Thời gian vừa qua, nhiều người dùng Youtube tại Việt Nam vẫn đang bị ám ảnh bởi tình trạng phải xem đi xem lại những đoạn quảng cáo thực phẩm chức năng cho nam giới, thuốc gia truyền chữa dứt điểm tiểu đường, sỏi thận… Không chỉ thế trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok xuất hiện nhiều video hay bài đăng về thực phẩm chức năng, thuốc gia truyền chữa bệnh lẫn chăm sóc da đang được quảng cáo công dụng vượt quá thực tế, hoặc cách thể hiện phản cảm… Điều này không chỉ gây hiểu lầm, tiền mất tật mang cho người dân mà còn làm mất uy tín của những cơ sở y tế khám chữa bệnh uy tín.
Cẩn trọng với bác sĩ online cam kết chữa khỏi bệnh trong một liệu trình
Trao đổi với PLO, Th.S - BS Phạm Ngọc Oanh, Trưởng khoa dinh dưỡng Trung tâm Phòng chống bệnh tật TP.HCM chia sẻ những quảng cáo về thuốc gia truyền, thực phẩm chức năng bị thổi phồng chất lượng đang là nỗi những trăn trở của nhiều người, trong đó có cả những người làm y tế.
Theo BS Oanh, những thông tin quảng cáo, hướng dẫn điều trị không rõ nguồn gốc trên mạng kiểu “chỉ cần một liệu trình là khỏi…” không đáng tin, người dân không nên nghe theo. Bởi các loại bệnh như đái tháo đường, huyết áp… có khi đòi hỏi phải điều trị suốt đời để đảm bảo sự ổn định.
Cần cẩn trọng với bác sĩ online chữa dứt điểm bệnh trong một liệu trình thuốc gia truyền. |
“Nếu uống thuốc cần có liều lượng áp dụng, nếu không biết được thành phần bên trong đó gồm những gì thì không thể khẳng định được là nó có hiệu quả hay không. Tôi xin nhấn mạnh là kiểu quảng cáo chỉ cần một liệu trình để chữa đái tháo đường là hoàn toàn sai” - BS Oanh nhấn mạnh.
Trên thực tế đã không ít các sản phẩm thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng xử phạt, song vẫn không thể loại bỏ hẳn “vấn nạn” này.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, không để tiếp diễn tình trạng quảng cáo vượt quá thực tế.
Quảng cáo thuốc, thực phẩm sai sự thật cũng có thể đi tù
Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM nhấn mạnh, xét về mặt pháp lý thì pháp luật Việt Nam không cấm kinh doanh thực phẩm hay thuốc gia truyền hoặc thực phẩm chức năng và luôn đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, đối với kinh doanh thực phẩm, kể cả thực phẩm gia truyền thì cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh của pháp luật chẳng hạn như an toàn thực phẩm, đăng ký kinh doanh theo quy định. Trường hợp là thực phẩm chức năng cần phải đáp ứng các điều kiện đặc thù theo quy định chung của Bộ Y tế.
“Do đó kinh doanh đúng với các điều kiện theo quy định pháp luật thì vẫn được cho phép. Nếu như các cá nhân tổ chức kinh doanh cố tình lạm dụng như vi phạm pháp luật về quảng cáo, đăng tải thông tin sai sự thật thì sai đến đâu xử lý đến đó theo đúng các quy định pháp luật như xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Đơn cử đối với thực phẩm chức năng, theo Luật sư Vũ, pháp luật về quảng cáo quy định việc quảng cáo thực phẩm chức năng rất nghiêm ngặt. Ví dụ như nội dung quảng cáo thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Theo đó tùy tính chất và mức độ vi phạm mà hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với trách nhiệm hành chính có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng- 70 triệu đồng. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo, cải chính thông tin.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 197 BLHS hiện hành quy định về tội quảng cáo gian dối với khung hình phạt cao nhất lên đến năm năm tù.
“Cụ thể như sau: “Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”, Luật sư Vũ chia sẻ.