Ngành dệt may đối diện với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm khi đơn hàng giảm, xuất khẩu gặp khó từ các thị trường lớn - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhiều chuyên gia cho rằng khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sẽ còn kéo dài, thậm chí với mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Do đó nếu không sớm có các giải pháp đồng bộ, sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhiều doanh nghiệp sẽ khốn đốn.
Doanh thu, đơn hàng giảm mạnh
Buộc phải cho lao động nghỉ luân phiên trong thời gian qua vì đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, đại diện Công ty gỗ Thuận An (Bình Dương) cho biết khoảng 2 - 3 tháng qua, thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Úc đã bắt đầu giảm mua hàng, và từ đó đến nay giảm liên tục.
Không chỉ giảm mua đối với sản phẩm giá trị cao như giường, tủ, ngay cả hàng giá rẻ như ghế, đồ mỹ nghệ... cũng đang ế khách. "Thị trường Mỹ, châu Âu chiếm hơn 90% lượng hàng xuất khẩu của đơn vị nên hoạt động sản xuất đang rất khó khăn", vị này than.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết thị trường xuất khẩu chính của đồ gỗ Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Anh... đang bị sụt giảm nghiêm trọng là do lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu.
Theo kết quả khảo sát hoạt động 6 tháng đầu năm của 52 doanh nghiệp hội viên, có đến hơn 90% bị giảm đơn hàng xuất khẩu so với cùng kỳ 2021, trong đó có tới 32 doanh nghiệp có mức giảm 30 - 90%. Cũng theo khảo sát, có đến 73% doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí nhiều đơn vị giảm 70 - 90%.
Với lĩnh vực gốm sứ, ông Vương Siêu Tín, giám đốc Công ty Phước Vũ Long (Bình Dương), cho biết lượng đơn hàng được tái ký cho từ tháng 9 trở đi đang bị giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, và khả năng còn giảm mạnh hơn do các đối tác lớn ở Mỹ đang gặp khó.
"Nhiều người mua đã cảnh báo về việc hạn chế nhập khẩu, đặc biệt khách hàng ở Mỹ - thị trường nhập 90% lượng gốm sứ của đơn vị - đang gặp khó do lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng mạnh", ông Tín lo ngại.
Theo đại diện Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, thông thường các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu trong nhiều tháng, thậm chí cả năm. Do đó nếu các đợt tái ký tới đây gặp khó, xuất khẩu gốm sứ của nhiều doanh nghiệp có thể bị sụt giảm mạnh trong cả năm tới, chưa kể bị ép giá.
Tương tự, chỉ mới vài tháng trước, ngành dệt may còn nhận được rất nhiều đơn hàng xuất khẩu, nhưng số lượng đơn hàng bắt đầu giảm gần đây. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khoảng 1 - 2 tháng qua sức mua đã giảm lại, số lượng doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng đang có xu hướng gia tăng.
"Chính trị căng thẳng, giá dầu thiếu ổn định, dịch bệnh... dẫn đến lạm phát đang gia tăng tại nhiều quốc gia, người dân thắt chặt chi tiêu, hàng tồn kho tăng. Là mặt hàng không thiết yếu, nhu cầu với thời trang vì thế giảm", bà Mai lý giải.
Theo một lãnh đạo Hiệp hội Giày da TP.HCM, khoảng 70 - 80% lượng hàng được sản xuất phục vụ xuất khẩu nhưng kênh này lại đang sụt giảm nhanh khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. "Đơn hàng xuất khẩu của ngành giày da, may mặc trong quý 3 và 4, thậm chí sang năm 2023 có thể sẽ giảm nhiều so với 6 tháng đầu năm 2022", vị này nhận định.
Sớm có giải pháp vì khó khăn còn dài
Thay vì liên tục tăng ca như đầu năm, thời gian qua chị Huỳnh Thị Thu Chung (quận 12, TP.HCM), công nhân một công ty may mặc, hầu như phải về sớm do đơn hàng giảm, công nhân phải luân phiên nghỉ. "Nếu tăng ca mỗi tháng tôi có thể kiếm 9 triệu đồng, nhưng giờ tối đa chỉ khoảng 6 triệu đồng", chị Chung than.
