Thực tế này được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại phiên họp thứ 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/8 về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (đợt 3). Số liệu của Bộ này cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 7 đạt gần 34,5%, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước thực trạng này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi vì sao việc phân bổ vốn chậm và đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này.
Giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói giải ngân vốn chậm vẫn diễn ra 7-8 năm nay nhưng năm 2022 có nhiều điểm đặc biệt.
Ông cho biết, năm nay là năm thứ hai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng trong năm đầu, kế hoạch tới tháng 7/2021 mới thông qua nên việc triển khai thực chất bắt đầu từ đầu năm 2022 tới nay nên chậm.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Dũng, hiện tâm lý các địa phương đều rất e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... dẫn đến chậm hơn so với yêu cầu. "Một số nơi không dám làm, ảnh hưởng tới tiến độ nói chung", ông Dũng nêu.
Từ đầu năm tới nay, giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, trung bình tăng tới 20%. Trong khi đó, các nhà thầu thường ký hợp đồng trọn gói nên "càng làm càng lỗ". Do đó, hiện nay họ gần như "nằm im bất động" để chờ xem chính sách của Chính phủ thế nào, có điều chỉnh dự án hay không.
Dù vậy, Bộ trưởng Dũng tin rằng năm nay giải ngân đầu tư công có thể đạt khoảng 92%. Ông cho hay sắp tới Chính phủ ban hành nghị quyết tháo gỡ vướng mắc, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm. Các địa phương, bộ ngành cam kết giải ngân hết số vốn được giao.
Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là gần 456.000 tỷ đồng.
Tại phiên họp hôm nay, Chính phủ trình cơ quan thường trực Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn (đợt 3) là hơn 100.000 tỷ đồng. Như vậy, số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn đến nay Chính phủ chưa trình cấp có thẩm quyền là hơn 335.000 tỷ đồng.
"Số tiền chưa xin phân bổ, giao kế hoạch chi tiết còn lại như vậy là rất lớn, vì sao và bao giờ phân bổ được?", Chủ tịch Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nói "quá chậm" khi sau hơn một năm chưa có kế hoạch phân bổ hết vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn. Ông giục Chính phủ nhanh chóng rà soát để tới cuối năm nay phân bổ hết trên 355.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch này, "nếu không sẽ rất mất uy tín".
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho hay, có ý kiến tại Uỷ ban này đề nghị làm rõ trách nhiệm Chính phủ, bộ, ngành trong giao vốn chậm và kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn tới nơi đủ thủ tục đầu tư, nhưng đang thiếu vốn để sớm hoàn thành.
Ông đề nghị, nếu sau 31/12/2022, Chính phủ vẫn chưa phân bổ được thì chuyển toàn bộ số vốn còn lại này vào dự phòng chung, để "tăng kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng vốn công".
Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, số vốn 355.000 tỷ chưa phân bổ, Chính phủ đã có kế hoạch và trong tuần này sẽ trình hết để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Còn danh mục dự án trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng trình đợt này. "Ngay chiều nay, tôi sẽ ký để trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông Dũng nói.
Ngoài vốn cho 3 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia là cao tốc Bắc Nam, đường vành đai 3 và 4, một số địa phương đề nghị thay thế dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn sang dự án mới.
Cụ thể, TP Đà Nẵng và Lạng Sơn đề nghị thay thế 8 dự án đã có trong danh mục báo cáo Quốc hội nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư (tổng vốn 1.595 tỷ đồng) bằng 5 dự án khác Quốc hội chưa phê duyệt nhưng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có thể triển khai ngay (số tiền 1.346 tỷ đồng).
Uỷ ban Tài chính ngân sách - cơ quan thẩm tra, cho rằng việc điều chỉnh tăng, giảm số vốn bố trí giữa các dự án là nội bộ của địa phương, không làm tăng tổng mức đầu tư công đã được Quốc hội quyết định, nên đồng tình. Tuy nhiên, Ủy ban này lưu ý các địa phương phải cam kết không bố trí vốn cho những dự án đã đề nghị thay thế, rút ra khỏi danh mục.
Riêng 5 dự án tỉnh Lạng Sơn đề nghị thay đổi (4 dự án giao thông, 1 dự án thuỷ lợi) bằng 2 dự án mới (1 giao thông, 1 khu công nghiệp - kinh tế), cơ quan thẩm tra đánh giá điều chỉnh này làm thay đổi cơ cấu vốn giữa các lĩnh vực nên Chính phủ chỉnh lại kế hoạch phân bổ vốn.
Góp ý sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, bản chất đây là các dự án mới, chưa có trong danh mục Chính phủ báo cáo trước đây, nên cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ông phân tích, Nghị quyết 29 của Quốc hội không quy định thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với trường hợp dự án đã có trong danh mục nhưng thay đổi, điều chỉnh bằng dự án mới. Tức nếu muốn thay đổi dự án phải trình lại Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Ngoài ra, ông Huệ đề nghị Chính phủ rà soát các dự án của địa phương xin bố trí bổ sung vốn lần này đã nằm trong danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn hay chưa.
"Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải nêu rõ, là Chính phủ, Thủ tướng phải thực hiện đúng theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này", ông nói và nhấn mạnh việc này nhằm làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền để các cơ quan, bộ ngành dễ thực hiện sau này.
Anh Minh