Bộ Y tế đề xuất nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường - Ảnh: THU HIẾN
Đề xuất phụ cấp 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế phường
Tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế xây dựng, bộ đề xuất nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị sửa đổi khoản 4: Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này.
Bổ sung khoản 7: Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 - 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 - 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Chưa quyết số phận 24 dự án điện mặt trời 12.700 tỉ đồng
Liên quan đến số phận 24 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết thường trực Chính phủ sẽ xem xét việc giữ lại quy hoạch điện mặt trời đến năm 2023 đối với 2.428 MW của các dự án này.
Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Công thương phân tích chi tiết các dự án này theo nhóm như có chủ trương đầu tư, cấp đất, mua sắm thiết bị, đã lắp đặt. Trước đó, Bộ Công thương cho hay nếu loại bỏ 24 dự án này sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân khoảng 12.700 tỉ đồng và “có rủi ro về pháp lý”.
Đối với trường hợp cho phép triển khai, Bộ Công thương cho rằng các dự án này phải bám sát khả năng hấp thụ của lưới điện quốc gia, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, tuân thủ cơ chế giá thời điểm đưa vào vận hành và “tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt”.
Theo tìm hiểu, cả nước hiện có 5 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời đã thi công xong với tổng công suất hơn 450 MW, đã phát điện lên lưới nhưng còn chờ xác định giá bán, trong đó có các dự án của Trung Nam Group, Bamboo Capital và T&T Group...
Đề xuất bố trí vốn đầu tư 16 nút giao lớn tại TP.HCM
Nút giao ngã bảy Lý Thái Tổ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sở Giao thông vận tại TP.HCM kiến nghị UBND TP sớm bố trí vốn đầu tư 16 nút giao lớn trên địa bàn TP để giảm ùn tắc, cải thiện kết nối. Trong 16 nút giao này có 1 nút giao đã được duyệt, 5 nút giao được HĐND thông qua và 10 nút giao vẫn còn chưa được phê duyệt đầu tư.
Dự án đã được thông qua là dự án cầu vượt ở khu vực ngã tư Đình (quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Quá, quận 12) với tổng vốn khoảng 480 tỉ đồng.
5 dự án nút giao khác đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương với tổng kinh phí khoảng 4.000 tỉ đồng gồm: Linh Xuân (quốc lộ 1 - 1K), Nguyễn Thị Định - Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức); ngã tư Bốn Xã (Thoại Ngọc Hầu - Hương Lộ 2 - Lê Văn Quới, quận Tân Phú, Bình Tân); ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong và ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 10).
10 nút giao còn lại chưa được duyệt chủ trương đầu tư. Sở kiến nghị được bố trí 5 tỉ đồng để thực hiện các bước chuẩn bị như lập, thẩm định, quyết định chủ trương.
Ca COVID-19 tăng, tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nhiều nơi vẫn rất thấp
Đến nay chỉ còn 17 ngày nữa phải hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong khi biến thể mới BA.4, BA.5 xâm nhập nhiều nơi khiến ca COVID-19 gia tăng và năm học mới đang đến gần, nhưng hiện vẫn có 10 tỉnh, thành tiêm rất thấp mũi 1 và 2.
Theo Bộ Y tế, sau gần 4 tháng triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tính đến chiều 13-8, tổng số mũi tiêm cho nhóm trẻ này trên cả nước là 13.514.946, trong đó mũi 1: 8.538.368 trẻ (đạt tỉ lệ 76,3%); mũi 2: 4.976.578 trẻ (đạt tỉ lệ 44,5%).
5 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm mũi 1 thấp dưới 57% là Hà Tĩnh (48,4%); Đà Nẵng (41,3%); Quảng Nam (44%); Bình Thuận (56,8%); TP.HCM (51,2%). 3 tỉnh có tỉ lệ cao là Bắc Giang (95%), Vĩnh Long (95%), Cà Mau 94,4%).
5 tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm mũi 2 thấp dưới 28% là Vĩnh Phúc (26,3%); Đà Nẵng (17,6%); Quảng Nam (14%); Khánh Hòa (22,4%); Bình Dương (27,2%). 3 tỉnh có tỉ lệ cao gồm Ninh Thuận (75,2%); Sóc Trăng (86,4%); Bạc Liêu (79%).
Tại TP.HCM, Sở Y tế TP đã đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông cho phụ huynh, học sinh; vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm vắc xin để nâng cao miễn dịch cho trẻ em và cộng đồng; tiếp tục tăng số điểm tiêm tại các trường học...