Buổi tuyên án vụ lừa đảo "Trái tim Việt Nam" vào sáng 9/8 tại TAND Hà Nội có hơn 100 bị hại tới dự, ngồi kín 20 băng ghế cuối phòng xét xử. Phần lớn họ là người cao tuổi từ các tỉnh xa, ôm theo những ba lô lớn đựng giấy tờ, đồ ăn, áo quần.
Chủ mưu vụ án, Trần Đức Trung, cựu chủ tịch Trung tâm hỗ trợ người nghèo (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam) cùng 4 nhân viên bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền hưởng lợi bất chính hơn 52 tỷ đồng. Ông Trung chiếm đoạt nhiều nhất, 30 tỷ đồng, song chưa khắc phục đồng nào.
Trước giờ tuyên án, em trai ông Trung xin bồi thường số tiền thay anh. Bị cáo Trung nghe vậy nói lớn: "Đền gì mà đền? Tôi đang kêu oan, sao phải đền". Một số bị hại bức xúc nói vọng lên: "Ăn một đống tiền còn kêu oan à? Không biết xấu hổ".
Bà Bùi Thị Oanh, bị cáo khác trong vụ án, được con trai tự nguyện bồi thường thay 6,5 tỷ đồng. Do xuất hiện tình tiết mới này, HĐXX dừng phiên toà để hội ý thêm 30 phút.
Rời phòng xét xử, ông Nguyễn Đình Dũng, 72 tuổi, ra hành lang, tranh thủ bỏ gói thuốc trong túi ra uống. Bảy ngày liền luôn có mặt sớm trước cổng tòa, đợi vào dự phiên xét xử, ông than "đã vô cùng mệt mỏi".
Ông bảo 7 năm trước, thời kỳ "nở rộ" của phong trào kinh doanh đa cấp và góp vốn lãi khủng, ở miền quê Đông Sơn, Thanh Hóa của ông ngày nào cũng nườm nượp "cán bộ" quần là áo lượt, xách cặp táp đi tuyên truyền những chương trình làm giàu nhanh, hưởng lãi trọn đời. Khi chia sẻ sự không tin tưởng vào việc "làm giàu gì mà dễ thế" với một người cùng xóm, ông Dũng khi đó bị chê "đi sau thời đại".
"Cả làng mình chơi Trái tim Việt Nam, tôi cũng được nhận lãi mấy tháng nay. Giờ ông mới hỏi", ông hàng xóm lâu năm nói. Ngay hôm sau, một người tự xưng cán bộ Trung tâm hỗ trợ người nghèo, phụ trách địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến gõ cửa nhà ông Dũng với chồng tài liệu tuyên truyền.
Theo người này, Trung tâm hiện có chương trình Trái tim Việt Nam, được "đỡ đầu" bởi nhiều người có địa vị, mục đích giúp nông dân nghèo làm giàu trên chính quê hương và thay đổi vận mệnh.
"Cán bộ này đưa ra với nhiều lựa chọn như đóng 1,2 triệu đồng để mở mã, bắt đầu từ tháng sau chỉ phải đóng 700.000 đồng và nhận khoản hỗ trợ 5,7 triệu đồng", ông Dũng kể. Ngoài ra, theo cam kết, đây sẽ là khoản hỗ trợ trọn đời. Khi nào ông chết, người thừa kế có quyền hưởng tiếp trong 10 năm.
Như nhiều nạn nhân khác của vụ án, ông Dũng không có nhiều nguồn thu nhập. Sau hơn 13 năm chiến đấu chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, cựu binh trở về với thương tật 21%. Thời điểm biết đến Trái tim Việt Nam, ông đang hưởng trợ cấp bệnh binh, mỗi tháng một triệu đồng.
Sợ vợ lo lắng, nhận tiền "lãi" được 2 tháng liền, ông Dũng mới dám kể. Vợ ông, một y tá về hưu, sau đó cũng dành dụm lương hưu để cùng tham gia.
Đúng ngày 15 hằng tháng, "cán bộ" Trung tâm sẽ đi từng nhà chi trả lãi và ký hợp đồng với hội viên mới. Thấy phía trung tâm tận tình, lại trả tiền đúng hẹn, ngày càng nhiều người quanh xã mang tiền tích cóp ra nộp với hy vọng có một khoản tiền "trông cậy tuổi già". Ngoài ra, nếu rủ thêm được một người tham gia mới, hội viên cũ sẽ được trung tâm "thưởng nóng" 500.000 đồng, khiến "mạng lưới" ngày càng rộng.
Cuối năm 2015, Trái tim Việt Nam chi nhánh tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo. Ông Dũng là một trong những hội viên tiêu biểu được nhận giấy mời dự và ăn tiệc tại một khách sạn hạng sang ở thành phố. Trung tâm "ưu tiên" tặng thêm 5 giấy mời để ông Dũng có thể rủ thêm ai tùy thích.
