Rào cản hạn điền trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 1% với số vốn khoảng 3% tổng vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. Con số này cho thấy còn có nhiều rào cản để những người thực sự cần đất sản xuất phát huy hiệu quả. Trong đó nút thắt lớn chính là hạn điền.
Hạn điền nói nôm na là hạn mức diện tích đất nông nghiệp mà hộ gia đình hay cá nhân được quyền sử dụng để sản xuất. Hiện nay, theo Nghị định 43, tùy theo vùng hạn mức là: Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi thủy sản không quá 30 ha; đất trồng cây lâu năm và đất trồng rừng không quá 100 - 300 ha.
Những con số này được ví như "vòng kim cô’ khi mà người sản xuất lớn cần nhiều diện tích hơn thế mới hiệu quả. Câu chuyện của một doanh nghiệp ở Long An dưới đây là một ví dụ.
Theo nhiều chuyên gia, quy định về hạn điền đã đến lúc cần xem lại để không cản trở phát triển nông nghiệp lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Khai hoang đất đai, để nuôi tôm, trồng chuối, trồng bưởi, xoài, cái trước đầu tư cho mở rộng cái sau, ông Võ Quan Huy (Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An) đã không chỉ làm giàu cho mình với phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến mà còn tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội cho hàng ngàn người dân các địa phương.
40 năm khai hoang, tích lũy ông Huy đã có hơn 1.000 ha đất nông nghiệp trải khắp 6 tỉnh Nam Bộ. Ông đã tạo dựng những vùng nguyên liệu trù phú đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Nhật Bản. Nhưng do quy định hạn điền, ông Huy đã phải nhờ rất nhiều người đứng tên sau đó ủy quyền cho ông sử dụng. Điều này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về pháp lý
Không chỉ những doanh nghiệp như ông Huy mà hiện nay, nhiều nông dân cũng sản xuất vượt hạn điền. Đã có tình trạng họ bị cơ quan quản lý đất đai từ chối cấp đổi sổ, dẫn tới nhiều khó khăn trong vay vốn, chuyển nhượng…
Theo nhiều chuyên gia, quy định về hạn điền đã đến lúc cần xem lại để không cản trở phát triển nông nghiệp lớn. Đồng thời giúp người đầu tư, tích lũy đất đai phục vụ sản xuất được đứng tên trên chính tài sản của mình yên tâm đầu tư sản xuất.
"Nút thắt" về hạn mức đất nông nghiệp được tháo gỡ
Rõ ràng là rất nhiều người đã phải lách luật mới có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất thực tế. Trước vướng mắc này, trong 8 nội dung mới của Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 về quản lý và sử dụng đất đai vừa được ban hành đã mở rộng đối tượng cũng như hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Sự điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi cho sản xuất lớn.
Điểm mới của Nghị quyết 18 là thời gian tới đây sẽ ban hành quy định mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn.
Đồng thời, xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Theo nhiều chuyên gia đây là sự đột phá để có thể hình thành một nền sản xuất lớn đúng nghĩa.
Ông Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế xanh cho hay: "Hiện nay chúng ta nhỏ lẻ ráp lại với nhau nhưng để nhiều hộ ráp lại đồng thuận về một mô hình kinh tế thì quá trình thay đổi nhận thức rất lâu, nên quan điểm của tôi mở rộng hạn điền phục vụ sản xuất hàng hoá lớn là quan điểm đúng đắn. Vì vậy, nghị quyết dẫn dắt tới đây để sửa luật đất đai - tôi nghĩ rằng cần phải mạnh mẽ cho việc này".
Theo thống kê năm 2020 diện tích đất nông nghiệp là gần 28 triệu ha, chiếm 80% đất tự nhiên.
"Hiện nay có đến 60 - 70% lao động phí chính thức tức là không hơp đồng, bảo hiểm… Những người đó tuy đi ra đô thị vẫn giữ đất đai nhưng đất đai với họ không phải là tư liệu sản xuất mà là vật bảo hiểm, hễ có chuyên gì thì có mảnh đất. Như vậy, đất đai tách ra khỏi lao động và không trở thành lực lượng sản xuất để chuyển giao cho những người có năng lực để phát huy, tích tụ. Do đó muốn tập trung đất đai phải chính thức hoá thị trường lao động phi chính thức khổng lồ", ông Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết.
Những kiến nghị xóa bỏ hạn điền cũng đã được đưa ra. Bởi với một nền sản xuất nông nghiệp lấy doanh nghiệp làm trọng tâm thì điều kiện đầu tiên là diện tích đất cho sản xuất phải lớn, phải linh hoạt theo bài toán kinh doanh. Khi xóa bỏ hạn điền chính phủ sẽ phải phát huy vai trò quản lý để hạn chế việc lạm dụng đất nông nghiệp cho các mục đích khác.
Theo thống kê năm 2020 diện tích đất nông nghiệp là gần 28 triệu ha, chiếm 80% đất tự nhiên. Đây thực sự là nguồn lực quan trọng và sẽ được phát huy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội.
Nếu hạn điền được thay đổi rất có thể sẽ tạo ra đột phá cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi kèm với đó, chắc chắn sẽ cần tăng mạnh quản lý để tránh việc hộ gia đình, cá nhân lợi dụng, chiếm dụng nhiều đất nhưng lại bỏ lãng phí hoặc làm ăn không hiệu quả.
VTV.vn - Nghị quyết 18 của Trung ương tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.69613610251802202-peihgn-gnon-tad-cum-nah-ev-nol-iod-yaht-81-teyuq-ihgn/et-hnik/nv.vtv