Trong bối cảnh các thế hệ trẻ (Gen Z) được tiếp cận ngày càng nhiều với mạng xã hội và Internet, Facebook lại mất đi nhiều người dùng. Cụ thể, theo nghiên cứu vừa được Pew Research Center công bố hôm 10/8 vừa qua, chỉ có 32% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13-17 tại Mỹ sử dụng mạng xã hội Facebook. Đây được cho là số liệu đáng buồn, bởi trong báo cáo hồi năm 2014-2015, nền tảng này từng chiếm đến hơn 70% người dùng - điều mà Instagram hay Snapchat luôn hằng “mơ ước”.
Tờ TechCrunch dẫn lời Jules Terpak, một nhà sáng tạo nội dung Gen Z cho biết, giới trẻ ngày nay không còn tìm thấy giá trị ở Facebook nữa.
“Hiện có hơn 5 nền tảng truyền thông xã hội. Chúng ta không thể mãi ưu tiên một nền tảng nào đó, vậy nên sẽ có xu hướng loại bỏ dần những nền tảng bắt đầu thiếu tính giá trị”, Terpak khẳng định, đồng thời cho rằng Facebook, thứ mà các thanh thiếu niên thường sử dụng để giữ liên lạc với bố mẹ, đang trở nên nhàm chán.
“Văn hóa được xây dựng bởi người dùng Facebook rất khác so với những gì có thể thu hút thế hệ Gen Z”, Jules Terpak nói.
Theo TechCrunch, ngay cả hồi năm 2013, khi 77% người dùng sử dụng Facebook, các thanh thiếu niên vẫn có một số những cảm nghĩ tiêu cực về nền tảng.
“Facebook len lỏi vào đời sống thường ngày của giới trẻ, nhưng nó chỉ được coi như một công cụ hoặc nghĩa vụ với gia đình thay vì một nền tảng thú vị”, Pew Research Center cho biết.
Báo cáo trên còn chỉ ra những người dùng trẻ này đang dành nhiều sự quan tâm đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội khác ngoài Facebook. Xu hướng này kéo dài đến tận bây giờ, qua đó càng khiến Facebook mất “dân số”.
Tài liệu nội bộ do bà Frances Haugen, cựu nhân viên Facebook tiết lộ cũng cho thấy từ đầu năm 2021, số lượng các thanh thiếu niên sử dụng Facebook đã giảm 13% so với năm 2019. Con số này được cho là sẽ còn giảm tiếp đến 45% trong vòng 2 năm tiếp theo và là thông tin cực xấu đối với mảng quảng cáo, lĩnh vực vốn chiếm phần lớn doanh thu của Meta.
“Giới trẻ xem Facebook là nền tảng dành cho người già 40-50 tuổi. Họ thấy nội dung trên đây rất nhàm chán và tiêu cực”, tài liệu nội bộ năm 2021 của Facebook viết.
Giới trẻ đang xem Facebook như một nền tảng dành cho người già 40-50 tuổi
Tính đến tháng 5/2022, theo Economist, tại 5 quốc gia quan trọng nhất của Facebook, lượng đăng ký tài khoản người dùng mới dưới 18 tuổi đã giảm 1/4 trong suốt một năm. Chính Mark Zuckerberg cũng thừa nhận rằng đúng là Facebook đang “thờ ơ” với những người dùng trẻ tuổi trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh lớn, đặc biệt là TikTok, đang không ngừng bành trướng.
Thế nhưng, có một thông tin tích cực cho Meta là giới trẻ vẫn rất hứng thú với Instagram. Cụ thể, hiện 62% Gen Z vẫn đang sử dụng ứng dụng chia sẻ ảnh này, tăng mạnh so với số liệu 52% vào năm 2014-2015.
Tuy nhiên, một vấn đề đang xảy ra, là Instagram đang bị cho là “mất chất” và dần trở nên quá giống TikTok. Những thay đổi sau khi tính năng video ngắn Reels ra mắt khiến người dùng không còn cảm thấy thoải mái khi các tài khoản Instagram cũ đầy bạn bè bị thay thế bởi một “bản sao TikTok” toàn người lạ.
Đáp lại phản ứng trái chiều này, ông Mosseri, người đứng đầu Instagram, cho biết Instagram đang tập trung vào lĩnh vực giải trí và người dùng sáng tạo. Trạng thái từ bạn bè cũng đang được điều chỉnh để xuất hiện thường xuyên hơn trên story.
“Chúng tôi cần phải phát triển bởi vì thế giới đang thay đổi quá nhanh. Chúng tôi buộc phải thay đổi cùng với nó,” ông Mosseri chia sẻ, đồng thời khẳng định sẽ cố gắng giữ nội dung bạn bè ở đầu nguồn cấp dữ liệu. “Chúng tôi nhận ra rằng những thay đổi đối với ứng dụng có thể điều chỉnh được và chúng tôi cần thời gian để đảm bảo rằng mình đã làm đúng”, đại diện phát ngôn của Meta cho biết.
Trước đó, khảo sát đối với 1.316 Gen Z về tần suất sử dụng mạng xã hội của Pew Research Center cho thấy TikTok chiếm được phần lớn sự chú ý của giới trẻ, trong đó 19% cho biết họ dùng mạng xã hội video ngắn này gần như liên tục. Trong khi đó, chỉ 2% cho biết họ sử dụng Facebook thường xuyên.
Theo: Techcrunch, WSJ
Huệ Anh
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.76350108141802202-ert-gnud-iougn-gnuhn-iov-irt-aig-ov-nen-ort-nad-koobecaf/nv.zibefac