Hiện châu Âu đang trải qua một mùa hè nóng kỷ lục và sắp tới là những tháng mùa đông lạnh cóng. Nhiều kịch bản xấu nhất đã được đưa ra như châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện trong mùa đông này, khi thời tiết lạnh kết hợp với khan hiếm nguồn cung khí đốt. Đứng trước những lo lắng này, một số nước châu Âu đã có hàng loạt động thái để có thể tiết kiệm.
Sắp tới, dù mùa Hè có nóng tới đâu đi chăng nữa thì những toà nhà công cộng tại Tây Ban Nha cũng bị cấm không được bật điều hoà lạnh hơn 27 độ C để làm mát. Còn về mùa Đông, dù có lạnh cóng, cũng chỉ được bật ở 19 độ để làm ấm một chút. Ngày 30/9 tới đây, các cửa hàng cửa hiệu cũng sẽ bắt buộc phải tuân theo một số quy định nghiêm ngặt.
"Các cửa hàng bắt buộc phải tắt hết đèn trang trí đi và các toà nhà công cộng cũng vậy, khi không sử dụng nữa sẽ phải tắt hết đèn. Những khu vực sử dụng điều hoà hay máy sưởi sẽ phải kép kín tuyệt đối, không được mở toang cửa, để tiết kiệm năng lượng", bà Teresa Ribera - Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha cho hay.
Đó là những nỗ lực mới nhất của Chính phủ Tây Ban Nha trong việc giảm lượng tiêu thụ khí đốt tại nước này tới 7%, nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Những chủ cửa hàng ở đây không phải ai cũng hoan nghênh việc phải đóng kín cửa vào những giờ buôn bán kinh doanh.
Bà Veronica Lopez - chủ cửa hàng tại Madrid nói: "Tại trung tâm thủ đô, các cửa hiệu nhỏ đều có văn hoá mở toang cửa chào đón khách. Vì chúng tôi đón rất nhiều du khách mỗi ngày. Đóng cửa lại sẽ khiến khách khứa cảm thấy ngần ngại không muốn vào mua sắm gì nữa".
Tây Ban Nha cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, đang trải qua những đợt nắng nóng cao độ. Đã có vài ngày liên tiếp nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C.
Châu Âu đang trải qua giai đoạn khủng hoảng năng lượng. (Ảnh minh họa - Ảnh: The Guardian)
Giá khí đốt, giá điện cao, giá xăng dầu cũng không ngoại lệ. Nhiều người dân châu Âu đã tìm đến tận Luxembourg - nơi giá xăng dầu luôn rẻ hơn một chút so với phần còn lại của châu Âu. Những ngày qua, trạm xăng dầu lớn nhất của châu Âu đặt tại Bercham, Luxemburg chứng kiến những hàng xe nườm nượp tới đổ xăng.
"Khi bạn sống ở một ngôi làng hẻo lánh như tôi chẳng hạn thì xe ô tô là phương tiện di chuyển chính. Xăng dầu trở thành một khoản chi phí khổng lồ", bà Marie-Jo, người dân Pháp cho hay.
Ông Daniel Calderon - Quản lý của trạm xăng Shell cho biết: "Khách hàng đổ về trạm xăng của chúng tôi vì chúng tôi nằm ở vị trí hoàn hảo, ngay ở trái tim của châu Âu. Giá xăng có rẻ hơn một chút xíu so với các khu vực khác, chút xíu thôi, không nhiều".
Châu Âu đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng năng lượng và vào một thời điểm không mấy lạc quan đó là khi giá cả rất nhiều các loại hàng thiết yếu khác cũng đều đồng loạt leo thang. Đây sẽ là cú đánh kép vào ví tiền của người tiêu dùng châu Âu. Hàng hoá cũng như xăng dầu đã có xu hướng giảm một chút trong những tuần qua nhưng để người tiêu dùng cảm nhận được thì vẫn cần thêm thời gian.
Châu Âu đang ra sức làm đầy dự trữ khí đốt trước khi mùa Đông đến nhằm ứng phó với khả năng Nga có thể cắt giảm thêm nguồn cung khí đốt đối với khu vực này. Để đạt mục tiêu dự trữ khí đốt, châu Âu còn đẩy mạnh nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG), nhất là từ Mỹ và các nước Trung Đông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.40880125101802202-gnaoh-gnuhk-ohp-iod-ed-gnoul-gnan-meik-teit-ua-uahc-coun-cac/et-hnik/nv.vtv