Bà Lê My, chủ hộ kinh doanh vàng mã tại 17B Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã nhiều năm nay. Mỗi năm tới rằm tháng 7, cửa hàng luôn chuẩn bị trước nhiều mặt hàng bắt mắt được bày bán từ ngoài vào trong với đủ giá tiền từ vài chục cho tới vài trăm cũng có. Tuy nhiên, từ đầu tháng tới giờ bà luôn "than trời" vì cảnh thưa thớt người tới mua hàng.
"Như mọi năm chúng tôi chuẩn bị các mặt hàng từ rất sớm, tuy nhiên năm nay kinh doanh buôn bán chậm hẳn. Chắc do ảnh hưởng từ dịch Covid 19 nên sức mua của người dân cũng hạn chế hơn...". Bà My chia sẻ.
Theo ghi nhận thực tế của PV trên khu phố Hàng Mã HN, những ngày này dù đã cận kề ngày lễ Vu Lan rằm tháng 7 âm lịch, các tiểu thương hầu như ngồi chơi và chỉ lác đác khách đến mua đồ cúng lễ.
Tiểu thương ngồi chơi vì không có khách.
Các quầy hàng ngồi chơi, khác hẳn sự nhộn nhịp đông đúc của những năm trước.
Phố Hàng Mã cận ngày rằm tháng 7 lác đác người tới mua hàng.
Bà Trần Ngọc Bích 65 tuổi, sinh sống tại quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết: "Tôi hay tới chùa và được nghe các thầy chùa giảng pháp về giáo lý của nhà Phật nhiều nên cũng hiểu ra vấn đề. Hơn nữa năm nay kinh tế khó khăn, nên cái gì cần thiết mới mua còn không thì cho qua."
"Nói chung năm nay không mua nhiều, đốt nhiều khói, ô nhiễm môi trường mà dễ gây cháy nổ, nên năm nay tôi mua ít thôi...", chị Bùi Thị Hương 37 tuổi, sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, chia sẻ.
Chị Bùi Thị Hương 37 tuổi, sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, HN đang lựa chọn vàng mã để lễ rằm tháng 7.
Ở góc độ Tôn giáo học, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định: "Trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Phật giáo chỉ khuyên trong ngày Lễ vu lan (báo hiếu cha mẹ) thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ. Và làm Lễ xá tội vong nhân (cúng chúng sinh) - cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh. Đồng thời, nên hướng thiện giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian, ăn chay niệm Phật và phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh".
Còn ở góc độ văn hóa, nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Lê Thái Bình cho rằng: "Tục đốt vàng mã là một nét văn hóa, tuy nhiên ngày nay nét văn hóa này càng ngày người dân càng có xu hướng thể hiện đức tin một cách thái quá làm sai lệch đi ý nghĩa ban đầu. Từ xu hướng đó mà tính thương mại hóa tất yếu xảy ra, thậm chí đức tin đó còn bị lợi dụng để làm giàu cho người bán. Xã hội bây giờ hiện đại rồi, để uống nước nhớ nguồn có nhiều cách, không nhất thiết cứ phải đốt vàng mã mới tỏ được lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Để tục đốt vàng mã còn là một nét văn hóa đẹp cần chính sự giác ngộ trong tâm thức và nhận thức của mỗi người, làm nhiều việc thiện để hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên vừa văn minh và không gây ô nhiễm môi trường".
Có thể thấy, do tác động của kinh tế thị trường nên dường như đã có sự ảnh hưởng không ít tới thói quen mua sẵn của người dân. Tuy nhiên việc mua sắm và đốt vàng mã trong ngày lễ Vu lan vẫn còn tồn tại. Bỏ một số tiền thật để mua đồ giả đốt thành tro là việc làm vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy.
Hàng năm, tháng 7 luôn được coi là tháng cao điểm về an toàn PCCC, cũng đã có nhiều vụ cháy lớn xảy ra, nguyên nhân tới từ việc đốt vàng mã dẫn đến thiệt hại cả người và tải sản. Do đó, việc hạn chế đốt vàng mã vào tháng "cô hồn" là một việc làm cần thiết.
Thực tế, mùa Vu Lan năm nay không còn là mùa làm ăn của những người kinh doanh vàng mã. Người dân ngày càng nhìn đúng hơn về bản chất của văn hóa đốt vàng mã, mà hạn chế sự lãng phí không cần thiết.
Dương Hải Anh
Phụ nữ việt nam
Xem thêm: nhc.302558101802202-gnal-mart-am-gnah-uhp-uht-7-gnaht-mar-yagn-nac/nv.zibefac