Một nhà khách thuộc quản lý sử dụng của Công đoàn - Ảnh: CÔNG ĐOÀN
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về tăng cường sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn đề nghị liên đoàn lao động các tỉnh thành, công đoàn ngành và tương đương, doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp thuộc Công đoàn chỉ đạo việc lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp, xử lý đối với nhà, đất công đang quản lý, sử dụng để gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có).
Từ báo cáo, Công đoàn Việt Nam và các bên lập phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất, đồng thời tổ chức kiểm tra hiện trạng, lấy ý kiến địa phương; phê duyệt theo thẩm quyền hoặc báo cáo để Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gửi Bộ Tài chính phê duyệt.
Trường hợp đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng thì khẩn trương lập phương án xử lý, kiểm tra hiện trạng hoặc phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, lấy ý kiến địa phương, cơ quan liên quan, phê duyệt theo thẩm quyền. Trường hợp phát sinh thì báo cáo Công đoàn Việt Nam tổng hợp, gửi Bộ Tài chính phê duyệt.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo hình thức, thời hạn, thủ tục theo quy định, nhất là các cơ sở dôi dư, tránh việc bỏ trống, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
Trước đó, ngày 5-8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tổ chức Công đoàn.
Hiện Tổng liên đoàn Việt Nam phải sắp xếp, xử lý trên 500 cơ sở nhà, đất công trên toàn quốc, vướng mắc lớn nhất tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động nêu khó khăn, vướng mắc, kiến nghị tới Bộ Tài chính như tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô; chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty cổ phần của doanh nghiệp thuộc tổ chức Công đoàn; sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; cấp thêm vốn để tăng vốn điều lệ cho các công ty của tổ chức Công đoàn…
Ghi nhận ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính là tháo gỡ các vướng mắc của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, vướng đến đâu gỡ đến đó.
TTO - Hơn 4 năm qua, TP.HCM không thu được khoản nào từ việc thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị trung ương ở TP. Vì vậy, TP cũng chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội.