Giá thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn, 260.000 đồng/tấn xuống còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.
Giá thép Việt Đức cũng giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 260.000 đồng/tấn với hai loại thép trên, còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,05 triệu đồng/tấn.
Giá thép Việt Nhật đang ở mức 14,75 triệu đồng/tấn và 15,35 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau khi giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn.
Lý giải nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm, các chuyên gia của Edutrade, thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nhận định: Hiện lượng thép tồn kho của các doanh nghiệp lớn đang rất cao đặc biệt là tập đoàn thép Hòa Phát. Với lượng tồn kho này, có thể giá thép sẽ tiếp tục giảm giá từ nay đến cuối năm.
Trái ngược lại với thị trường trong nước, ghi nhận tại thị trường Trung Quốc, giá nhiều loại thép bắt đầu tăng nhẹ trở lại. Giá thép thanh vằn tăng 1,7% lên 4.172 nhân dân tệ/tấn (618 USD/tấn). Cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 4.080 nhân dân tệ/tấn (604 USD/tấn). Cuộn cán nguội cũng tăng 0,4% lên 4.510 nhân dân tệ/tấn (668 USD/tấn). Giá quặng sắt tại Trung Quốc ghi nhận mức tăng 5,3% lên 805 nhân dân tệ/tấn (120 USD/tấn).
Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, hiện thị trường bất động sản Trung Quốc đã “đóng băng” một thời gian khá dài. Câu chuyện về hồi phục thị trường này trong thời gian tới là khó khả thi. Chính vì thế, việc tiêu thụ sản lượng thép sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Các chuyên gia nhận định, với thực tế đìu hiu của thị trường bất động sản nước này, giá thép tại Trung Quốc từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục giảm. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) cảnh báo việc thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng sẽ khiến thị trường quặng sắt toàn cầu rơi vào tình trạng dư cung đến 67 triệu tấn quặng sắt vào nửa cuối năm nay và giá mặt hàng này có thể sụt giảm mạnh trong thời gian tới.
Các "'ông lớn" ngành thép sẽ ra sao?
Với những diễn biến không mấy khả quan của thị trường vừa qua, một số công ty chứng khoán hạ dự báo doanh thu, lợi nhuận của các công ty thép.
Bộ phận nghiên cứu của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng của Hoà Phát năm 2022 xuống 26,5 nghìn tỷ đồng (giảm 23,1% so với cùng kỳ) chủ yếu do giả định giá thép giảm.
Còn với Hoa Sen, SSI Research cho rằng lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. SSI Research dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ giảm 12,7% xuống 1,96 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh vào năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể phục hồi 6% so với cùng kỳ.
Bản thân ban lãnh đạo của Hoa Sen cũng không chắc về những biến động khó lường của thị trường thép năm nay. Do đó, Hoa Sen đưa ra 3 kịch bản về lợi nhuận lần lượt là 1.500 tỷ, 2.000 tỷ và 2.500 tỷ đồng, tuỳ thuộc vào tình hình thị trường và sự ổn định trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Cuối cùng với Nam Kim, SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của sẽ giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn 1,35 nghìn tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ giảm 4% so với cùng kỳ, xuống 1,04 triệu tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu có thể giảm 9%, còn sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 5% so với cùng kỳ.
Vẫn có tín hiệu tích cực
Ở một góc độ nào đó, triển vọng thị trường thép và các doanh nghiệp của ngành trong những tháng cuối năm vẫn có những tín hiệu tích cực.
Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), trong năm 2022, ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Tuy nhiên, sản lượng sẽ khó có tăng trưởng đột biến như năm 2021 khi hầu hết các công ty thép nội địa đã chạy hết công suất và chưa có những đại dự án mới đưa vào.
MASVN dự đoán, năm 2022, sản lượng cả ngành đạt 33.3 triệu tấn, tăng trưởng 8%.
Còn với SSI Research, công ty cho rằng tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép dự kiến sẽ không giảm xuống mức tỷ suất lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2019.
Trong năm 2018-2019, việc lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016-2017 đã thúc đẩy nhiều công ty tăng công suất từ 50% - 100%, đặc biệt trong lĩnh vực tôn mạ. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng khác như Hoà Phát và Pomina cũng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tôn mạ, làm gia tăng sự cạnh tranh.
Ngoài ra, nợ và hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép đầu năm 2018 cũng rất cao, khiến họ phải cắt giảm biên lợi nhuận trong năm 2018-2019 để đẩy mạnh cắt giảm hàng tồn kho và giảm nợ vay.
Trong khi đó, không có sự gia tăng công suất đáng kể trong lĩnh vực thép mạ và thép xây dựng trong giai đoạn 2020-2021.
Mặc dù một số doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này như Hoà Phát, Nam Kim đã có kế hoạch mở rộng cho những năm tới nhưng sự suy giảm của giá thép và triển vọng xuất khẩu, cũng như mức lạm phát cao có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án này, do công suất sử dụng của nhà máy dự kiến sẽ giảm xuống dưới công suất tối đa vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, mức nợ của các công ty tôn mạ cũng đã giảm xuống mức an toàn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Do đó, mặc dù tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất tôn mạ có thể bị kìm hãm trong ngắn hạn nhưng vẫn sẽ cao hơn mức đáy ghi nhận được trong năm 2018 - 2019.
Hương Anh (tổng hợp)
Xem thêm: lmth.368365a-peit-neil-31-uht-nal-maig-peht-aig/nv.nitaudiougn.www