Những năm gần đây, chính sách thuế về thương mại điện tử (TMĐT) đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh TMĐT tại Việt Nam. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế từ năm 2018 đến nay đạt 5.432 tỷ đồng (số liệu lũy kế đến ngày 29/6/2022), tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Từ 2018 đến nay, năm 2021 là năm có số thu lớn nhất với 1.591 tỷ đồng (năm 2018 là 770 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1.167 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 số thu đạt gần 760 tỷ đồng).
Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện nay số thuế thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam, có thể gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử đã đặt ra những thách thức mới với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế, nhất là việc người kinh doanh lợi dụng các kẽ hở về quản lý để trốn thuế. Ảnh minh họa
Ngàn chiêu “né” thuế
Các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý đều nhận định chống thất thu ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nhận định với đặc trưng nền kinh tế số, TMĐT phát triển nhanh, việc quản lý, thu thuế gặp nhiều thách thức, những người tham gia kinh doanh trên các nền tảng số, sàn TMĐT gồm cả trong và ngoài nước nên việc truy địa chỉ để thu thuế không dễ.
"Việc thu thuế trên sàn TMĐT, các nền tảng số như Zalo hay thanh toán nhận hàng trả tiền (hình thức COD) là vấn đề mới, khó và hiện thất thu thuế lớn do các máy chủ đặt ở nước ngoài", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Thực tế, một nguyên nhân nữa là các doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT có thể dễ trốn thuế hơn so với hình thức kinh doanh truyền thống nhờ công nghệ số có thể bảo mật thông tin trong kinh doanh. Có không ít tổ chức, cá nhân sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng thường tìm cách né thuế, chia nhỏ thành nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế có sự không chuẩn xác và rất khó kiểm soát. Nhiều trang mạng xã hội có nguồn gốc ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam gây không ít khó khăn trong việc nắm bắt thông tin và thực hiện thu thuế.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, ngành thuế đã phát hiện nhiều cá nhân phải nộp thuế có thu nhập nhận được từ các mạng xã hội Facebook, Google… Chẳng hạn tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước ngoài với số thuế đã nộp năm 2021 là 56 tỷ đồng. Còn tại TPHCM cũng phát hiện một cá nhân kênh YouTube có thu nhập 19 tỷ đồng từ năm 2016 - 2018; một trường hợp khác nhận thu nhập 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong 2 năm 2016 - 2017.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, một khó khăn nữa là trong nước, hiện nay phát sinh nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh TMĐT với các giao dịch diễn ra quá nhiều và mang tính nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, không xác định được địa điểm kinh doanh, thời gian kinh doanh do hoạt động mua, bán diễn ra liên tục 24/7.
Đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, doanh nghiệp nước ngoài thường viện dẫn theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua các ứng dụng số trên mạng Internet và chuyển hàng qua chuyển phát nhanh. Do đó, việc thu thuế gặp khó khăn về cơ chế ràng buộc khi yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân này phải có sự tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam.
“Đó là chưa kể đến chiêu thức, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn, nếu thanh toán qua ngân hàng thì sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế là do hành lang pháp lý về quản lý hoạt động TMĐT chưa hoàn thiện, quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế, quản lý các nguồn thu, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế, kiểm soát dòng tiền thanh toán.
Các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý đều nhận định chống thất thu ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Đề xuất giải pháp quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, PGS.TS Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính, cho rằng về lâu dài cần sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số. Đồng thời, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng quản lý đối với thương mại điện tử trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão hiện nay.
Vị chuyên gia này cho rằng, công nghệ thông tin phải là nòng cốt gắn với các công nghệ hiện đại khác để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế, như: xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên Internet, làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình thương mại điện tử thanh toán tiền mặt.
Ngoài ra, cần nghiên cứu thành lập trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế để phục vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế là tổ chức ở nước ngoài có giao dịch xuyên biên giới, cá nhân có thu nhập cao, các giao dịch không bằng tiền mặt (qua ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian, thanh toán ngang hàng P2P, tiền ảo,...).
Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngoài cơ quan thuế, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại, trong công tác trao đổi thông tin, thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Chỉ khi có nguồn thông tin tin cậy cơ quan thuế mới đưa ra được các giải pháp quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiệu quả.
“Cùng với đó, ngành Thuế cần đầu tư xây dựng các công cụ phần mềm chuyên dụng trong tìm kiếm dấu vết, phát hiện và xử lý giao dịch thương mại điện tử có gian lận, né thuế” - chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo Nguyễn Giang
Diễn đàn Doanh nghiệp