vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao cựu chủ tịch tỉnh Bình Dương bị cáo buộc trong thất thoát hơn 4.000 tỷ đồng?

2022-08-11 14:09

Vụ án liên quan hai lô "đất vàng" tổng diện tích 188 ha tại tỉnh Bình Dương sẽ được TAND Hà Nội xét xử từ ngày 15/8. Trong 28 bị cáo, 12 người từng là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Chánh văn phòng, phó chánh văn phòng UBND tỉnh, Chánh thanh tra tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế, Phó giám đốc Sở Tài chính... của Bình Dương.

VKSND Tối cao xác định, vụ án gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 5.700 tỷ đồng, xuất phát từ ba nhóm sai phạm kéo dài suốt 11 năm, 2006-2017, liên quan các cựu cán bộ trên.

Hai khu đất diện tíchh 43 ha và 145 ha thuộc đề án phát triển khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị, năm 2006, được tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty Sản xuất- Xuất nhập khẩu (SX-XNK) Bình Dương để đầu tư, phát triển.

Lãnh đạo tỉnh đầu tiên bị cáo buộc có sai phạm là cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam. Cơ quan công tố xác định, năm 2012, ông Nam đã ký quyết định phê duyệt mức thuế áp cho hai lô đất, song bằng đơn giá của 6 năm trước. Hậu quả, Tổng công ty SX-XNK Bình Dương chỉ phải nộp thuế tổng 29,4 tỷ đồng, tức thấp hơn 27 lần mức cần thu, khiến Nhà nước bị thất thoát 761 tỷ đồng.

Sau khi đóng mức thuế thấp, Tổng công ty SX-XNK Bình Dương nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất 43 ha và 145 ha, vào các năm 2012 và 2013. Nhưng thực tế, lô đất 145 ha đã được lãnh đạo Tổng công ty lên kế hoạch thâu tóm ngay từ cuối năm 2007.

Tổng công ty Bình Dương thời điểm này do ông Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chịu quản lý và chỉ đạo mọi mặt của UBND tỉnh.

Ông Minh bị cáo buộc ký hợp đồng liên doanh với hai doanh nghiệp Hàn Quốc lập Công ty Tân Thành để thực hiện các dự án xây dựng khu giải trí, căn hộ, thương mại cao cấp trên lô đất 145 ha này khi khi chưa giải phóng mặt bằng xong và chưa có quy hoạch chi tiết, cũng chưa thông qua ý kiến của UBND tỉnh.

Theo hợp đồng, Tổng công ty SX-XNK Bình Dương góp 9 triệu USD, tức 30% vốn điều lệ. Nhưng thay vì góp bằng tiền, tổng công ty góp vốn bằng quyền sử dụng lô đất 145 ha, được định giá 24 triệu USD thời điểm tháng 10/2007. Do đó, sau khi thành lập, liên danh Tân Thành cần hoàn lại 15 triệu USD cho Tổng công ty SX-XNK Bình Dương (do giá trị mảnh đất lớn hơn số vốn cần góp 15 triệu USD).

Do dự án chậm tiến độ, đến đầu năm 2011, Tổng công ty SX-XNK Bình Dương chưa được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hai doanh nghiệp Hàn Quốc "rút lui" dù chưa góp xong vốn.

Cha con dùng hai công ty sân sau để thâu tóm "đất vàng"

VKSND Tối cao cho rằng ông Minh vì "vụ lợi cá nhân" đã sắp xếp cho hai công ty sân sau của mình và con gái, Nguyễn Thục Anh (cũng là bị can trong vụ án), nhận chuyển nhượng vốn góp và thay hai công ty Hàn Quốc tiếp tục thực hiện các dự án tại khu đất 145 ha.

Hai công ty sân sau, Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển, thực tế không đủ năng lực tài chính để làm điều này, song ông Minh đã "dọn đường" bằng cách, chỉ đạo lấy tiền của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương, cho hai công ty này vay 296 tỷ đồng, không tính lãi suất.

Liên danh Tân Thành khi này gồm ba đơn vị: Tổng công ty SX-XNK Bình Dương, Công ty Phát Triển và Công ty Hưng Vượng.

Ông Nguyễn Văn Minh (phải) khi bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Ông Nguyễn Văn Minh (phải) khi bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Trở ngại đầu tiên trong kế hoạch thâu tóm "đất vàng" của ông Minh và đồng phạm nảy sinh năm 2015 khi UBND tỉnh Bình Dương có kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó có Tổng công ty SX-XNK Bình Dương. Tháng 6/2016, Tỉnh ủy Bình Dương có công văn 407 chuyển giao 145 ha đất trên vào tài sản của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Để có cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, Tổng công ty phải ký hợp đồng với đơn vị độc lập để kiểm kê, phân loại tài sản. Tháng 3/2016, công ty Cổ phần tư vấn và thẩm định giá Đông Nam được thuê làm điều này.

