vĐồng tin tức tài chính 365

Khủng hoảng Ukraine phả hơi lạnh vào kinh tế Bắc Cực

2022-08-10 08:59

Những tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine đã lan đến Bắc Cực. Ngày 29/6, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Na Uy sẽ bị "trả đũa" vì áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm chặn hàng hóa của Nga tới Svalbard, một quần đảo ở Bắc Cực.

Svalbard là một phần của Na Uy, nhưng một hiệp ước từ năm 1920 trao cho Nga quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhiều khu định cư người Nga sinh sống tại đó. Ngay cả trước cuộc tranh cãi tay đôi này, các cường quốc Bắc Cực đã xung đột về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Ngày 3/3, một tuần sau khi chiến sự nổ ra, bảy trong số tám thành viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực - tổ chức liên chính phủ chính của khu vực - cho biết sẽ tẩy chay các cuộc họp trong tương lai vì hành động của Nga.

Hội đồng này từ lâu đã miêu tả khu vực Bắc Cực là vùng đất hòa bình và hợp tác, theo văn kiện thành lập là "Tuyên bố Ottawa" vào năm 1996. Nhưng cuộc chiến đã khiến các nước thành viên phương Tây gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển chống lại Nga ở Bắc Cực. Vậy sự bất đồng này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Cực như thế nào?

Tàu chở dầu Mikhail Ulyanov đến giàn khoan dầu Prirazlomnaya của Nga tại Bắc Cực. Ảnh: Gazprom

Tàu chở dầu Mikhail Ulyanov đến giàn khoan dầu Prirazlomnaya của Nga tại Bắc Cực. Ảnh: Gazprom

Trước xung đột Nga - Ukraine, giá trị của Bắc Cực đang ngày càng tăng nhờ ấm lên nhanh hơn 3-4 lần so với mức trung bình toàn cầu. Độ phủ băng biển tối thiểu vào năm 2020 nhỏ hơn gần 2,6 triệu km2 so với mức trung bình giai đoạn 1981 - 2010.

Hậu quả môi trường tất nhiên nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó cũng giúp các tuyến đường biển vùng cực thuận tiện hơn và các nguồn tài nguyên thiên nhiên mới được tiếp cận. Các quốc gia bên ngoài cũng đang hướng sự chú ý đến nơi này. Trung Quốc lập kế hoạch về "con đường tơ lụa ở vùng cực" và đã đầu tư hơn 90 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở đây.

Các nước phương Tây trong Hội đồng Bắc Cực đang tẩy chay Nga, nhưng nguy cơ đụng độ quân sự là khó xảy ra, theo The Economist. Nguyên nhân là địa hình quá nguy hiểm và lợi ích khi chiến thắng quá nhỏ. Tuy nhiên, những rạn nứt khác đã xuất hiện.

Đầu tiên là hợp tác giữa các nhà khoa học phương Tây và Nga trong việc nghiên cứu về biến đổi khí hậu đã dừng lại. Thứ hai là sự thay đổi trong các mối quan hệ đối tác kinh doanh tại vùng cực.

Từng hợp tác ở Bắc Cực với Nga, nhưng các công ty phương Tây - bao gồm BP, ExxonMobil và Shell - đang rút lui. Italy thì đóng băng khoản tài trợ 21 tỷ USD cho Arctic LNG 2, một dự án khai thác ở miền bắc Siberia. Việc này giúp dòng vốn từ Trung Quốc vào thế chân.

Trên thực tế, Trung Quốc đang bơm tiền vào khai thác ở Bắc Cực. Họ có hợp đồng 30 năm với Nga để nhập khẩu khí đốt từ các mỏ Yamal ở Bắc Cực, thông qua Power of Siberia 2 - một đường ống sẽ được xây dựng giữa các nước.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc có 20% cổ phần trong dự án khai thác khí đốt Yamal LNG. Quỹ Con đường Tơ lụa của nước này sở hữu 10% dự án. Các công ty nhà nước khác cũng đã đầu tư vào Arctic LNG 2. Và Nga sẽ ngày càng dựa vào công nghệ của Trung Quốc để đóng tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Bắc Cực và mua các thiết bị khác thay cho các công ty phương Tây.

Nga cũng có những tính toán riêng. Họ đã đầu tư mạnh vào dầu và khí đốt ở Bắc Cực, tuyên bố ưu đãi 300 tỷ USD cho các dự án mới vào năm 2020. Sau khủng hoảng Ukraine, vai trò của Bắc Cực với Nga càng quan trọng.

Một góc dự án Vostok Oil. Ảnh: TASS

Một góc dự án Vostok Oil. Ảnh: TASS

Tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg hôm 19/6, Igor Sechin, Chủ tịch hãng dầu khí Rosneft gọi Bắc Cực và Dự án Vostok Oil tại đó là "Con tàu Noah" cho ngành năng lượng của Nga, trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt.

Dự án dầu khổng lồ Vostok Oil là "dự án duy nhất trên thế giới có thể mang lại tác động ổn định cho thị trường dầu mỏ", Sechin cho biết, "Chúng tôi có tất cả năng lực, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, và trong những dự án kiểu này, 98% công nghệ được sản xuất ở Nga".

Theo dự kiến, Vostok Oil sẽ sản xuất 115 triệu tấn dầu mỗi năm vào năm 2033. Sechin cho biết hơn 4.000 người và 2.000 thiết bị sẽ có mặt trên công trường để làm việc ngày đêm. "Dự án vẫn tồn tại và đang phát triển theo đúng kế hoạch. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng nó sẽ được hoàn thành", ông giải thích.

Andreas Osthagen, Chuyên gia tại Viện Fridtjof Nansen (Na Uy) cho rằng khu vực này có thể đứng trước nguy cơ đổ vỡ địa chính trị. Na Uy sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch của Hội đồng Bắc Cực vào năm 2023 và các nước phương Tây sẽ phải quyết định có thể tiếp tục vận hành mà không có Nga hay không. Bắc Cực mới, cũng như trật tự thế giới mới, có lẽ sẽ là sự phân mảng giữa nhóm thành viên NATO với Trung Quốc và Nga.

Phiên An (theo The Economist, The Arctic Institute)

Xem thêm: lmth.3757944-cuc-cab-et-hnik-oav-hnal-ioh-ahp-eniarku-gnaoh-gnuhk/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khủng hoảng Ukraine phả hơi lạnh vào kinh tế Bắc Cực”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools