Liên Hoa hỗ trợ các em học online tại lớp học cộng đồng ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Hành trình tới Fulbright của Hoa là hành trình vượt qua rào cản và định kiến.
Hoa là người chăm chỉ, không ngại khó khăn và hiểu được trách nhiệm của bản thân không chỉ với gia đình em mà còn là với cộng đồng nơi em sống. Đó là sức mạnh lớn mà tôi tin rằng em sẽ còn đi xa hơn nữa và mang nhiều giá trị cho xã hội.
Thầy Phạm Văn Anh (sáng lập Thư viện cộng đồng EVG)
Con gái cần chi học?!
Quê ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, Đan Ý Liên Hoa thường nghe rằng phụ nữ thì không cần phải học cao vì trước sau cũng đi lấy chồng. "Ở đây, mọi người xem điều đó là chuyện bình thường, vì đàn ông mới là trụ cột gia đình, mới cần phải đi làm" - Hoa kể.
Năm năm trước, Hoa là cô bé cực kỳ nhút nhát và mắc chứng sợ đám đông nặng nề. Những ngày đầu đến Thư viện cộng đồng EVG, khi gặp đoàn tình nguyện viên từ Singapore đến để dạy học, Hoa sợ tới mức bật khóc.
Để đậu học bổng vào Trường ĐH Fulbright Việt Nam Liên Hoa cho biết em dành nhiều thời gian học, nghiên cứu đến đêm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Với tiếng Anh, những năm đó Hoa hoàn toàn không hiểu mình cần học ngôn ngữ này để làm gì nên cực kỳ chán ghét những tiết tiếng Anh ở trường. Thầy Văn Anh (người sáng lập Thư viện cộng đồng EVG) thấy vậy nên động viên Hoa thử sức với vai trò tình nguyện viên giống với các bạn tình nguyện viên Việt Nam khác đi cùng với đoàn bên cạnh vai trò là một người học.
Kết thúc dự án đó, Hoa chính thức vượt qua bóng tối sợ đám đông khi có cơ hội đứng trước bạn bè quốc tế rồi chia sẻ về văn hóa của dân tộc mình, tiếng Anh đã được cải thiện từ những lần làm việc và trò chuyện cùng những người bạn nước ngoài.
Từ thất bại ở kỳ ưu tiên
Em Đan Ý Liên Hoa (xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Dành nhiều tâm huyết cho kỳ ưu tiên nhưng không đậu vì không đáp ứng được điều kiện tiếng Anh của Trường Fulbright, Hoa gần như sụp đổ. "Những ngày đó, thầy cô và các anh chị ở thư viện chính là người đã vực dậy tinh thần của mình, mọi người bảo với mình rằng "không sao cả", rằng mình cứ trau dồi thêm rồi đăng ký lại vào kỳ mùa xuân, làm lại những điều chưa làm tốt ở kỳ ưu tiên" - Hoa tâm sự.
Biết mình yếu ở kỹ năng nghe, Hoa bật podcast nước ngoài suốt ngày suốt đêm để nghe thụ động. Khi chủ động tìm kiếm những báo cáo về giáo dục, Hoa đầy chua xót khi đọc được những con số như Đồng bằng sông Cửu Long đứng top 3 trên cả nước về tỉ lệ học sinh bỏ học hay tỉ lệ lấy chồng sớm...
Khi có thời gian, Đan Ý Liên Hoa còn đọc, kể chuyện cho các em nhỏ trong xóm nghe - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Và rồi Hoa đã đến với vòng phỏng vấn của Fulbright bằng tâm thế của một người sống có khát khao và mục đích, Hoa muốn phụng sự cho cộng đồng, muốn sau khi lên đại học có thể tạo ra thêm nhiều lớp học cho các bạn nhỏ ở nơi mình đang sống, muốn xóa bỏ dần đi khoảng cách giữa giáo dục ở nông thôn và thành thị và quảng bá văn hóa Khmer vì biết rằng văn hóa của cộng đồng mình cũng đang dần mai một.
Đan Ý Liên Hoa đã thuyết phục được hội đồng tuyển sinh của Fulbright bằng câu chuyện và khát khao của bản thân mình như thế.
Quay về đóng góp cho quê hương
Những kiến thức Hoa biết em cũng dành thời gian đứng lớp để phổ cập thêm cho các em nhỏ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
- Ngày phỏng vấn ứng tuyển vào Trường ĐH Fulbright, Hoa đã chọn mặc bộ trang phục truyền thống của cộng đồng dân tộc. Với phong thái tự tin và chừng mực, Hoa đã kể cho hội đồng tuyển sinh nghe những câu chuyện về dân tộc Khmer.
Trong Hoa luôn có những suy nghĩ về việc vượt qua khỏi "vùng an toàn" và những khuôn mẫu, định kiến xã hội nơi bạn đang sinh sống. Nhưng không phải là "vượt giới hạn" để tách biệt khỏi cộng đồng đó mà trên hết là để hướng tới đích đến thành công nhằm phụng sự xã hội, quay trở lại đóng góp và trả ơn cho cộng đồng và những người đã dìu dắt mình.
(Ông Huỳnh Quang Hiếu - cán bộ tuyển sinh cao cấpTrường ĐH Fulbright - người phỏng vấn Liên Hoa)
- Hoa là một mảnh ghép phù hợp trong bức tranh đa dạng đầy màu sắc tại Fulbright vì bạn đã thể hiện mình là một sinh viên Fulbright tương lai đầy tiềm năng với nền tảng kiến thức vững chắc, có tinh thần cộng tác tốt, cũng như có thể hòa nhập tốt trong một môi trường giảng dạy bằng tiếng Anh.
Hội đồng tuyển sinh Fulbright cũng nhìn thấy được trong Hoa ngoài những nền tảng về học thuật còn có những đặc điểm phẩm chất mà chúng tôi tìm kiếm như tinh thần tiên phong, khát khao học hỏi, hướng tới cộng đồng, có tinh thần trách nhiệm và quan tâm đến người khác.
(Bà Lê Thị Quỳnh Trâm - giám đốc văn phòng tuyển sinh và hỗ trợ tài chính, Trường ĐH Fulbright)
TTO - Trường đại học Fulbright Việt Nam vừa công bố 5 thành viên mới tham gia hội đồng tín thác của nhà trường, trong đó có giáo sư Ngô Bảo Châu và bà Lê Diệp Kiều Trang.
Xem thêm: mth.15832153221802202-thgirbluf-oav-hnirt-hnah-av-remhk-iag-oc/nv.ertiout