Lô đất vàng 145 ha khi này đứng trước hai số phận: được giữ lại trong phần tài sản của Tổng công ty sau cổ phần hóa (theo đúng công văn 407), hoặc bị loại khỏi giá trị doanh nghiệp. Nếu được xếp vào "số phận" thứ nhất, đồng nghĩa ông Minh sẽ mất vụ "buôn đất" cùng hai công ty sân sau.

Kế hoạch "tàng hình" 145 ha "đất vàng" trong tài sản doanh nghiệp

Để ngăn việc này, ông Minh bị cáo buộc đã chủ động yêu cầu Công ty Đông Nam phải xếp 145 ha đất này vào mục "loại khỏi giá trị doanh nghiệp". Mặt khác, ông Minh gấp rút thực hiện vụ "sang tay" mảnh đất này cho liên doanh 3 công ty của mình.

Đến tháng 8/2017, hợp đồng góp vốn của 3 công ty hoàn tất. Công ty liên doanh Tân Thành ra đời, trả đủ phần bù 15 triệu USD giá trị khu đất 145 ha cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương.

Dù hợp đồng được ký năm 2017, song giá trị mảnh đất vẫn được ông Minh tự xác định theo giá của 10 năm trước, tức 442 tỷ đồng, cáo trạng nêu.

Cùng thời điểm, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, yêu cầu kiểm toán lại kết quả định giá doanh nghiệp và tài sản sau cổ phần của Tổng công ty Bình Dương. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, khu đất 145 ha sẽ vẫn được tính vào tài sản của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, theo đúng tinh thần công văn 407.

Thực hiện kiến nghị này, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt phương án "phải tính" 145 ha đất vào giá trị của Tổng công ty Bình Dương sau cổ phần hóa.

Ông Liêm, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong cuộc họp ban chỉ đạo cổ phần hóa, diễn ra sau đó 21 ngày, tức 21/11/2017, một lần nữa nhắc lại việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Song theo chỉ đạo trước đó của ông Minh, các cấp dưới tại Tổng công ty vẫn ký công văn gửi UBND tỉnh đề nghị chuẩn y việc loại khu đất khỏi giá trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Công văn đến tay các cán bộ tại Sở Tài chính - bộ phận, trên lý thuyết có nhiệm vụ thẩm định lại và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định chính thức. Trong cuộc họp ngày 21/11, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Thuận bị cáo buộc, biết rõ việc phân loại đất như trên là sai nhưng vẫn ký duyệt tờ trình, gửi Chủ tịch tỉnh.

VKS cáo buộc, chủ tịch tỉnh Liêm, người chủ trì cuộc họp trên, khi nhận Tờ trình có nội dung "trái quy định" trên vẫn đồng ý ký ban hành Quyết định, ngày 8/12/2017.

Từ đây, khu "đất vàng" 145 ha chính thức nằm ngoài giá trị tài sản của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương sau cổ phần, rơi vào tay liên doanh Tân Thành của ông Minh, với giá chỉ 442 tỷ đồng.

Nhà chức trách xác định, giá trị quyền sử dụng 145 ha đất vào thời điểm khởi tố vụ án, tháng 12/2019, là 4.472 tỷ đồng, tức gấp 10 lần giá trị Tân Thành đã mua.

Ông Trần Thanh Liêm khi đương chức. Ảnh: TTXVN

Ông Trần Thanh Liêm khi đương chức. Ảnh: TTXVN

Trong giai đoạn điều tra, ông Liêm khai khi ký quyết định ngày 8/12/2017, "biết rõ" khu đất đã được "sang tên" cho công ty Tân Thành, nhưng vẫn ký "theo sự tham mưu của Sở Tài chính".

Bị can cùng hai cán bộ dưới quyền thừa nhận, biết hành vi trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện do "nể nang" vì Tổng công ty SX-XNK Bình Dương là đơn vị Tỉnh ủy quản lý.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty SX-XNK Bình Dương cũng khai, biết rõ sai phạm nhưng "chịu sức ép và ảnh hưởng uy tín cá nhân" của ông Minh, nên vẫn thực hiện các hành vi trái pháp luật như cáo buộc.

Cáo trạng nêu, bị cáo Minh nhận tội, khai đã thực hiện các sai phạm nhằm "tạo điều kiện" cho mình và các công ty sân sau. Trong vụ án, ông Minh bị truy tố tội Tham ô tài sản, mời 8 luật sư. Cựu chủ tịch Bình Dương bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa. Tỉnh ủy, UBND, Cục Thuế, Sở Tài chính và Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Thanh Lam

Xem thêm: lmth.2466944-gnod-yt-000-4-noh-taoht-taht-gnort-coub-oac-ib-gnoud-hnib-hnit-hcit-uhc-uuc-oas-iv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao cựu chủ tịch tỉnh Bình Dương bị cáo buộc trong thất thoát hơn 4.000 tỷ đồng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools