Vụ đột kích của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhắm vào khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump ở TP Palm Beach, bang Florida ngày 8-8 đang đe dọa thổi bùng chia rẽ trên chính trường Mỹ. Ông Trump cho biết các đặc vụ FBI đã “đột kích” vào khu nghỉ dưỡng ở bang Florida của ông mà không báo trước, thậm chí phá két an toàn trong dinh thự này.
Cựu Tổng thống Donald Trump tại một hội nghị của đảng Cộng hòa ở TP Dallas, bang Texas ngày 6-8. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Theo tờ The Guardian, đây là một sự kiện đáng kinh ngạc dường như liên quan đến cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về việc cựu Tổng thống Trump có thể vẫn giữ trái phép các tài liệu mật tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago sau khi mãn nhiệm.
Phản ứng trái chiều của phe Dân chủ, Cộng hòa
Đối với các thành viên đảng Dân chủ và những người phản đối ông Trump, đó là một bước đi dài về công lý và là bằng chứng cho thấy không ai - ngay cả một cựu tổng thống - là “bất khả xâm phạm”. Hạ nghị sĩ Ted Lieu thuộc bang California đăng trên Twitter với dòng trạng thái: “Không ai đứng trên luật pháp”.
Nhóm “Dự án Lincoln”, gồm nhiều nghị sĩ và cựu nghị sĩ Mỹ, ra tuyên bố khẳng định chưa bao giờ nhà của một cựu tổng thống bị đột kích trong cuộc điều tra. Cuộc đột kích là bước đầu tiên để cơ quan thực thi pháp luật, hoặc quốc hội yêu cầu ông Trump chịu trách nhiệm về việc lên kế hoạch duy trì quyền lực dẫn đến cuộc bạo động ngày 6-1 ở trụ sở quốc hội.
Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa đã phản ứng dữ dội trước vụ việc này, nhất là sau khi ông Trump chỉ trích cuộc khám xét, cáo buộc Bộ Tư pháp đang tiến hành cuộc “săn lùng phù thủy” mang động cơ chính trị.
“Quyền lực tuyệt đối đã làm băng hoại hoàn toàn giá trị. Đã vô số lần chúng ta có những ví dụ về những người Dân chủ xem nhẹ luật pháp và lạm dụng quyền lực mà không cần viện dẫn” - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) Ronna McDaniel tuyên bố.
Ông McDaniel cáo buộc đảng Dân chủ liên tục “vũ khí hóa” bộ máy hành chính chống lại đảng Cộng hòa. “Cuộc đột kích này là thái quá. Sự lạm quyền này phải chấm dứt và cách duy nhất để làm điều đó là hãy bầu cho các đảng viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới” - ông nói thêm.
Lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy chỉ trích Bộ Tư pháp đã chạm đến “trạng thái không thể dung thứ của việc vũ khí hóa chính trị” và nhấn mạnh rằng một khi đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện, họ sẽ tiến hành giám sát bộ này ngay lập tức.
Một luật sư của cựu Tổng thống Donald Trump ngày 9-8 xác nhận các đặc vụ FBI đã mang đi khoảng 10 thùng tài liệu từ dinh thự Mar-a-Lago. Cũng theo người này, chính thẩm phán Bruce Reinhart tại bang Florida đã ký lệnh cho phép FBI khám xét dinh thự riêng của ông Trump, theo hãng tin AP.
Ông Trump sẽ xoay xở ra sao?
Đài CNN dẫn lời một số chuyên gia nhận định ông Trump dường như đang cố gắng tận dụng vụ việc FBI đột kích vào tư dinh của mình để thúc đẩy một kịch bản có lợi cho sự nghiệp chính trị của mình.
Đơn cử, vài giờ sau khi lên án vụ đột kích ngày 8-8 của FBI vào dinh thự của mình, ông Trump tiếp tục tung ra một đoạn video giống phong cách vận động tranh cử, tiếp tục “bắn” tín hiệu rằng ông đang lên kế hoạch chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2024.
