Việc này khiến quốc gia xuất khẩu như Argentina thiệt thòi khi cơn sốt hàng hóa toàn cầu đang bùng nổ.

Ignacio Jauand (34 tuổi) mua mọi thứ bằng trả góp, từ giường, quần áo, máy chơi game đến dao gọt khoai tây. Jauand đủ tiền để mua, nhưng anh cho rằng giá peso sẽ giảm. Nếu đúng, các khoản trả góp cuối cùng của anh sẽ có giá trị rất thấp. "Khoản trả góp mua TV và tủ lạnh cuối cùng của tôi chỉ tương đương 2-3 combo của McDonald’s", anh nói, "Mua đồ cũng là cách đối phó lạm phát".

Ngân hàng Trung ương Argentina ước tính các hộ gia đình và công ty phi tài chính nước này sở hữu hơn 230 tỷ USD tài sản tài chính nước ngoài, chủ yếu bằng USD. Phần lớn tiền để trong các tài khoản ngân hàng quốc tế, một số trong két sắt và các nơi khác rải rác trên cả nước.

Việc này không tốt với peso, khiến chính phủ quyết định người dân chỉ được mua 200 USD mỗi tháng. Tỷ giá chính thức hiện là 130 peso một USD. Tuy nhiên, tỷ giá trên chợ đen hiện đã lên 300 peso.

Khi nội tệ mất giá, người nghèo tại Argentina càng chật vật. Silvina López (37 tuổi) cần bỉm cho đứa con mới chào đời. Tuy nhiên, sau một cơn đột quỵ, cô hỏng một mắt và không thể làm việc. Chồng cô là công nhân xây dựng, chỉ đi làm được vào ngày nắng. Tuy nhiên, mức lương chỉ 7 USD mỗi ngày không đủ chi tiêu khi giá cả tăng.

López cũng không cần peso. Thay vào đó, cô mang các hộp sữa bột được chính phủ phát để đổi lấy bỉm. Ở góc phố, một phụ nữ đang bày biện hàng hóa để trao đổi. López đã lấy bỉm, đường và bánh quy. "Cả gia đình tôi đều đến đây", López nói, "Họ cũng có con nhỏ mà".

Trong đợt suy thoái năm 2001, khoảng 500.000 người Argentina đã tham gia vào các "câu lạc bộ trao đổi" để đổi hàng hóa. Mô hình này sau đó dần biến nhất, nhưng gần đây, khi lạm phát tăng tốc trở lại, chúng đã tái xuất.

Credito được sử dụng trong các câu lạc bộ đổi hàng. Ảnh: NYT

Credito được sử dụng trong các câu lạc bộ đổi hàng. Ảnh: NYT

Một ngày chủ nhật gần đây, khoảng 100 người tụ tập tại một câu lạc bộ, mang theo quần áo cũ, đồ dọn vệ sinh, pizza tự làm, thuốc trừ sâu, bánh nướng,...Để thực hiện việc trao đổi, họ dùng crédito - tiền tệ riêng của câu lạc bộ này, được in trên giấy trắng. Họ nói rằng thích crédito hơn là peso.

Đến giữa buổi, Karina Sanchez - người tổ chức - thông báo họ sẽ đổi crédito cũ, mệnh giá thấp sang loại mới, mệnh giá cao hơn. Những crédito cũ nhất có giá chỉ 0,5. Nhưng năm ngoái, họ đã phải ra mắt các tờ 1.000 crédito. Sanchez thừa nhận chính crédito cũng đang trải qua lạm phát.

Hà Thu (theo New York Times)

Xem thêm: lmth.6747944-06-noh-tahp-mal-ion-o-gnos-couc/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cuộc sống ở nơi lạm phát hơn 60%”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools