Góp ý này được ông Vũ Hồng Thanh nêu tại phiên thảo luận chuyên đề pháp luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), chiều 15/8.
So với hiện hành, dự thảo luật sửa đổi lần này bổ sung nhiều điều khoản về bảo vệ thông tin người tiêu dùng.
Chẳng hạn, khoản 4, Điều 11 quy định, tổ chức cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin phải có cơ chế để người tiêu dùng cho phép hoặc không cho phép chia sẻ, tiết lộ thông tin cho bên thứ 3 và sử dụng thông tin này để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm...
Tuy nhiên, điều khoản này cũng quy định trường hợp tổ chức, cá nhân có thoả thuận bằng văn bản về trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng của bên nhận chuyển giao, không cần sự đồng ý của người tiêu dùng.
Góp ý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự thảo luật cần quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân, chia sẻ thông tin người tiêu dùng với bên thứ ba chặt chẽ hơn để tránh bị lạm dụng, gây phiền toái.
Ông dẫn chứng, khi mua hàng hoá, dịch vụ, bên bán thường yêu cầu người tiêu dùng cung cấp thêm thông tin cá nhân, như số điện thoại. Sau đó, người mua thường nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi rác mời chào quảng cáo, sử dụng dịch vụ...
Ông Thanh dẫn chứng, nhiều khi đang họp cũng nhận được các tin nhắn, cuộc gọi rác mời chào mua bất động sản, hàng hoá. "Chuyện thế này xử lý thế nào để bảo vệ thông tin của người tiêu dùng?", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề.
Còn ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, nhận xét, dự luật sửa đổi vẫn "mờ nhạt trong bảo vệ người tiêu dùng".
Thực tế, bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện chưa có luật chuyên ngành. Trước mắt, Chính phủ sẽ xây dựng Nghị định để bảo vệ dữ liệu cá nhân và đến năm 2024 sẽ xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ở góc độ thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng cho rằng dự luật cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân hoặc thuê bên thứ ba phải được người tiêu dùng đồng ý khi thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, huỷ bỏ thông tin.
Cơ quan này cũng đề nghị, cần có cơ chế với tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên thứ ba lưu trữ thông tin của người tiêu dùng khi có sự cố làm phát sinh nguy cơ mất thông tin. Việc này nhằm bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng ở mức cao hơn.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng tại dự thảo luật sửa đổi lần này đã được rà soát, tính toán cụ thể.
Theo ông, các quy định đưa ra nhằm bảo vệ tối đa thông tin của người tiêu dùng, vừa không tạo gánh nặng, phát sinh chi phí không hợp lý của tổ chức, cá nhân kinh doanh. "Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để cụ thể hoá hơn, tức là sẽ không sử dụng cho mục đích khác", Bộ trưởng Diên nói thêm.
Lần sửa đổi này, luật chỉ điều chỉnh "người tiêu dùng" ở khía cạnh cá nhân, thay vì cả tổ chức khi tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ như luật hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, đây là sự thay đổi lớn. "Vì sao phải thay đổi chính sách lớn như vậy? Quyền lợi của người tiêu dùng, thường là quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Đâu là quyền, đâu là lợi ích thì các điều luật, chính sách thiết kế tại Luật sửa đổi đã đảm bảo hay chưa?", ông hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải thích, các quy định này nhằm tập trung nguồn lực giải quyết các yêu cầu liên quan tới cá nhân - những đối tượng yếu thế. Tức là, luật sửa đổi không phân tán vào bảo vệ nhóm tiêu dùng là tổ chức, vốn được trang bị đầy đủ nguồn lực, công cụ đảm bảo quyền lợi khi xảy ra tranh chấp.
Ông Diên cũng nói ban soạn thảo dự thảo luật sửa đổi sẽ tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để dự thảo đạt chất lượng tốt hơn ở đợt trình, cho ý kiến lần sau.
Theo chương trình, dự án luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) tới đây.
Anh Minh