Mở cửa thị trường, hay còn gọi là "tiếp cận thị trường" là công cụ quan trọng của WTO nhằm thực hiện mục tiêu tự do hóa và mở rộng thương mại.
Hiểu một cách đơn giản, muốn xuất khẩu trái sầu riêng hay chanh leo vào Trung Quốc, hay một nước nào khác, thì sẽ phải đáp ứng hàng loạt những yêu cầu từ phía nước bạn.
Cụ thể ngoài việc đảm chất lượng sản phẩm, thì bao bì nhãn mãn, quá trình trồng, thu hái, đóng gói sản phẩm phải đúng yêu cầu. Và quá trình này có thể kéo dài hàng chục năm, đó là thời gian để cơ quan chức năng 2 nước đi đến thoả thuận chung hay còn gọi nghị định thư. Như để quả vải tươi xuất khẩu vào Australia mất 11 năm, xoài xuất vào Mỹ 10 và thời gian phổ biến để mở cửa một loại trái cây từ 3 - 5 năm.
Như vậy, mỗi nghị định thư chính là những giấy thông hành, là điều kiện đầu tiên cần thiết để nông sản của chúng ta có thể được xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài.
Điều này cũng có nghĩa mở cửa thị trường coi như một thứ động lực để thúc đẩy xuất khẩu tăng tốc từ nay đến cuối năm và cả những năm sau đó.
Nếu cơ quan chức năng có vai trò chủ đạo trong việc đàm phán mở cửa thị trường thì doanh nghiệp chính là người hiện thực hóa các nghị định thư thành lợi nhuận, thay đổi thói quen canh tác và nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản Việt. Vì thế, mở cửa thị trường đi cũng là thách thức cho chính doanh nghiệp và người nông dân.
Mở cửa thị trường phải đi cùng chất lượng nông sản
Để đảm bảo chất lượng xuất khẩu, nhãn không chỉ cần ngon mà phải an toàn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong quy định cho phép. Để làm tốt việc này, các chủ vườn phải ghi chép nhật ký sử dụng thuốc và phân bón. Đặc biệt, những việc nhỏ như giữ vườn sạch sẽ hay chỗ để phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đúng yêu cầu nước nhập khẩu là điều kiện quan trọng.
Ông Nguyễn Đình Xuyên, TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cho biết: "Sang nước ngoài họ làm quy trình rất chặt, nếu bị trả về thì thiệt hại nền kinh tế lớn cho những nhà thương nhân của chúng ta".
Ngoài ra, các cán bộ thuộc các chi cục bảo vệ thực vật tại địa phương cũng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra giám sát các hộ nông dân là những mã được xuất khẩu cho từng thị trường.
Còn với các doanh nghiệp, họ không chỉ đồng hành với người nông dân xây dựng giám sát chất lượng các mã số vùng trông đã được cấp mà họ còn phải xây dựng kiểm soát các cơ sở đóng gói, chế biến đạt chất lượng để xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc.
Anh Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Chi nhánh Gia Lai - CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị đầu tư, thiết bị máy móc phù hợp cho tiêu chuẩn chất lượng cho thị trường Trung Quốc. Chúng tôi phải đánh giá thị trường Trung Quốc là thị trường tiên tiến với tiêu chuẩn cao, không khác gì châu Âu và Nhật Bản".
Cần có chiến lược lâu dài để giữ vững thị trường xuất khẩu
Việt Nam đã mất hàng chục năm để mở cửa cho một loại nông sản, nhưng để giữ được thị trường lại càng khó hơn. Theo Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên thực tế đã có những lô hàng vi phạm, mà làm cả ngành hàng mất đi cơ hội xuất khẩu.
Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN
Phải mất nhiều năm để đàm phán đưa quả xoài tươi của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, thế nhưng đã có lúc ngành hàng này bị tạm dừng xuất khẩu vào thị trường này, nguyên nhân do có một lô hàng của một doanh nghiệp vi phạm quy định của họ. Thiệt hại không chỉ doanh nghiệp và người trồng bị ảnh hưởng mà uy tín của cả ngành hàng này bị ảnh hưởng.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nói: "Muốn xuất khẩu một cách bền vững thì chúng ta phải có cách tiếp cận đầy đủ và bài bản, và phải xác định là đây là làm cho cả ngành hàng, doanh nghiệp muốn kết nối người dân và xuất khẩu bền vững thì phải làm đúng quy định".
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo vai trò của các hiệp hội ngành hàng nâng cao hơn, tạo ra tiếng nói chung cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ các yêu cầu của thị trường nhập khẩu
Ông Hoàng Trung cho biết thêm: "Doanh nghiệp phải có tiếng nói chung bảo vệ thương hiệu, thống nhất từ cách làm, từ giá bán".
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tăng cường ngày càng chặt mối liên kết với các hợp tác xã, người dân để đảm bảo ổn định chất lượng, giá cả và sản lượng cho từng thị trường.
Muốn xuất nhiều nông sản thì phải đa dạng thị trường, vậy khâu đầu tiên để đa dạng thị trường phải đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường. Như vậy theo nhiều chuyên gia, mở cửa thị trường là khâu then chốt trong việc thúc đẩy năng lực xuất khẩu nông sản Việt từ nay đến cuối năm. Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.75095445061802202-gnoul-tahc-gnuc-id-iahp-teiv-nas-gnon-ohc-gnourt-iht-auc-om/et-hnik/nv.vtv