Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: D.PHAN
Vẫn còn gần 50% trẻ chưa tiêm thì trường hợp bé gái 9 tuổi, đang học tại một trường quốc tế ở TP.HCM, con chị T.T.M.D. (40 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh) nằm trong số này. Chị D. cho hay đến giờ chị vẫn chưa cho bé tiêm một mũi vắc xin COVID-19 nào.
Chị D. nói do bản thân chị đã tiêm 3 mũi và chị cảm thấy có sụt giảm trí nhớ nên sợ con cũng bị ảnh hưởng như vậy. Hơn nữa con chị cũng mới mắc COVID-19 vào đầu tháng 3 vừa qua, bé lướt qua cũng khá nhanh nên càng không muốn cho con tiêm vắc xin.
Còn chị N.T.P.T. (43 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận) cho biết 2 bé 17 tuổi và 8 tuổi của chị cũng chưa tiêm mũi nào.
Với bé 17 tuổi, chị cho rằng đây là "tuổi bẻ gãy sừng trâu" nên sức đề kháng đang rất tốt, con chị ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đi bơi hằng ngày, không có bệnh nền gì nên chị tự thấy không cần thiết phải tiêm.
Bé cũng đã mắc COVID-19 với những triệu chứng nhẹ hơn cảm thông thường. Với bé 8 tuổi, khi cả nhà mắc COVID-19 cùng ở chung nhưng bé cũng không có bất cứ triệu chứng gì.
"Điều này lý giải có thể con mắc COVID-19 mà không có triệu chứng hoặc con có thể không bị mắc. Dù mắc hay không tôi cũng thấy cơ thể con "không sợ gì" COVID-19 nên không đăng ký cho con tiêm", chị T. nói.
Ngoài các lý do nêu trên thì cả chị D. và chị T. cùng cho biết đều không thấy nhà trường hay bất kỳ ai hỏi lý do tại sao gia đình lại không đăng ký tiêm cho con hay con các chị có từng mắc bệnh COVID-19 hay chưa...
Để tìm hiểu vì sao vẫn còn nhiều trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19, mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã khảo sát nhanh các thông tin liên quan đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 của 609 phụ huynh (với 369 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và 240 trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi) đang theo học tại các trường trong 22 quận, huyện và TP Thủ Đức về việc tiêm vắc xin.
Kết quả khảo sát ghi nhận có 133/609 trẻ vẫn chưa được tiêm vắc xin (21,8%), trong đó, có 17 phụ huynh không nhận được bất kỳ tin nhắn nào kêu gọi nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ nhà trường, 37 phụ huynh đã ký đồng thuận tiêm trước đó nhưng cũng chưa nhận được tin nhắn thông báo ngày tiêm, điểm tiêm và có đến 84 phụ huynh cho biết chưa nhận được bất cứ khảo sát nào của nhà trường hỏi về tiền sử mắc COVID-19 hoặc ý kiến thế nào về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 của các trẻ.
Với nhóm trẻ này, đến hết ngày 12-8, tỉ lệ được Sở Y tế TP.HCM ghi nhận là 53,7% mũi 1 và 28,1% mũi 2 . Là địa phương có số học sinh lớn, TP.HCM sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trẻ mắc COVID-19 nhập viện có xu hướng tăng
Trẻ em bị mắc COVID-19 điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố Thủ Đức thời điểm tháng 8-2021 - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong khi số trẻ được tiêm vắc xin mới ở mức trên 50% thì theo Sở Y tế TP.HCM, tình hình này là lo ngại khi Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nêu tên trở lại trong danh sách các nước có số mắc cao, dù WHO cũng ghi rõ số ca mắc tăng cao là do một số địa phương mới cập nhật số liệu bổ sung.
Tại TP.HCM, số trẻ nhập viện vì mắc COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, trong ngày 12-8, tổng số trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện nhi của TP là 13 trường hợp, tăng 2 trường hợp so với ngày hôm trước. Tất cả bệnh nhi này đều chưa được tiêm vắc xin. Có hơn 1/5 trẻ ở độ tuổi có chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng chưa tiêm.
Tuy số trẻ em phải nhập viện vì mắc COVID-19 hiện chưa ở mức báo động như thời điểm dịch COVID-19 bùng phát dữ dội trên địa bàn TP trong năm 2021 (giai đoạn cả TP mới tiêm vắc xin), nhưng với số liệu kể trên có thể nhận định số trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện vì có triệu chứng bắt đầu có dấu hiệu tăng lên mỗi ngày.
