Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trao đổi tình trạng sức khỏe một bệnh nhi mắc sốc sốt xuất huyết cho phụ huynh - Ảnh: X.MAI
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM sáng 11-8 cho biết số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần 32 (từ ngày 1 đến 7-8) tương đương so với số mắc tuần trước, có xu hướng giảm so với trung bình 4 tuần trước, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm.
Tính đến ngày 7-8, TP.HCM ghi nhận 39.449 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 378,8% so với cùng kỳ năm 2021 là 8.240 ca.
Trong tuần TP.HCM ghi nhận 3.066 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 6,4% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 3,5% và ngoại trú giảm 9,4%. Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại TP Thủ Đức. Như vậy số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 17 trường hợp.
Có 7/22 quận, huyện có số ca bệnh trong tuần tăng so với số ca trung bình 4 tuần trước là các quận 1, 6, 8, 11, Bình Tân, Phú Nhuận và Tân Bình. Riêng quận 11 có số ca bệnh trong tuần 32 tăng báo động so với trung bình 4 tuần trước.
Toàn TP ghi nhận 181 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 96 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện và TP Thủ Đức; giảm 18 ổ dịch mới so với tuần trước đó.
Theo HCDC, để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, mỗi người cần: ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước bằng cách che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được; sử dụng thiên địch của ấu trùng muỗi (thả các loài động vật ăn lăng quăng như cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước… vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng).
Dùng hóa chất để diệt ấu trùng muỗi, không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước, thường xuyên làm sạch vật chứa nước, thay đổi hình thức trữ nước (dùng trực tiếp từ vòi nước)...
TTO - Nhằm hạn chế dịch chồng dịch, Sở Y tế TP.HCM có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện và cơ sở y tế trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết và các bệnh đường hô hấp khác.