Nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ mức 6% lên 7%. Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cũng nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam từ mức 6,6% lên mức 6,9%. Một trong những lý do để HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam là tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2/2022 đã vượt mốc 7,7%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo mức tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo là trụ cột của tăng trưởng
Đặc biệt, WB vừa dự báo, năm 2022, GDP của Việt Nam có thể tăng 7,5%, lạm phát tăng 3,8%. Đây là thông tin gây bất ngờ và trở thành dự báo có mức tăng trưởng cao nhất trong số các dự báo được đưa ra, thậm chí hơn cả mục tiêu của Chính phủ Việt Nam tới 1%. Theo WB, căn cốt để có nhận định này là do tốc độ tăng trưởng có được đà phục hồi nhanh của kinh tế Việt Nam, trong đó, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo là một trong những ngành trụ cột.
Đánh giá về dự báo của WB, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, trước tới nay, các tổ chức quốc tế lớn thường dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra. Đây là lần hiếm hoi trong nhiều năm qua, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ (Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 ở mức 6-6,5%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng các năm 2018-2022 Ảnh: GSO |
“WB tăng dự báo GDP năm 2022 cho thấy sự lạc quan, tin tưởng của tổ chức quốc tế về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam”, ông Thịnh nói .
Còn TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV lại nói rằng, ông không quá ngạc nhiên trước việc WB nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam. Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (công bố tháng 6/2022), năm 2022, ở kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,3-7,6%. Ở kịch bản cơ sở, GDP tăng 6,8-7,1%; trường hợp tiêu cực, GDP tăng 6-6,5%. CPI bình quân tăng lên mức 3,8-4,2%.
“Một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế đến từ khu vực công nghiệp, chế biến chế tạo phục hồi như mức trước khi dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, chúng ta đang so sánh với nền thấp của năm 2021, cũng khiến mức tăng trưởng 2022 tăng cao”, TS Lực cho biết.
Cẩn trọng với lạm phát
“Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2022 của nước ta hồi phục nhanh ở hầu hết ngành, lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 năm 2022 ước đạt 486.000 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Số liệu của Tổng Cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước (riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%). Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2021, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Một số ngành công nghiệp trọng điểm có mức tăng 20% trở lên như: sản xuất thiết bị điện, sản xuất trang phục, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Có tới 61 địa phương trên cả nước có IIP tăng trở lại.
Theo TS Cấn Văn Lực, bên cạnh mức tăng trưởng cao, nền kinh tế vẫn đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng trở lại. Lạm phát trên thế giới đạt đỉnh nhưng Việt Nam có độ trễ và đang tăng dần lên, lạm phát cả năm ở mức gần 4%. Rủi ro tiếp theo của nền kinh tế đến từ chính sách tài chính tiền tệ. Lãi suất, tỷ giá thế giới tăng sẽ gây áp lực với mặt bằng lãi suất, tỷ giá và kể cả lạm phát của Việt Nam. Rủi ro cuối cùng liên quan an ninh năng lượng do mặt hàng xăng dầu thế giới nhiều biến động.
“Để nền kinh tế tăng trưởng bền vững, Việt Nam phải có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cẩn trọng đối phó với dịch bệnh. Chúng ta tuyệt đối tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại”, ông Lực kiến nghị.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, năm 2022, nền kinh tế vẫn đối mặt với thách thức từ tác động của kinh tế thế giới. Việc đồng USD tăng giá khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn. Trong lúc này, cơ quan chức năng điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hạn chế tối đa sự mất giá của đồng nội tệ.
Quỳnh Nga
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.68770528001802202-nauq-cal-auq-oc-57-gnat-2202-man-pdg-oab-ud/nv.zibefac