Theo giới chuyên gia, ông Trump dường như đang cố gắng xoay chuyển vụ việc bất lợi cho bản thân để tạo lợi thế trong chiến lược chính trị. Ông Trump cho rằng động thái bất ngờ của FBI là bằng chứng cho việc cựu tổng thống Mỹ đang trở thành “nạn nhân” trong một chiến lược của phe đối thủ nhằm ngăn ông ra tranh cử vào hai năm tới. Ông kêu gọi người ủng hộ cùng lên tiếng chỉ trích đảng Dân chủ và chung tay quyên góp ủng hộ ông.
Bên cạnh đó, phản ứng của đảng Cộng hòa lúc này cũng đang rất có lợi cho ông Trump. Đó là tín hiệu từ sớm cho thấy cuộc điều tra của FBI sẽ đối diện với sức ép chính trị rất lớn. Nếu việc điều tra không phát hiện được những vấn đề nghiêm trọng, những cử tri đảng Cộng hòa đang bức xúc với cuộc đột kích của FBI sẽ tiếp tục giúp ông Trump củng cố vị trí và tầm ảnh hưởng trong đảng này. Các đối thủ tiềm năng của ông Trump trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đoàn kết lại đằng sau chiến dịch của cựu tổng thống.
“Đây là những kịch bản mà toàn bộ giới lãnh đạo của cả hai cơ quan này (FBI và Bộ Tư pháp) sẽ phải lên kế hoạch, đánh giá và xem xét pháp lý từ mọi góc độ có thể” - cựu Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe khẳng định.
CNN cho biết có thể phe Dân chủ sẽ cảm thấy “phấn chấn” khi ông Trump gặp phải vấn đề pháp lý chồng chất, họ cũng cần nhớ lại những lần vị cựu tổng thống đối diện với khó khăn và thoát nạn ra sao. Ông Trump đã vùng vẫy thoát khỏi cuộc điều tra kéo dài hai năm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, dù ông Mueller chỉ ra nhiều mối liên hệ bất thường giữa chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump và nước ngoài.
Hai lần ông Trump bị luận tội tại Hạ viện Mỹ, lần lượt vì cố ép Ukraine điều tra ông Biden trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và vì cuộc bạo loạn ngày 6-1-2021, đều không đem lại kết quả sau các phiên xét xử ở Thượng viện.•
Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Biden tăng mạnh
Kết quả khảo sát do hãng tin Reuters công bố ngày 9-8 cho hay 40% người dân Mỹ được hỏi ủng hộ hiệu suất làm việc của Tổng thống Joe Biden. Đây là mức tăng mạnh trong ba tuần gần đây, giúp làm dịu đi mối lo ngại của các cử tri đảng Dân chủ về nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Nguyên nhân chính đằng sau việc cử tri Mỹ ủng hộ ông Biden nằm ở việc Thượng viện Mỹ tuần này đã thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, hạ giá thuốc và tăng một số loại thuế doanh nghiệp.
Dự luật này, vốn nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Biden, dự kiến sẽ sớm được Hạ viện thông qua, là một chiến thắng lập pháp lớn mà đảng Dân chủ hy vọng sẽ thúc đẩy sự ủng hộ của cử tri trước thời điểm quan trọng vào tháng 11 tới.
Tổng thống Biden cũng đã ký ban hành dự luật lớn khác vào ngày 9-8 nhằm trợ cấp cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn, giúp ngành này của Mỹ có được khả năng cạnh tranh hơn so với Trung Quốc.
Trước đó, tỉ lệ ủng hộ ông Biden đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống là vào tháng 5 với mức chỉ 36%. Tỉ lệ ủng hộ ông vẫn luôn nằm dưới 50% kể từ tháng 8 năm ngoái, khi người Mỹ chật vật với lạm phát cao và nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.