Mô hình chuỗi cà phê bùng nổ những năm gần đây và vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, tác động từ đại dịch Covid-19 và sức ép cạnh tranh từ tên tuổi mới đang phả hơi nóng vào những cái tên đứng đầu như Highlands Coffee.
Xét về quy mô doanh thu, Highlands Coffee vẫn là chuỗi đứng đầu thị trường, nhưng kết quả kinh doanh của thương hiệu này đang có dấu hiệu đi xuống.
Doanh thu của Công ty cổ phần Dịch vụ cà phê Cao Nguyên – chủ sở hữu chuỗi cà phê Highlands Coffee đã tăng liên tục nhờ chiến lược mở rộng sự hiện diện tại các thành phố lớn, lần đầu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng vào năm 2017. Chỉ hai năm sau, doanh thu của Highlands Coffee vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh lập đỉnh trong giai đoạn 2019-2020.
Tuy nhiên, năm 2021, chuỗi tăng trưởng liên tục của thương hiệu này bị phá vỡ khi doanh thu giảm gần 20%, chỉ còn hơn 1.700 tỷ đồng. Đồng thời, Highlands Coffee cũng báo lỗ hơn 19 tỷ đồng. Lần gần nhất trước đó chuỗi này lỗ là năm 2014.
So với những chuỗi khác trên thị trường, quy mô biên lãi gộp của Highlands luôn ở nhóm cao nhất, duy trì khoảng 70% trong ba năm gần đây. Tuy nhiên, lợi nhuận của chuỗi này tương đối khiêm tốn do chi mạnh tay cho chi phí bán hàng.
Theo đó, lãi ròng của Công ty Dịch vụ cà phê Cao Nguyên ghi nhận gần 100 tỷ đồng trong hai năm 2017 và 2018, giảm xuống còn 55-80 tỷ trong hai năm tiếp theo dù doanh thu lập kỷ lục. Năm 2021, công ty này báo lỗ.
Cuối năm 2021, Highlands Coffee liên tiếp vướng lùm xùm với một số chủ mặt bằng khi chuỗi này bị tố nợ tiền thuê nhiều tháng, tới hàng tỷ đồng.
Công ty cổ phần Nhà Hòa Bình đã gửi đơn tố cáo vì bị Công ty cổ phần Dịch vụ cà phê Cao Nguyên nợ gần 5 tháng tiền mặt bằng tại tòa nhà Pax Sky (đường Ung Văn Khiêm). Trước khi xảy ra tranh chấp với Nhà Hòa Bình, chuỗi cà phê này cũng từng nợ 6 tháng tiền thuê mặt bằng tại tòa nhà Artemis (Thanh Xuân, Hà Nội) trên một tỷ đồng.
Trả lời báo chí, Highlands Coffee xác nhận có thuê mặt bằng và gặp khó khăn về kinh doanh trong giai đoạn các thành phố áp dụng giãn cách.
Thương hiệu Highlands Coffee ra đời từ năm 1999, khởi đầu với sản phẩm cà phê đóng gói tại Hà Nội. Năm 2002, thương hiệu này bắt đầu mở rộng sang mô hình chuỗi cà phê, với quán Highlands Coffee đầu tiên ra đời tại TP HCM. Kể từ đó, chuỗi này không ngừng phát triển, trở thành thương hiệu cà phê nổi tiếng, không chỉ hoạt động trong nước mà còn lấn sân sang thị trường quốc tế.
Năm 2012, Highlands Coffee được mua lại bởi Jollibee Foods - một tập đoàn nhà hàng tại Philippines. Cuối năm 2016, Jollibee Foods Corp (JFC) và đối tác là Công ty Việt Thái Quốc tế (VTI) lên kế hoạch niêm yết chuỗi cửa hàng Highlands Coffee lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay, ý định này vẫn chưa được thực hiện.
So với những đối thủ trên thị trường, Highlands Coffee đi lên nhờ đánh vào tính bao phủ, không gian phù hợp để làm việc thay vì khẩu vị của khách hàng. Duy trì một thực đơn đồ uống đơn giản, dễ chọn nhưng Highlands len lỏi khắp các tòa nhà lớn và trung tâm thương mại, hiện diện ở những vị trí đắc địa. Đặc trưng này của Highlands Coffee cũng phần nào phản ánh qua các chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh.
Minh Sơn