Anh Đỗ Quốc Nam, công nhân tại cơ sở sản xuất đồ gỗ An Đình (Bình Dương), cho biết đang xin nghỉ việc do thu nhập giảm sút từ nhiều tháng qua vì thiếu đơn hàng. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, nếu đơn hàng tiếp tục giảm, một số nhà máy chế biến đồ gỗ buộc phải cắt giảm lượng lớn lao động. Tuy nhiên đây là điều khá rủi ro đối với doanh nghiệp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kiều Huỳnh Sơn, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM, cho biết đơn hàng sụt giảm, chi phí cho lao động tăng vì Nhà nước điều chỉnh lương, nên xu hướng cắt giảm lao động sẽ gia tăng ở nhiều lĩnh vực.
Dù vậy theo ông Sơn, doanh nghiệp cần thận trọng vì nguồn lao động sau dịch COVID-19 dịch chuyển mạnh nên sẽ khó tuyển trở lại, nguy cơ ảnh hưởng xấu trong dài hạn.
Không chỉ sụt giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp cho biết việc tiết giảm giá thành sản xuất để tăng cạnh tranh đang gặp khó khăn khi giá cước vận tải vẫn chưa giảm theo giá xăng dầu, giá nhiều nguyên vật liệu neo cao và thiếu hụt do đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt từ Trung Quốc.
Theo ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, tình hình sụt giảm đơn hàng của nhiều ngành nghề sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới do xung đột chính trị tại nhiều khu vực, giá xăng dầu chưa ổn định, lạm phát tại nhiều nước dự báo còn kéo dài, đặc biệt là Mỹ, châu Âu. Do đó, doanh nghiệp cần sớm có giải pháp.
"Nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp chỉ chú trọng xuất đi thị trường quen thuộc mà bỏ qua châu Á, trong nước - những nơi ít bị lạm phát hơn. Do đó dư địa mở rộng thị trường tại các khu vực này còn lớn, cần sớm cải thiện. Song song đó cần sản xuất nhiều những sản phẩm bình dân hơn để phù hợp với thị hiếu khách hàng trong giai đoạn khó khăn", ông Việt Anh nhận định.
Với đồ gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng nhờ thế mạnh về nhân công, nguyên liệu, Việt Nam vẫn là địa chỉ được khách hàng thế giới quan tâm. Tuy nhiên với khủng hoảng thiếu đơn hàng hiện nay, khả năng doanh nghiệp vẫn còn chịu tác động tiêu cực trong 6 - 18 tháng tới.
"Ngoài giãn nợ và giảm lãi suất, Nhà nước nên nhanh chóng hoàn thuế VAT, giảm hoặc giãn đóng bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập doanh nghiệp... Đồng thời, thiết kế nhanh các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp khó", ông Phương kiến nghị.
Ngành dệt may đối diện nhiều khó khăn
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7-2022 giảm 1,1% so với tháng 6 nhưng tăng 8,3% so với tháng 7-2021. Tính chung 7 tháng, ngành hàng này dù tăng 16,8% nhưng chậm lại so với mức tăng 18,81% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Những tháng cuối năm, ngành dệt may được dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn, nhất là những biến động khó lường từ thị trường thế giới như xung đột quân sự Nga - Ukraine, giá năng lượng, lạm phát, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tại nhiều nền kinh tế. Đặc biệt, tổng cầu hàng dệt may toàn cầu đã có những dấu hiệu giảm, nhất là tại thị trường lớn là Hoa Kỳ và EU.
Nhiều thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Cùng với đó là tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
NGỌC AN
Vẫn có nhiều điểm sáng
Trong bối cảnh khó khăn chung những tháng cuối năm, theo Bộ Công thương, mảng điện thoại và linh kiện tiếp tục là điểm sáng nhất trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của nước ta đạt 29,1 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm trên 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2022.