Lần đầu trong đời thấy tên mình in trang trọng trên tấm thiệp bìa cứng cầu kỳ, ông Dũng vừa hồi hộp, vừa tự hào. Sáng sớm ấy, ông cùng hai ông bạn già, đều là cựu chiến binh, bí thư thôn, đóng bộ quần áo xanh bộ đội, đèo nhau lên thành phố.
Ông kể, Chủ tịch Trần Đức Trung cùng Tổng giám đốc Lê Thị Hằng xuất hiện trước hàng trăm hội viên, bày tỏ sự thương xót với người nông dân nghèo trên toàn quốc. "Mấy trăm con người ngồi dưới, ai nấy vỗ tay rào rào, thấy chương trình này nhân văn và sáng sủa lắm", ông kể.
Để đảm bảo cho việc tổ chức của mình không phải là đường dây lừa đảo, bà Hằng cũng tự giới thiệu là Giám đốc tài chính khu vực châu Á, được tổ chức từ thiện quốc tế tài trợ 100 triệu USD, kèm tài sản thừa kế là một ngôi nhà có giá trị rất lớn tại trung tâm TP HCM. "Nếu lừa dối bà con, tôi sẽ lấy tất cả những tài sản này ra đền cho từng người không thiếu một đồng", ông Dũng kể lại lời nữ Tổng giám đốc trong hội thảo.
Thực tế, theo VKSND Tối cao, tất cả thông tin bà Hằng nêu là giả mạo. Ông Dũng cùng hàng nghìn "hội viên" khác của Trái tim Việt Nam tại Thanh Hóa cũng không mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều này.
Sau nửa năm nhận lãi đều đặn, tháng 1/2016, quá ngày chi trả tiền lãi cả tuần không thấy "cán bộ " trung tâm xuống, cũng không thể liên lạc, ông Dũng bắt đầu thấy sốt ruột. Được gần 100 hội viên quanh xã nhờ cậy, ông cùng hai người bạn đèo nhau tới văn phòng ở thành phố Thanh Hóa để hỏi thăm, nhưng địa điểm này đã khóa cửa.
Họ về huyện Thiệu Hoá, tìm đến tận nhà riêng của bà trưởng chi nhánh, khi này đã bị vây kín bởi hàng trăm nạn nhân khác. "Người nhẹ nhàng thì hỏi han, người nóng nảy thì chửi bới dọa nạt, đòi trả tiền", ông kể. Nhưng câu trả lời chung cho tất cả là: "Em cũng không biết làm sao. Đến em cũng bị lừa mấy tỷ đồng".
Đám đông bất bình rủ nhau ra về. Ông Dũng được 95 người cùng làng cử làm đại diện viết đơn tố giác. 7 năm trôi qua, ông bảo mọi người cũng ngày càng ít hy vọng lấy được số tiền mà đến giờ chính ông cũng không nhớ chính xác là mấy chục triệu.
Bản án TAND Hà Nội ngày 9/8 xác định, từ tháng 4/2015, ông Trung cùng đồng phạm lấy danh nghĩa Trung tâm hỗ trợ người nghèo để tổ chức chương trình Trái tim Việt Nam, Liên kết ba bên.
Để nhận được chữ ký và sự ủng hộ của các cựu lãnh đạo, các bị cáo chỉ đề cập đến nội dung tốt đẹp của chương trình là kêu gọi lòng hảo tâm, giúp người nghèo, không đề cập việc người tham gia phải nộp tiền để thành hội viên và nhận lãi suất lớn, bản án nêu.
Cùng với hứa hẹn trả lãi suất cao 475%-814%, các bị cáo đã lừa, chiếm đoạt hơn 52 tỷ đồng của hơn 1.000 người tại 16 tỉnh thành.
Ông Trung chiếm hưởng gần 30 tỷ đồng song không nhận tội, cũng không bồi thường nên bị HĐXX tuyên mức án cao nhất, tù chung thân. Bốn người còn lại bị phạt 6-9 năm tù. Riêng bà Hằng, do chết tháng 6/2021, được VKS rút quyết định truy tố.
Rời phòng xét xử, ông Dũng nói "được an ủi" vì những người có tội đều đã nhận hình phạt xứng đáng, song cũng thừa nhận một phần lỗi do mình "không cưỡng lại được lòng tham".
"Từ nay, có trả lãi bằng vàng ròng, tôi cũng không đưa tiền cho ai nữa", ông nói.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.9208944-oehgn-iougn-oh-gnu-aul-yab-pas-iv-aig-iout-gnom-ov/ten.sserpxenv