Theo đó, có gần 30 hộ dân đã gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng tố cáo bà Nguyễn Thị Thúy Kiều (SN 1980, trú TT.Ea Đrăng, H.Ea Hleo - Đắk Lắk) cùng chồng là ông Nguyễn Công Thức (SN 1979, Phó viện trưởng Viện KSND H.Krông Ana - Đắk Lắk) có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng.
Hành vi lập hợp đồng, giấy tờ mua gom nông sản của nhiều người dân do bà Kiều thực hiện, ông Nguyễn Công Thức cùng ký vào nhiều giấy tờ khiến bà con yên tâm, chẳng ngờ mất hết tài sản mà họ có. Sau khi nghe tin bà Kiều tuyên bố vỡ nợ, hàng chục hộ dân đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng, ban ngành tỉnh Đắk Lắk, H.Krông Ana. Nhận thấy hành vi này có các dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các cơ quan nhận đơn đã hướng dẫn người dân gửi đơn và chuyển đơn đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk sau khi tiếp nhận đơn đã làm việc với một số hộ dân để làm rõ vụ việc và cho biết, sẽ làm văn bản đề nghị Công an tỉnh đôn đốc đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh, sớm có kết quả để xử lý. Nếu xác định có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ xử lý cán bộ đảng viên vi phạm theo quy định.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiếu (SN 1985, trú xã Ea Nam, H.Ea Hleo) cho biết, chị bị bà Kiều chiếm đoạt 36,7 tỷ đồng. Chị Hiếu kể, bà Kiều sinh sống ở địa phương, tính tình cởi mở, có chồng là cán bộ Viện kiểm sát, sau là Phó viện trưởng Viện kiểm sát. Năm 2017, bà Kiều mở đại lý mua bán nông sản, nói để xuất khẩu, rủ bà con tham gia ký gửi (cà phê, tiêu), khi nào được giá, cần tiền thì đến chốt giá bán. Nhiều người tin tưởng, gửi hàng hóa sau mỗi vụ thu hoạch. Mỗi khi cần tiền, người dân sẽ đến chốt số lượng, giá cả thời điểm rồi lấy tiền. Bà Kiều trừ đi số tiền người dân đã chốt bán, thanh toán giá trị khối lượng nông sản còn lại. Việc làm ăn giữa các bên diễn ra bình thường nên không ai nghi ngờ gì.
Theo chị Hiếu, đến đầu năm 2021, bà Kiều còn thiếu của chị hơn 22 tỷ đồng tiền cà phê nhân đã chốt bán. Đầu tháng 9-2021, Kiều nói cần hàng trả hợp đồng nên nói chị Hiếu gom. Chị Hiếu gom mua được hơn 121 tấn tiêu, tương đương gần 14,7 tỉ đồng. Lúc này bà Kiều nói công ty chưa có tiền, sẽ trả sau. Ngày 21-10-2021, chị Hiếu cần tiền, thúc giục đòi nợ, bà Kiều nói chị Hiếu chở lên ngân hàng rút tiền nhưng lại lấy cớ "chờ giải ngân", hứa sẽ thanh toán cả nợ cũ lẫn mới, tổng cộng hơn 36,7 tỉ đồng. Thế nhưng đến nay, bà Kiều vẫn chưa trả nợ đồng nào cho chị Hiếu. "Bà ấy đã lừa tôi", chị Hiếu xót xa.
Ngoài ra, đến nay có thêm 24 người dân tại H.Ea Hleo cũng đem cà phê, hồ tiêu vào gửi, chốt bán ở công ty của bà Kiều đều không lấy được tiền, số tài sản quy giá trị khoảng hơn 30 tỉ đồng. Một số người dân cho biết, sau khi chốt giá bán nông sản cho bà Kiều, đến đòi tiền thì bà này nói chờ hoặc thương thảo giữ lại bằng hình thức vay tiền trả lãi. Bất ngờ, đến đầu tháng 3-2022, bà Kiều tuyên bố vỡ nợ rồi hứa với người dân sẽ bán nhà cửa, xe cộ, rẫy vườn để trả nợ nhưng đến nay không ai nhận được đồng nào. Nhiều người cho biết, khi họ đến công ty của bà Kiều có gặp ông Nguyễn Công Thức và nói chuyện nên tin tưởng, không ngờ bị lừa mất hết tài sản.
Có thông tin vợ chồng ông Thức, bà Kiều ly hôn. Nhưng thực tế, ngày 23-3-2022, ông Thức và vợ là bà Kiều đã làm cam kết sẽ có phương án trả nợ cho các hộ dân. Tuy nhiên, sau mấy tháng không nhận được tiền, gần 30 hộ dân đã làm đơn tố cáo vợ chồng bà Kiều.
Một số hộ dân cho biết, trước đó, gia đình bà Kiều loan tin nếu ai kiện cáo sẽ không trả nợ nên nhiều người đành... đợi và ký vào biên nhận sẽ trả nợ vào năm 2024 do bà Kiều đưa ra. Mới đây, nhiều chủ nợ thấy gia đình bà Kiều mua ô tô xịn đi lại khiến họ rất bức xúc.
Hiện Cơ quan điều tra đang điều tra, làm rõ vụ việc. Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh xác minh, làm rõ đơn thư tố cáo. Nếu phát hiện cán bộ liên quan có sai phạm sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.