Theo WHO, có nhiều chứng cứ khoa học cho thấy hiệu quả khi cho trẻ em tiêm vắc xin, trong đó tác dụng mong đợi nhất là làm giảm tỉ lệ nhập viện do đó không làm gián đoạn chuyện học hành của trẻ, giảm nguy cơ chuyển nặng và giảm tử vong ở trẻ em.
Ông Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, cho rằng theo văn hóa Việt Nam, các gia đình hay ở chung với ông bà là những người lớn tuổi, thậm chí cha mẹ cũng lớn tuổi. Do vậy, nếu không cho trẻ tiêm vắc xin COVID-19, trẻ dễ mắc bệnh và sẽ lây cho những người lớn tuổi trong gia đình.
Đặc biệt, với những trẻ béo phì, trẻ có bệnh nền, bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch... mà không tiêm vắc xin sẽ dễ bị chuyển biến nặng như suy hô hấp, sốc, nhiễm trùng bội nhiễm..., thậm chí tử vong. Ông Tiến khuyên các gia đình nên cho trẻ đi tiêm vắc xin.
Tại TP.HCM, tính đến hết ngày 12-8
* Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm được 684.793 mũi, bao gồm 449.851 mũi 1 (53,7%) thấp hơn 22,1% so với trung bình cả nước (75,8%) và 234.942 mũi 2 (28,1%) thấp hơn 15,8% so với trung bình cả nước (43,9%).
* Trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm được 1.683.569 mũi, bao gồm 755.931 mũi 1 (đạt 100%); 719.238 mũi 2 (96,1%); 208.400 mũi nhắc 1 (27,8%2), thấp hơn 15,2% so với trung bình cả nước (43%).
Tăng độ phủ vắc xin cho trẻ, được không?
* Sở GD-ĐT: nhà trường - y tế cùng phối hợp
Ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định thời gian qua ngành giáo dục đảm bảo thông tin liên tục, thông suốt về tiêm vắc xin đến từng phụ huynh, học sinh trong độ tuổi tiêm chủng.
Ngoài văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế, CDC TP... về phòng dịch COVID-19 và sự cần thiết của vắc xin phòng COVID-19, ngành giáo dục TP còn duy trì các kênh thông tin tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh cách phòng tránh dịch và bảo vệ sức khỏe.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục TP sẽ giữ các kênh thông tin này, kịp thời thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 để chuẩn bị đón học sinh đến trường.
Ông Dũng đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trường học tại địa bàn để đạt hiệu quả thông tin tuyên truyền cũng như đạt kế hoạch tiêm chủng cho học sinh trong thời gian tới, nhất là thời điểm chuẩn bị bắt đầu năm học mới.
Cũng theo ông Dũng, trước khi TP bắt đầu năm học mới, ngành giáo dục TP.HCM đã gửi danh sách tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho giáo viên với yêu cầu giáo viên sớm có lịch tiêm chủng cho học sinh.
MỸ DUNG
* Sở Y tế: ngành GD-ĐT cần đẩy mạnh truyền thông
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo các bậc phụ huynh nhanh chóng cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các điểm tiêm trên địa bàn nơi các cháu cư trú hoặc học tập. Sở Y tế nhận định hiện nay là thời điểm thuận lợi nhất vì học sinh còn nghỉ hè, vắc xin mRNA luôn sẵn có tại các cơ sở y tế và nhất là số trẻ mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng.
Sở Y tế đề nghị Sở GD-ĐT chỉ đạo ngành giáo dục các quận huyện phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông cho phụ huynh và học sinh, vận động các bậc phụ huynh đưa con em tham gia tiêm vắc xin để nâng cao miễn dịch cho trẻ em và cộng đồng, tiếp tục tăng số điểm tiêm tại các trường học.
Một giải pháp đặc biệt quan trọng là truyền thông đến từng phụ huynh về ý nghĩa quan trọng của tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, Sở Y tế đề nghị Sở GD-ĐT đẩy mạnh triển khai và kiểm tra việc thực hiện nhắn tin (do Sở Y tế biên soạn, về ý nghĩa và lợi ích của tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi) đến từng phụ huynh học sinh, cả phụ huynh đã đồng thuận và chưa đồng thuận việc tiêm vắc xin cho trẻ em.
THÙY DƯƠNG
TTO - Khảo sát mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, lý do chính khiến tỉ lệ tiêm vắc xin ở trẻ em thấp là do phụ huynh không nhận được bất kỳ tin nhắn nào của trường, chưa nhận khảo sát nào về tiền sử tiêm và mắc COVID-19...
Xem thêm: mth.3143647041802202-paht-noc-nix-cav-meit-ert-gnourt-uut-pas/nv.ertiout