Kỳ vọng giảm giá vật liệu vẫn còn khó
Chia sẻ về sự khó khăn của các nhà thầu xây dựng do bão giá vật liệu tại buổi tọa đàm "Giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt bão giá", ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 cho biết thời gian vừa qua, dịch bệnh và “bão giá” đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, hệ luỵ để lại có thể khiến các doanh nghiệp “chết dần chết mòn”, không có sức để tái đầu tư về con người và máy móc, thiết bị.
Đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ đối với giá nhiên liệu sau 4 kỳ giảm liên tiếp, ông Thọ bày tỏ hy vọng về việc giá vật tư, vật liệu cũng sẽ giảm theo nhờ hiệu ứng giảm của giá nhiên liệu. Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn Cienco 4 cũng cho rằng kỳ vọng giảm giá nguyên vật liệu rất khó.
“Cienco 4 đang thực hiện thi công đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cao tốc Bắc - Nam. Hôm qua, đơn vị còn phải ký hợp đồng tăng giá vật liệu vì khan hiếm vật liệu.
Một số mỏ các nhà thầu phải tranh nhau mua nguyên vật liệu trong khi lại bị ép tiến độ thi công, các nhà cung cấp vật liệu nhân cơ hội đó cũng không giảm giá. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến vật liệu tăng giá do lực lượng chức năng siết quy định tải trọng xe.
Vấn đề khan hiếm vật liệu, báo chí đã đưa tin rất nhiều, cũng có nhiều cuộc trao đổi, các địa phương cũng bàn giải pháp nhưng đến nay chưa có hiệu quả. Cần phải có biện pháp tháo gỡ quyết liệt hơn”, ông Thọ bày tỏ ý kiến.
Bên cạnh đó, ông Thọ cũng cho rằng bất cấp ở chỗ vật liệu là nguồn tài nguyên của đất nước tuy nhiên lại giao cho một số chủ mỏ.
“Nếu giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam không có cách làm tốt cũng sẽ bị vỡ trận”, ông Thọ cảnh báo đồng thời cho rằng thời gian làm thủ tục để được khai thác mỏ quá dài cũng gây nhiều khó khăn cho nhà thầu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lê Bách, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch - kỹ thuật Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị vừa là nhà thầu và là nhà đầu tư một dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam cho biết tình hình “bão giá” vật liệu xây dựng bắt đầu khoảng từ quý I/2021.
“Thời điểm chúng tôi lập giá dự thầu của cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, giá thép chỉ khoảng 14.000 đồng/kg. Đến cao điểm khoảng 4/2022, giá thép đã lên tới 20.000 đồng/kg. Hiện nay, đã giảm nhẹ vẫn còn 18.000 đồng/kg, cộng cả hợp đồng gốc với sự trượt giá do các địa phương công bố vẫn chưa thể bù đắp được, chưa đảm bảo được con số 18.000 đồng/kg chúng tôi phải mua”, ông Bách chia sẻ.
Ông Bách cũng cho biết không những thép mà các vật liệu khác như đất đắp, xăng dầu, xi măng… đều tăng khiến giá thành các dự án đang bị vượt khoảng 18-30% so với hợp đồng gốc.
Ở một khía cạnh khác, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cũng cho rằng các đợt bão giá vừa qua cũng là cơ hội cho những nhà thầu thể hiện tiềm lực tài chính, cơ chế phù hợp quản lý doanh nghiệp phù hợp.
“Tại đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, chúng tôi đã giảm giá gần 1.000 tỷ đồng, giúp tiết kiệm cho Nhà nước. Vậy cũng có thể nói, “bão giá” là thách thức và cơ hội để nhận ra nhà thầu có năng lực, đáng tin cậy”, ông Bách nói.
"Đừng để chủ mỏ vật liệu thách thức nhà thầu, nhà đầu tư"
Bàn về giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo tiến độ và chất lượng của các công trình, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhắc lại một số đề xuất mà Hiệp hội mới kiến nghị với Thủ tướng trong đó chủ yếu là vấn đề công bố giá và chỉ số điều chỉnh giá.
“Hiện nay chúng ta vẫn giao cho các địa phương, nên tôi đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ GTVT có sự hỗ trợ để họ thực hiện công bố sớm nhất. Cũng đặt vấn đề là nên có một chỉ số giá riêng cho hệ thống cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, 2.
Thực sự tại địa phương họ có thể đều làm giá của các công trình cấp 1 hoặc quốc lộ, huyện lộ, tỉnh lộ. Đôi khi ngay quốc lộ họ cũng chưa chắc đã làm, do tính chất của loại công trình quyết định đơn giá. Bộ Xây dựng cần sớm hỗ trợ các địa phương, đặc biệt các địa phương có các tuyến cao tốc đi qua.