Với một số ngành hàng sản xuất gia công, ngành da giày có điểm sáng hơn cả. Sản lượng sản xuất có triển vọng hơn khi trong 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 15,1%; sản lượng giày, dép da ước đạt 183,5 triệu đôi, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, xuất khẩu giày dép cũng tăng 11,4% trong 6 tháng đầu năm, đạt 11,7 tỉ USD.
N.AN
Vận tải biển cũng bị vạ lây
Tàu hàng vào cảng Cát Lái, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhu cầu xuất khẩu giảm khiến sản lượng hàng hóa qua đường biển và hàng không có dấu hiệu giảm tốc. Theo đại diện Kho hàng hóa hàng không miền Nam, thuộc Công ty CP dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS), ngay từ đầu tháng 7, sản lượng hàng xuất đã có dấu hiệu chững lại ở một số thị trường như Mỹ, châu Âu. Hàng hóa đi bằng đường hàng không chủ yếu là vật tư y tế, trái cây, thủy sản...
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cũng cho biết sản lượng hàng hóa qua cảng biển 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 64 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng container qua cảng biển giảm 8,9%, khoảng 2,7 triệu Teu.
Tình hình sụt giảm hàng hóa qua cảng biển khiến việc kinh doanh của nhiều cảng như Cần Thơ, Hậu Giang, Đình Vũ... đều bị thua lỗ, với mức lỗ khoảng 1,3 - 21,4 tỉ đồng.
Theo các doanh nghiệp logistics, sản lượng hàng hóa qua cảng biển tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ do nhiều nguyên nhân như giá cước vận chuyển dù hạ nhiệt nhưng vẫn neo cao, chính sách zero COVID của Trung Quốc.
Hơn nữa hàng hóa xuất khẩu giảm do lạm phát tăng ở Mỹ và châu Âu tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa.
C.TRUNG
* Ông Phạm Văn Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans):
Không phụ thuộc vào một vài thị trường
Phần lớn các doanh nghiệp dệt may đang đối diện với giai đoạn khó khăn do chi phí nguyên vật liệu tăng trong khi đơn đặt hàng giai đoạn cuối năm lại giảm phổ biến đến 30%. Riêng Công ty Việt Thắng Jeans cũng giảm đơn hàng từ 20 - 30% đối với các mặt hàng phổ thông.
Thị trường xấu do lạm phát ở các nước khiến đơn hàng đi châu Âu, Mỹ vào các tháng 9 đến tháng 12 có xu hướng giảm. Để giữ đơn hàng cho ngành may, theo tôi, các doanh nghiệp cần mở rộng tìm kiếm các thị trường mới bên cạnh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc.
* Ông Phạm Xuân Trình (giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam):
Phải có kế hoạch linh hoạt
Khác với giai đoạn sản xuất ổn định nửa đầu năm, chúng tôi đang gặp khó khăn về sản xuất khi đơn hàng giảm trong những tháng cuối năm do lạm phát xảy ra trên toàn cầu. Ngoài ra chiến sự tại Nga - Ukraine, giá nguyên vật liệu tăng cao, nhu cầu hàng may mặc giảm... cũng đã tác động đến xuất khẩu của doanh nghiệp những tháng cuối năm nay.
Do số lượng đơn hàng trong 6 tháng cuối năm rất ít nên kim ngạch xuất khẩu chung của các doanh nghiệp dệt may cũng sẽ thấp hơn nửa đầu năm trong khi các chi phí nguyên vật liệu vẫn còn neo cao. Do đó theo tôi, các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch linh hoạt để đáp ứng từng thời kỳ ngắn, thay vì xây dựng kế hoạch cho cả năm hay 6 tháng.
NGỌC HIỂN ghi
TTO - Tháng 6 và 7-2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản liên tiếp sụt giảm về giá trị xuất khẩu. Dự báo các tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh doanh thu và đơn hàng tại thị trường lớn nhất Mỹ, EU, Anh... do lạm phát dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm.
Xem thêm: mth.23991908031802202-ohk-pag-uahk-taux-maig-gnah-nod/nv.ertiout