Theo hãng tin Bloomberg, câu chuyện Mark Zuckerberg than nghèo kể khổ trước việc Facebook đã đánh mất thời hoàng kim cũng như sự trỗi dậy của những kẻ thù tiềm tàng như Tiktok đã không còn xa lạ. Thế nhưng có thật sự là Facebook đang lâm vào cảnh khó khăn như vậy hay đây chỉ là chiêu trò tạo động lực cho nhân viên?
Báo cáo kết quả kinh doanh quý gần nhất cho thấy doanh thu của Facebook dù giảm nhưng rất nhẹ, chỉ 1% so với cùng kỳ năm trước và vẫn cao hơn 70% so với quý II/2019. Công ty mẹ Meta vẫn thu về 29 tỷ USD doanh thu và đạt 7 tỷ USD lợi nhuận, một con số khiến bất kỳ mạng xã hội nào cũng phải mơ ước.
Xin được nhắc là những trang mạng xã hội như Snap chỉ có 1 tỷ USD doanh thu quý gần nhất với hơn 400 triệu USD thu lỗ. Pinterest thì chỉ có doanh thu bằng một nửa Snap và đang có khủng hoảng nội bộ với chính CEO của mình. Twitter thì bận kiện tụng với tỷ phú Elon Musk và chẳng có thời gian để phát triển những cái mới.
Về phía Tiktok, đúng là mạng xã hội này đang bùng nổ nhanh chóng, đe dọa đến vị thế của Meta nhưng cái bóng của Facebook là quá lớn để có thể vượt qua trong thời gian ngắn. Theo Bloomberg, đúng là Tiktok thu hút người dùng, nhất là giới trẻ nhưng mạng xã hội này lại gặp thách thức để biến sự hứng thú đó thành lợi nhuận như Facebook từng làm.
Doanh thu năm 2021 của Tiktok chỉ vào khoảng 4 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với 117 tỷ USD của Meta. Nhiều chuyên gia nhận định hiện Tiktok chỉ là đối thủ vô cùng nhỏ bé so với Facebook nếu so sánh về khả năng kiếm tiền.
Hãng tin Bloomberg thậm chí nhận định đứa con tinh thần của tỷ phú Mark Zuckerberg đang là mạng xã hội kiếm tiền tốt nhất thế giới trong lĩnh vực của mình. Doanh thu bình quân đầu người của Facebook tại Bắc Mỹ đã vượt 50 USD/người trong quý II/2022. Con số này của Pinterest, Twitter và Snap được báo cáo là 6 USD/người.
Trong khi đó, Tiktok thì chẳng đề cập đến chỉ số này và được dự đoán là do kết quả quá kém, cần nhiều cố gắng hơn nên chưa thể công khai.
Theo Bloomberg, dù kết quả kinh doanh của Meta có không bùng nổ thì họ cũng đang ở chiếu trên trong cuộc chiến với Tiktok. Trên thực tế, việc doanh thu sụt giảm cũng một phần là do công ty chuyển đầu tư từ mảng sinh lời sang lĩnh vực ít lợi nhuận hơn, không phải sân nhà như Reel để cạnh tranh với Tiktok.
Nhiều chuyên gia nhận định dù Reel chưa thực sự thành công nhưng với nguồn lực hùng hậu của mình, việc Facebook tìm ra phương án đối phó với Tiktok chỉ còn là vấn đề thời gian.
Rất rõ ràng, Facebook sẽ không "chết" trong tức tưởi, không rõ vì sao mình thất bại như Nokia khi Mark Zuckerberg nhận thức được đối thủ của mình là ai. Bởi vậy Facebook đã sớm đầu tư vào những công nghệ mới như vũ trụ ảo, cũng như tạo ra bầu không khí áp lực cho nhân viên dù họ vẫn lợi nhuận rất lớn và có tầm ảnh hưởng hơn rất nhiều so với các đối thủ.
Than nghèo kể khổ
Đại dịch Covid-19 khiến Facebook ăn nên làm ra khi mọi người bị giãn cách ở nhà và chẳng có nhiều thứ để làm ngoài lướt mạng. Trong quý II/2019, tăng trưởng doanh thu của Facebook lên tới 28%.
Thế nhưng năm 2022, nhà sáng lập Mark Zuckerberg lại cảnh báo công ty đang trải qua "đợt suy giảm tồi tệ nhất lịch sử" khi báo cáo kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng do sự trỗi dậy của các đối thủ như Tiktok.
Những lời than vãn của Mark Zuckerberg đã khiến nhiều người lo lắng khi nền kinh tế mở cửa và người dân quay lại với những gian hàng truyền thống thay vì mua sắm online. Thế rồi việc Apple thay đổi quy định khiến Meta thiệt hại 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo mỗi năm.
Tồi tệ hơn, bất kể Mark Zuckerberg có đưa ra ý tưởng gì thì câu chuyện Facebook không còn đủ sức hấp dẫn với giới trẻ như xưa đã là sự thật. Ngay cả Instagram cũng đang khó duy trì được sức hút trước sự cạnh tranh của vô vàn các ứng dụng mới. Nhiều dịch vụ mới ra mắt của Facebook như Reel được cho chỉ là bản sao của Tiktok mà chẳng có sự đột phá nào.
Trước những lời than vãn của nhà sáng lập Facebook, cổ phiếu công ty giảm tới 50% trong tháng 2/2022 và nhiều người đã nói đến sự sụp đổ của một đế chế.
Thế nhưng, không ai lưu ý rằng Facebook vẫn đang là nền tảng mạng xã hội lớn nhất trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay với khoảng 3 tỷ người dùng thường xuyên mỗi ngày. Với đế chế đồ sộ như vậy, việc giữ được tăng trưởng nóng là điều không dễ dàng, cũng như việc sụp đổ chỉ là lời nói viễn vông nếu không thực sự có một yếu tố tác động mạnh nào đó.
Theo Bloomberg, mạng xã hội Facebook trên thực tế đã không còn mới mẻ với giới trẻ từ 1 thập niên qua và chắc chắn Mark Zuckerberg cũng nhận ra điều đó từ lâu. Bởi vậy, công ty đã thực hiện hàng loạt chiến lược mua lại, thậm chí bắt chiếc những dịch vụ của đối thủ để giữ vị thế.
Facebook đã mua lại Instagram khi giới sinh viên đã quá nhàm chán với bảng thông bảo của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Thế rồi họ tiếp tục mua WhatsApp để tấn công thị trường giao lưu trực tuyến cá nhân. Sau đó là hàng loạt những ứng dụng, dịch vụ sao chép đối thủ mỗi khi họ nhận ra người dùng có xu thế mới.
Nếu không tính Trung Quốc, Facebook hiện là thế lực mạng xã hội lớn nhất, thâu tóm rất nhiều công ty cùng ngành. Tầm ảnh hưởng của nó lớn đến mức được cho là gây tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 cũng như gián tiếp lan truyền sự bạo lực, tin đồn nhảm cùng nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội khác.
Đúng là Facebook đang chững lại và Tiktok đang trỗi dậy, thế nhưng đế chế của Mark Zuckerberg không yếu ớt đến như vậy và những lời than nghèo kể khổ của nhà sáng lập này chưa chắc đã chỉ là lời than vãn.
*Nguồn: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/08/1459488.htmBăng Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.41564130190802202-nod-iol-uhn-nahk-ohk-us-cuht-gnohk-koobecaf/nv.zibefac