Cần lường trước các tình huống để có thể xây dựng bộ đơn giá, chỉ số giá cho loại công trình cấp đặc biệt, đó là cao tốc”, ông Chủng khẳng định đồng thời cho biết việc dự trù các cơ chế đặc thù để bù giá sẽ là “thuốc tăng lực” cho nhà thầu trong lúc khó khăn.
Nhấn mạnh vai trò trọng yếu của vấn đề mỏ vật liệu cũng vô cùng quan trọng, ông Chủng cho rằng quy trình mở mỏ khá lâu và vất vả nên cần nghiên cứu lại để giảm bớt quy trình, rút ngắn.
“Mỏ vật liệu chính là tài sản Nhà nước. Đừng để chủ mỏ vật liệu thách thức nhà thầu, nhà đầu tư.
Cần nghiên cứu lại bài toán liên quan chủ mỏ. Nên giao những mỏ vật liệu, vật tư ấy cho nhà đầu tư để họ chịu trách nhiệm trước xã hội, được quyết toán trên giá cả, sự tính toán…”, ông Chủng nói
Cụ thể về vật liệu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng cần ưu tiên 3 vấn đề.
Một là, tác động mạnh mẽ đến các địa phương để sớm có tiến độ, đừng có độ trễ lớn với việc công bố giá và chỉ số giá. Bộ Xây dựng và Bộ GTVT sớm thống nhất xây dựng bộ số giá riêng cho hệ thống đường cao tốc, có thể toàn tuyến hoặc vùng miền.
Hai là, cần “sẵn trong túi” những cơ chế đặc thù để ứng phó với từng tình huống khi “bão giá”, nhất là trong giai đoạn tới. Như cơ chế đặc thù năm 2008 được đánh giá là hiệu quả với nhiều doanh nghiệp.
Ba là, đơn giá định mức cần cải tiến. Chất lượng công trình quan trọng nhất là con người.
Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho hay, ngay từ giai đoạn đầu khi có biến động về giá thép, trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã có văn bản yêu cầu các Ban quản lý dự án, các nhà thầu thống kê lại tình hình biến động giá thép. Trên cơ sở đó, Cục cũng đã tổng hợp báo cáo Bộ GTVT, có văn bản gửi Bộ Xây dựng tổng hợp về tình hình biến động giá thép trong giai đoạn đầu năm 2021.
“Giai đoạn vừa qua, giá xăng dầu, giá đất, đá đều có diễn biến tăng bất thường, Cục tiếp tục tham mưu Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất định cho nhà thầu trong việc xử lý biến động giá”, ông Lê Quyết Tiến thông tin.
Tuy nhiên, ông Lê Quyết Tiến cho hay, sau khi có báo cáo của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đã có đoàn công tác kiểm tra các địa phương công bố giá và chỉ số giá và gần đây nhất ngày 10/8/2022, Bộ Xây dựng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trong đó đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Theo thống kê, hiện nay đã có 44 địa phương công bố giá vật liệu hàng tháng, 19 địa phương công bố giá vật liệu hàng quý. Một số địa phương đã thực hiện tốt công bố giá vật liệu bám sát biến động thị trường.
Bộ GTVT cũng đề xuất giải pháp có thể xem xét tách công thức giá, không công bố giá bình quân cho cả hợp đồng mà tách ra một số nhóm vật liệu chính bị biến động lớn. “Nếu Bộ Xây dựng ủng hộ, đề nghị xem xét, tiếp tục kiểm tra hướng dẫn các địa phương ban hành chỉ số giá đầy đủ, sát với thực tiễn. Nếu được thì có thể tách công thức điều chỉnh giá. Chỉ số giá và giá là yếu tố chính quyết định cho việc áp dụng điều chỉnh giá có phù hợp hay không”, ông Tiến chia sẻ.
Về phía Bộ Xây dựng, ông Đặng Hoài Nam - Trưởng phòng Định mức và Đơn giá, Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục tình trạng chậm ban hành công bố giá vật liệu, chỉ số giá tại địa phương. Hiện nay, có 44 địa phương công bố giá theo tháng; 19 địa phương công bố theo quý.
Việc công bố giá và chỉ số giá của các địa phương được thực hiện theo nhiệm vụ, chức năng quản lý Nhà nước về chi phí đầu tư, và đã được làm từ nhiều năm nay trước khi có quy định quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Việc công bố này được quy định theo từng thời kỳ và tần suất, chẳng hạn theo tháng, quý hoặc khi có biến động trên thị trường.