Riedel thành lập năm 1756, chuyên sản xuất ly rượu vang và bình rượu cao cấp. Các sản phẩm của hãng thủy tinh lâu đời nhất thế giới này đem về doanh thu 338 triệu euro (349 triệu USD) năm ngoái.
Tuy nhiên, công ty này có thể phải tạm đóng cửa nếu việc thiếu hụt nhiên liệu khiến các lò nung của họ không thể hoạt động. "Chúng tôi đang rất nỗ lực", CEO Riedel Maximilian Riedel (44 tuổi) cho biết từ trụ sở công ty ở thị trấn Kufstein (Áo). Việc thiếu năng lượng "đang khiến mọi thứ thiếu chắc chắn và các doanh nhân lo lắng".
Doanh nghiệp trên khắp châu Âu đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất khi các chính phủ lên kế hoạch dự phòng thiếu khí đốt mùa đông này, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục cắt giảm nguồn cung. Tại Đức, kế hoạch khẩn cấp sẽ cho phép chính phủ kiểm soát việc phân phối khí đốt trong kịch bản xấu nhất.
Riedel có 2 nhà máy ở Đức và phải dựa vào khí đốt Nga để vận hành các cơ sở này. Hai nhà máy trên có công suất 60 triệu sản phẩm sản xuất bằng máy. Nhà máy ở Áo thì có thể sản xuất thêm 250.000 sản phẩm bằng tay.
Câu hỏi đặt ra với các công ty như Riedel là liệu họ có nằm trong danh sách ưu tiên cấp khí đốt của chính phủ hay không, do sản phẩm không phải là hàng thiết yếu. BnetzA – cơ quan quản lý điện, nước, khí đốt, viễn thông của Đức đang thu thập dữ liệu về sử dụng khí đốt để xem công ty nào nên được cấp trước. Các hộ gia đình và dịch vụ công như bệnh viện nằm ở nhóm đầu, sau đó là các công ty cung cấp dịch vụ sưởi ấm, thực phẩm và vật tư y tế.
Giới chức đã đề cập đến trường hợp của các hãng thủy tinh để cảnh báo việc phân bổ khí đốt phải rất thận trọng. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi chủ yếu xoay quanh các công ty như Gerresheimer – sản xuất thủy tinh dùng cho ống đựng vaccine, chứ không phải sản phẩm xa xỉ như Riedel. Hiện chưa rõ chính sách phân bổ khí đốt sẽ ngặt nghèo đến mức nào, do rất nhiều doanh nghiệp đã gửi đơn xin ngoại lệ.
Chi phí năng lượng của Riedel đã tăng ít nhất 30%. Tuy nhiên, các nhà máy đang hoạt động với công suất tối đa để đề phòng giá năng lượng còn lên cao hơn trong mùa đông. Maximilian Riedel đã lên kế hoạch đầu tư ít nhất 20 triệu euro vào công ty năm 2022, gấp đôi dự tính ban đầu.
"Chúng tôi ý thức được tình cảnh hiện tại và ít nhất trong vài năm tới vẫn sẽ phụ thuộc vào khí đốt", ông cho biết, "Không nhà cung cấp năng lượng nào đồng ý ký hợp đồng 3 năm hay thậm chí 1 năm với công ty. Vì thế, chúng tôi đang phải mua hàng ngày".
Hà Thu (theo Bloomberg)