Chủ tịch nước trao quyết định cho sĩ quan công an đi gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc - Ảnh: TTXVN
Chiều 12-8, Bộ Công an tổ chức lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho sĩ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và quyết định của bộ trưởng Bộ Công an về thành lập Văn phòng thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Đến dự buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong những năm qua, phát huy vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã thúc đẩy triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới, giải quyết các thách thức an ninh của nhân loại, được Liên Hiệp Quốc và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Chủ tịch nước vui mừng khi biết đến nay Bộ Công an đã có 8 sĩ quan được Liên Hiệp Quốc kiểm tra và đạt các yêu cầu về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, trong đó có 4 sĩ quan được Liên Hiệp Quốc lựa chọn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và Phái bộ Nam Sudan trong năm 2022.
Chủ tịch nước nêu rõ việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đã góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nâng cao hơn nữa hình ảnh, vai trò, trách nhiệm của lực lượng vũ trang Việt Nam nói chung, lực lượng Công an nhân dân nói riêng trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Để tiếp tục tham gia sâu rộng vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và triển khai có hiệu quả lực lượng Công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu, thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Trước hết, tiếp tục triển khai hiệu quả đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, các kế hoạch thực hiện nghị quyết số 130 của Quốc hội và nghị định số 61 của Chính phủ, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Bộ Chính trị về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc; trong đó có việc lấy ý kiến của từng thành viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia.
Bộ Công an tham mưu có hiệu quả với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, nhất là về quy trình, chế độ, chính sách; nghiên cứu xây dựng Luật tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Cùng với đó, Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để bảo đảm an ninh, an toàn ở mức cao nhất cho cán bộ, sĩ quan thực hiện nhiệm vụ.
Đối với các sĩ quan Công an nhân dân lần đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc cần tiếp nối truyền thống, kế thừa những thành quả của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam để phát huy bản lĩnh, trí tuệ, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của Liên Hiệp Quốc; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường và chủ động thích ứng trong thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ với điều kiện khó khăn, phức tạp theo sáng kiến "Hành động vì hòa bình" của Liên Hiệp Quốc.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Công an tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Quốc phòng, thúc đẩy hợp tác với Liên Hiệp Quốc, các quốc gia, đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị lực lượng, đào tạo, huấn luyện cũng như năng lực chuyên môn, nghiệp vụ gìn giữ hòa bình và trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng sinh tồn để sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ ở cả cấp độ phái bộ và cấp độ hoạch định chính sách, chiến lược tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam, tiến tới chủ động hoàn toàn về năng lực và tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế về gìn giữ hòa bình. Triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược để từng bước tham gia sâu rộng hơn nữa vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, từng bước mở rộng lực lượng, địa bàn, vị trí tham gia, nhất là các vị trí tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Ngày 15-6-2021, bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định thành lập Văn phòng thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (Văn phòng thường trực).
Sau khi thành lập, Văn phòng thường trực đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và tại các phái bộ gìn giữ hòa bình.
Qua đó, đã phối hợp với Liên Hiệp Quốc, các đối tác nước ngoài, sự hỗ trợ hiệu quả của Cục Gìn giữ hòa bình (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho 23 sĩ quan tham gia đào tạo, huấn luyện, đăng ký ứng tuyển các vị trí gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Đến nay, Bộ Công an đã có 8 sĩ quan được Liên Hiệp Quốc kiểm tra, đạt các yêu cầu về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
TTO - Các cơ quan Liên Hiệp Quốc, đối tác quốc tế, các quốc gia thành viên và quan sát viên đã có mặt tại Việt Nam cùng khai mạc hội thảo AAPTC nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.